Aa

Dặm trường mẹ với tháng ba

Thứ Tư, 02/03/2022 - 06:00

Dấu chân mẹ tôi có bao giờ đi xa đâu chỉ vòng quanh xóm thôn, đồng áng. Từ nhà ra đường, từ đường ra chợ và từ chợ lên chùa. Và từ chùa trong tâm tưởng mẹ mở ra bao hướng thiện, bao ước vọng...

Tháng ba, mưa xuân rắc nhẹ. Những cây mạ cắm xuống đồng còn run rẩy. “Tháng 3 ngày 8”  tháng 3 là ngày giáp hạt. Đó là khi lúa ngoài đồng đang đẻ nhánh, rau màu mùa lạnh đã tàn, cây trái ngoài vườn mới đang nhú nụ. Ruộng vườn làng quê như hoang hoải rộng dài.

Dặm trường mẹ tới tháng ba mang theo túi trầu thêm nặng. Những trầu, những cau có từ thuở xa xưa đến bây giờ vấn mới, vẫn tươi vẫn nồng nàn ấm cúng cho gương mặt mẹ hồng hào bớt đi những lo âu khó nhọc. Mỗi khi nhớ về mẹ, ta lại nhớ về ngọn đèn khuya. Bây giờ không còn ngọn đèn hạt đỗ thắp dầu như xưa nữa. Hạt đỗ - hạt đèn đó được mẹ gieo xuống vườn mọc thêm hoa thêm quả với những mầm rễ rì rầm thấm thía hơi ấm phù sa nhân nghĩa trong những ngày tháng ba giá rét. 

Tháng ba, mưa xuân rắc nhẹ. Những cây mạ cắm xuống đồng còn run rẩy. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tháng ba là tháng có nhiều dự cảm. Vừa vòng qua giêng hai với bao dự cảm tâm linh mong ước về một tương lai tốt đẹp sum vầy cho con cháu. Tiếng Mẹ thân thương trong trìu mến nhân hòa của Đạo Mẫu thánh thiện. Màu áo nâu sồng của mẹ lên chùa có gì thật gần gũi như màu phù sa ấm áp. Mẹ thong thả lần chuỗi hạt thời gian. Từ khi cấy đon mạ, mẹ đã đi lui đến lúc tay liềm gặt hái thì dáng mẹ vẫn lưng còng. Tháng ba của mẹ là khoảng thời gian chùng lại sau những ngày tưng bừng nghỉ tết. Bao mừng vui mẹ dồn hết cho tết. Và bây giờ trải ra những lo toan sắp tới. Tháng ba của Mẹ có ba loài hoa với ba sắc màu đặc trưng: Hoa gạo màu đỏ ối, tím là hoa xoan và trắng tinh khôi nồng nàn là hoa bưởi.

Tháng ba của Mẹ có ba loài hoa với ba sắc màu đặc trưng: Hoa gạo màu đỏ ối, tím là hoa xoan và trắng tinh khôi nồng nàn là hoa bưởi. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hoa gạo đỏ rực rỡ ban ngày, hoa bưởi thơm vào đêm và xoan thì chúm chím lặng lẽ bịn rịn. Cả ba màu hoa đan xen vào  nhau, thắm vào nhau, tôn vinh nhau và mang những nỗi niềm riêng thảng thốt. Hoa gạo (còn gọi là hoa mộc miên) mang tên một sản phẩm nhà nông như là khát khao mong mỏi. Hoa xoan còn gọi là hoa “sầu đông” vỏ ngoài thì khô nỏ ngỡ như xôm xốp nhẹ bâng mà ruột thật tươi ròng, ngâm bùn ao để dựng nhà ít khi mối mọt. Còn hương bưởi tháng ba ta lần theo sẽ gặp dáng hình thon thả mái tóc dài của mẹ ta, chị ta.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã có một “Hương thầm” cho “Hương bưởi thơ cho lòng bối rối” bao người thì ông hoàng thơ tình thi sỹ Xuân Diệu lại có cái thảng thốt đắm đuối vô cùng tinh tế mà chỉ có tuổi đang yêu mới nhận ra “Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya”. Hương thơm làm dịch chuyển cả không gian, thời gian và tâm trạng lòng người. Ôi các sắc màu, hương vị các loài hoa ấy như mẹ ta thật bình dị, đơn sơ mà chưng cất bao vẻ đẹp thầm lặng cứ thế tỏa hương cứ thế nồng nàn đằm thắm không bao giờ tô vẽ. 

Hoa gạo đỏ rực rỡ ban ngày, hoa bưởi thơm vào đêm và xoan thì chúm chím lặng lẽ bịn rịn. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Khi nghĩ về mẹ, ta thường nghĩ đến mái đầu tóc sương, đôi bàn tay nhăn nheo quen làm lụng, rồi vết chân chim rạn nơi mí mắt hay tấm áo nâu sồng bạc màu của mẹ. Tất cả như có gì già nua, chất  phác, đôn hậu. Và tôi, tôi thường nghĩ về dấu bàn chân mẹ, dấu chân đã lội qua đời người với bao mưa nắng, với bao trầy trật, với bao vấp ngã và với bao dấn bước bấm vào mong manh thiếu hụt để vững chãi thêm, định vị cho mình một tư thế làm người.

Dấu chân mẹ tôi có bao giờ đi xa đâu chỉ vòng quanh xóm thôn, đồng áng. Từ nhà ra đường, từ đường ra chợ và từ chợ lên chùa. Và từ chùa trong tâm tưởng mẹ mở ra bao hướng thiện, bao ước vọng trải ra bao con đường cho con cái mình cất cánh, như nhà thơ Trương Nam Hương đã viết: “Cả lúc đã xuôi tay về với đất / Ước mơ mẹ tôi không quá ngọn tre làng”.

Giản dị vậy thôi mà mẹ thấu hiểu cái lẽ đời, từ lời ru, từ lời ăn tiếng nói, từ gia phong nếp nhà, nếp ruộng. Nhiều lúc tôi bần thần khi nhìn kỹ móng chân mẹ. Những kẽ móng chân lâu ngày lội ruộng tích tụ bùn đất. Mẹ cọ rửa thế nào chúng cũng không hề trôi đi hết. Mười chiếc móng chân ngã sang màu vàng thấm vị phèn chua của lam lũ lội ruộng, lội bùn đã dính bệt   như một chất keo. Ôi những cái móng chân già hơn cả tuổi mẹ đã ngấm vào đời mẹ, hương vị đất đai ruộng đồng. Cái mùi đất ngai ngái, thênh thênh sau luống cày vỡ. Cùng cánh đồng ấy đất chiêm, đất mùa lại khác nhau. Đất chiêm hanh hao và se buốt, đất mùa nồng nã và chứa chan, đất lên mùi oi ả theo cái nắng chói chang, đất dịu hương khi lâm thâm mưa rắc hạt.

Và tôi càng sửng sốt khi nhìn kỹ vào gót chân của mẹ, gót chân nứt nẻ chằng chịt vết rạn như vết rạn mặt đồng mùa hạn hán. Gót chân quen đi đất chưa bao giờ ướm vào những đôi dép, đôi giày cao sang. Mẹ quen mộc mạc, đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình tin cậy. Như cái mo cau mẹ thường gói cơm nếp nóng, như cái mo cau thành cái quạt nan trưa hè oi bức, thành cái gàu dai múc nước giếng trong. Nhiều lúc cứ nhìn bàn chân mẹ, tôi lại nghĩ về chiếc mo cau ấp bẹ vào thân cau khắc đốt để che chở buồng cau non. Và chiếc mo cau ấy một thời lũ trẻ chúng tôi buộc vào chân thay đôi giày chạy qua  những triền cát nóng bỏng ….

Mẹ quen mộc mạc, đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình tin cậy. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cuộc đời mẹ tất bật quay vòng như chong chóng, thì dấu bàn chân làm sao thanh thản được. Dấu chân khi nặng khi nhẹ, khi ngắn khi dài, khi nghiêng khi ngã, cứ đan xen nhau trực chỉ một con đường ngay thẳng không vòng vo uốn lượn. Mẹ thức dậy sớm với tiếng gà, dấu chân lò dò ra giếng khi trời còn chập choạng. Và tiếng nước vo gạo, tiếng cơm sôi lục bục. Tôi cứ thầm nghe cái âm thanh đó mà đoán ra dấu chân mẹ đang bấm nốt sẽ sàng cho một ngày mới. Dấu chân thật êm để không làm vỡ  giấc ngủ người khác. Dấu chân mẹ quét sân, quét ra cả đường làng ngoài ngõ.

Ôi mẹ của tôi, người luôn hướng đến sự vẹn toàn thông suốt. Người luôn nhìn ra sự sống tươi mới từ những điều tưởng như bỏ đi. Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã có những phát hiện thật tinh tế cảm động: “Cái nón mê, mẹ đội nửa đời người / Khi chóp thủng lại đội vào vại nhút”. 

Công việc đồng áng của mẹ quanh năm thường lặp lại: Chọn giống, gieo hạt, cấy mạ, gặt lúa. Nhưng mẹ lại vun vén rạ rơm, “Lúa gặt rồi, rơm rạ bó vào nhau” (Nguyễn Minh Khiêm).  

Rạ rơm để nuôi ngọn lửa bếp nhà, nuôi nỗi bập bùng phấp phỏng của cả đời người. Rạ rơm để trải thành đệm êm, đệm ấm ôm tròn giấc ngủ, có gì bền bỉ trong cái xác xơ ấy khi dấu chân mẹ ướm nhẹ lên con đường làng, con đường rơm. Và không gì êm ả hơn, đầm ấm bằng khi những sợi rơm vàng quấn quýt bàn chân mẹ.

Dấu bàn chân mẹ như một dấu triện ấn xuống đất đai để từ đó mọc lên sự sống cây đời. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Dấu bàn chân mẹ thật háo hức chộn rộn khi ra chợ làng. Mẹ thích chợ và chỉ đi chợ chứ ít khi vào siêu thị. Bởi việc mua bán không chỉ giá cả đổi trao mặc cả mà thèm được nghe tiếng người, thèm được nâng lên đặt xuống. Khi ấy tôi thấy bàn chân mẹ thật hồ hởi khi đứng khi ngồi, khi khom khi cúi, khi cười khi nói. Hình như đến chợ mẹ mới hóa thân, nhập vào với không khí nơi đây với mọi người. Thì đây tất cả đều được tươi sạch, đều mới cắt mới hái trong vườn, đánh lên cất lên từ ao. Và mẹ không chỉ hỏi mua mà còn bán, mẹ bán đi cái vất vả để mua cái niềm vui nhỏ mọn. Dấu bàn chân xoay xở có chút đắn đo dò hỏi, ngón tay mẹ vuốt ve những đồng tiền lẻ.

Dấu bàn chân mẹ thật thanh thản khi ướm lên bậc thềm cửa chùa, dấu chân nhẹ tênh chậm rãi bước đi có hậu, tay lần  tràng hạt, chân lần tháng năm. Mẹ ướm chân mình vào cửa Phật bỏ lại sau lưng những vất vả nhọc nhằn, những ưu tư vương vấn để hướng tới ánh hào quang chân thiện mở ra bao cõi ước mong.

Dấu bàn chân mẹ như một dấu triện ấn xuống đất đai để từ đó mọc lên sự sống cây đời - Mẹ ơi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top