Dáng cha ngồi đợi

Dáng cha ngồi đợi

Thứ Năm, 18/02/2021 - 07:00

Người ta nói, trong quan hệ cha con, niềm vui lớn nhất của đàn ông là khi còn bé thì con ngưỡng mộ cha, khi trưởng thành thì cha ngưỡng mộ con, khi về già thì cha con thành bạn với nhau.

Cha khuất bóng đã hơn mười lăm năm rồi mà tôi chưa quen được cái cảnh thiếu ông mỗi lần về căn nhà nhỏ của cha mẹ ở làng. Lần nào đứng trước sân nhà, tôi cũng tưởng như mình khi bước qua ngưỡng cửa là sẽ thấy cha đang ngồi đợi ở bàn nước. Ông đầy vẻ sốt ruột và như sắp bắt đầu cáu kỉnh vì chờ đợi. Tôi chào ông bằng câu quen thuộc: "Bố, con đã về!". Ông ngẩng lên, nhăn nhó: "Sao về muộn thế, hả con?", rồi ngay sau đó thì quên phắt đi việc mình đã sốt ruột, đã sắp cáu kỉnh. Ông hoan hỉ, rộn ràng, gọi người nọ, nhắc người kia bày biện cơm nước đã chuẩn bị ra...

Ông anh trưởng họ hỏi: "Bày mâm ở đâu đây chú?". Cha bảo: "Thằng này chỉ thích ngồi ăn ngoài sân". Tôi cười: "Đúng thế. Bày cỗ ngoài sân thôi!".

Cha tôi theo ông bà nội đi khỏi làng năm 12 tuổi sau một biến cố lớn. Ông tôi bị lừa vào một vụ kiện và bị xử thua, phải bán cả cơ ngơi lấy tiền trả rồi đưa vợ con ra vùng mỏ kiếm sống. Từ nhỏ, cha đã được ông nội dạy chữ và theo học ông giáo có tiếng ở làng. Có chữ, lại thông minh, trong bước đường kiếm sống, từ nhặt than vùng mỏ, về Hải Phòng bán kem, bán kẹo kéo dạo, cha nhập vào đám trẻ đường phố, ngang tàng lắm. Khi ông bà làm nghề sản xuất bánh kẹo, có cửa hàng ở phố Hải Phòng, trở nên khá giả, thì cha càng có uy với đám trẻ đường phố mà cha nhập vào...

Năm 1945, Việt Minh khởi nghĩa, cha là một chàng trai, đã nhập vào dòng người đi giành chính quyền rồi tham gia tự vệ thành. Cha lấy vợ là một cô gái Thái Bình bị lạc gia đình ra đây từ nhỏ. Pháp chiếm đóng Hải Phòng. Ông bà cùng gia đình cha về lại quê, gom tiền mua đất, dựng nhà. Cha làm cán bộ xã đội, huyện đội rồi vào công an vũ trang. Mấy năm sau cha được điều lên chiến khu Việt Bắc và đi mãi. Ở quê lâu không có tin tức gì, vợ và hai đứa con của cha bỏ làng đi, ông bà nội không giữ được. Bà nội khóc hu hu nhìn con dâu dắt hai cháu nội đi xa dần...

Sau năm 1954, cha mới trở về làng. Cha đi khắp nơi tìm vợ con, nghe nói có gặp được, nhưng không về ở với nhau nữa, chả hiểu tại sao. Cha lao vào công tác, năm năm sau mới lấy mẹ tôi, cùng làng, cùng tuổi Hợi, trẻ hơn cha một giáp, rồi sinh ra tôi, cũng vào năm Hợi.

 

Cha đã cứng tuổi, vẫn hay đi, công tác, học bồi dưỡng, rồi lên huyện, lên Hà Nội và Tây Bắc. Hồi nhỏ, tôi ở với ông bà nội. Lên Tây Bắc công tác, cha đưa mẹ đi theo. Khi tôi năm tuổi, cha mẹ về đón, sau đó đưa ông bà nội lên. Tôi có thêm mấy đứa em. Cha vẫn hay đi, khi về thì toàn chơi với những đứa nhỏ. Tôi ít được gần cha. Tôi học có kết quả tốt, được đi thi học sinh giỏi, có nhiều giấy khen, được lên báo tỉnh, cha biết, cũng khen ngợi. Gặp bạn, cha khoe, giọng tự hào, con hơn cha đấy. Mỗi lần cha về thì được ăn ngon. Cha đụng với ai đó góc chó, đùi lợn, các bạn của cha kéo đến uống rượu, cười nói rổn rảng…

Tôi gần gũi với bà nội hơn cả. Bà hay trò chuyện với tôi. Những gì tôi biết về cha là do bà kể trong những câu chuyện rỉ rả, không đầu không cuối.

Người ta nói, trong quan hệ cha con, niềm vui lớn nhất của đàn ông là khi còn bé thì con ngưỡng mộ cha, khi trưởng thành thì cha ngưỡng mộ con, khi về già thì cha con thành bạn với nhau. Tôi được hưởng hai phần niềm vui này. 

Khi còn bé, tôi ngưỡng mộ cha qua những câu chuyện của bà nội. Mặc dù bà kể với giọng than thở, rằng bố mày ngày xưa ghê gớm lắm, đánh nhau chả chịu thua thằng nào, lấy vợ thì chả hỏi tao, rằng bố mày chơi thân với chú Ngạch vì dám đánh kẻ cướp nắm cơm phát chẩn cho mẹ mày lúc còn bé tí. Bà bảo, chú Ngạch giờ làm to, thế mà cứ nể cái nghĩa khí của bố mày… Đại loại, có rất nhiều những câu chuyện như thế.

Đỉnh điểm của việc ngưỡng mộ cha là năm tôi 17 tuổi. Tôi khai lý lịch dự thi đại học. Mẹ lần hộc tủ thờ ra một đám giấy tờ, bảo của bố đấy, xem có gì thì khai. Tôi đọc, thấy bí danh hoạt động của cha ghi là Mộng Hùng. Kinh chưa, mộng làm anh hùng! Có bài thơ cha viết tên là “Chí khí ca”, mở đầu: 

“Cuộc đời gió lộng cùng mưa sa

Sống với nhân quần rộng bao la

Non cao biển thẳm chân hùng bước

Ngay thẳng chân thành một khúc ca”.

Còn có mấy tập giấy chép tay: “Năm tháng bi thương của Nguyên soái Hạ Long”, “Sự thật về Lâm Bưu”… Lúc đó, tôi đọc mà chưa hiểu gì cả.

Lại có một biến cố xảy ra. Tôi đỗ đại học mà mãi không có giấy gọi. Lên tuyển sinh hỏi thì biết cơ quan cha can thiệp không cho gửi hồ sơ đi. Cha biết tin, từ dưới huyện bổ về. Thì ra cha đi thu mua lâm sản cho sở ngoại thương, khi tập kết chở về thì bị lấy cắp. Cơ quan quy trách nhiệm bắt cha phải đền. Nhà có cái xe đạp dành cho mẹ tôi chạy chợ, cha phải bán đi đền rồi mang hồ sơ về trường Bách Khoa nộp, lấy giấy gọi lên cho tôi. Từ đó, cha uất ức, bỏ luôn cơ quan. Mẹ tiễn tôi đi học, nước mắt ngắn dài: “Con nhớ lấy bài học của bố, đừng ngang tàng, nóng tính, khỏi chuốc lấy khổ cho mình, cho con cái”…

Tôi ở trên miền núi, vào đại học là vinh dự lớn. Rồi đang học thì viết báo, được đăng thơ, được ngâm trên đài, có khi còn trực tiếp đọc ở mục tiếng thơ. Cha tôi theo dõi sát sao, đặt những tờ báo từng đăng thơ, đăng bài của tôi để dõi theo. 

Thế là bắt đầu chuyển sang giai đoạn cha ngưỡng mộ con. Tôi đi làm báo, viết báo, làm thơ nhiều hơn, xuất hiện trên ti vi, ra sách, có tí chức vụ. Sự ngưỡng mộ của cha dành cho tôi ngày càng củng cố. Cũng có lần, tôi bị kỷ luật, mất chức, cha lo lắng, buồn bã. Khi gặp, tôi nói rõ sự tình và cách xử sự của mình. Cha bảo: “Thế là được, anh vẫn xứng là con tôi”. Tôi cười, chợt nhớ lời mẹ dặn, thấy mình đã ý thức sửa cái ngang tàng và nóng tính di truyền từ cha, cũng đã sửa được chút ít, nhưng chả thấm vào đâu…

                

Gần bảy mươi tuổi, cha mẹ tôi lại về làng, dựng ngôi nhà nhỏ trên đất ông bà ngoại. Tôi hay về nhà hơn, nhưng vẫn thưa thớt. Cha cứ ngóng tôi. Có bận lâu quá thì viết thư, ra xã nhờ điện thoại gọi. Đôi ba lần thì tôi mới thu xếp được một. Thế là rộn ràng chuẩn bị, hỏi chỗ này, thăm chỗ kia để kiếm thịt cá làm cỗ đợi con. Tôi về, thấy mình đi nhanh, nhưng cha đợi thì thấy lâu. Cỗ bàn chuẩn bị xong, cha không cho bày ra, đợi tôi về mới dọn cho nóng sốt. Tôi thích ăn cỗ ngoài sân rộng rãi, vừa ăn vừa ngắm cảnh làng, chào người họ hàng, cha cũng chiều theo. Có bận, tôi đưa khách quan trọng về, cũng cứ bày cỗ ngoài sân. Cha tôi đi lại, nói cười hể hả…

Cha mất khi tôi chưa già, mới ngoài bốn mươi, thành ra không được hưởng cái phần niềm vui làm bạn với cha khi mình đã già. Làm văn, làm báo, chuyên đi hỏi chuyện đời, chuyện người, mà chưa bao giờ hỏi đến nơi đến chốn chuyện đời của cha, những góc khuất của cha… Thành ra, việc ấy giờ cứ bám lấy tâm trí tôi, thành một hối tiếc lớn.  

02/18/2021 07:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top