Đắk Lắk: Người dân góp 780 tỷ đồng, hiến 470.000m2 đất cho nông thôn mới

Giai đoạn 2016 – 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đăk Lăk đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Để có cái nhìn toàn diện hơn, phóng viên đã trao đổi với ông Vũ Văn Đông- Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đăk Lăk.

00:55 24/12/2018

Ông Vũ Văn Đông – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đăk Lăk.

Ông Vũ Văn Đông – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đăk Lăk.

Ông Vũ Văn Đông cho biết: Triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Quyết định số 530 ngày 8.3.2017 về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua Đăk Lăk chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020.

Trên cơ sở này, các địa phương đã tổ chức phát động phong trào thi đua với những mục đích, yêu cầu, nội dung, tiêu chuẩn, đối tượng cụ thể.

Ông có thể tóm tắt những kết quả đạt được trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 3 năm qua?

– Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được phát động rộng khắp ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ các cấp làm công tác NTM cũng được chú trọng, tỉnh xem đây là nhiệm vụ quan trọng, then chốt. Trong những năm qua, ở các cấp đã tổ chức hơn 100 lớp đào tạo, tập huấn cho 4.678 lượt người tham dự; ngoài ra, còn tổ chức tập huấn hơn 450 lớp tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… cho hơn 22.500 lượt người tham dự.

Giai đoạn 2016 – 2018, tỉnh Đăk Lăk tiếp tục triển khai 6 dự án nông thôn miền núi, chủ yếu tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn khó khăn; thực hiện hơn 200 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó đã triển khai 133 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó có 42 nhiệm vụ thuộc các chương trình: Hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn; chương trình công nghệ sinh học; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh; Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)…

Đến nay, toàn tỉnh có 30 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 20%); 10 xã đạt 17-18 tiêu chí; 19 xã đạt 15-16 tiêu chí; 18 xã đạt 13-14 tiêu chí; 34 xã đạt 10-12 tiêu chí, 41 xã đạt 5-9 tiêu chí.

Một số tiêu chí đạt cao như: Tiêu chí số 1 về quy hoạch, tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, tiêu chí số 15 về y tế, tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh. Một số tiêu chí đạt thấp như: Tiêu chí số 2 về giao thông (43 xã), tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa (49 xã), tiêu chí số 11 về hộ nghèo (52 xã), tiêu chí 17 về môi trường và an toanàn thực phẩm (66 xã)… Không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Thanh niên tình nguyện tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Pil, huyện M’Đrăk.

Thanh niên tình nguyện tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Pil, huyện M’Đrăk.

Sự đóng góp và hưởng lợi của người dân trong chương trình ra sao?

– Trong gần 3 năm qua, chính quyền các cấp đã vận động người dân đóng góp tiền mặt khoảng 780 tỷ đồng, hiến trên 470.000m2 đất, hơn 100.000 ngày công lao động… để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như: Làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, sân thể thao, nhà văn hóa…

Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, NTM của tỉnh đã trở thành hiện thực. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Ở những nơi xây dựng NTM thành công, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao.

Ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm cần rút ra và mục tiêu xây dựng NTM từ nay đến năm 2020 của tỉnh như thế nào?

Dự kiến hết năm 2018, toàn tỉnh ước có 42 xã đạt chuẩn NTM đạt tỷ lệ 27,6% (tăng 2 xã so với kế hoạch năm 2018, vượt chỉ tiêu kế hoạch là 1,3%) và TP. Buôn Ma Thuật hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

– Từ việc đánh giá thực tiễn, chúng tôi nhận thấy rằng: Việc xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Làm sao để dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp; phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.

Cùng với đó, lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không ép buộc quá sức dân.

Các mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong xây dựng NTM tới đây là gì?

– Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có trên 40% số xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM; có từ 1-2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Bình quân đạt 14,38 tiêu chí/xã. Các xã đạt chuẩn NTM phấn đấu giữ vững và nâng cao tiêu chí. Cụ thể: lũy kế năm 2018: 42 xã; năm 2019: 50 xã; năm 2020: 61 xã.

Cũng đến 2020 sẽ cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã…; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân…

Xin cảm ơn ông!

Theo Duy Hậu / Báo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: Người dân góp 780 tỷ đồng, hiến 470.000m2 đất cho nông thôn mới tại chuyên mục Tây Nguyên của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận