Aa

Đắng ngọt đàn bà

Thứ Hai, 07/03/2022 - 06:06

Quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu và mang đến những cống hiến to lớn cho xã hội...

Sau Tết Nhâm Dần, tôi có dịp trở lại Quảng Bình, xông đất “ngôi nhà” văn chương Tạp chí Nhật Lệ. Tôi được gặp lại ba nhà văn nữ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là “chủ lực” cả về sáng tác, cả về “gồng gánh”, giữa thời làm kinh tế báo đã khó, chưa nói đến kinh tế tạp chí, lại là tạp chí văn học nghệ thuật.

Vẫn nụ cười thánh thiện, ăm ắp xuân. Điều làm tôi phấn khởi, là được biết cả ba chị đều vừa “ẵm” Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư 5 năm 2016 – 2021. Tổng biên tập, nhà văn Nguyễn Thị Lê Na giải A, nhà văn Nguyễn Hương Duyên và nhà văn Hoàng Thụy Anh cùng giải B. “Ba chị em cũng giành được con heo 65kg”, Nguyễn Hương Duyên sẻ chia, tự hào. “Chui cha, chúc mừng, 65 triệu cho một mùa giải. Quá đã!”, tôi thốt lên, thực tế.

Điều tôi muốn nói, Nguyễn Thị Lê Na và Nguyễn Hương Duyên có hai tác phẩm cùng đạt giải, là hai tập truyện ngắn viết về đàn bà có tên “Đắng ngọt đàn bà” (Nguyễn Thị Lê Na) và “Viết tặng anh từ căn bếp này” (Nguyễn Hương Duyên), gây tiếng vang ngay sau khi xuất bản.

Trong “Đắng ngọt đàn bà”, Nguyễn Thị Lê Na đã “vi phẫu” để tìm ra “căn cước” những giọt nước mắt đêm của người phụ nữ. Bi kịch của người đàn bà nhiều khi ở lòng vị tha và sự hy sinh. 11 truyện ngắn trong “Đắng ngọt đàn bà” hấp dẫn, kịch tính. Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na triển khai tình huống kịch tính, thắt và mở nút chi tiết, kỹ lưỡng. Chị đã tổ chức “sự kiện”, tình huống tâm lý đàn bà biến ảo. Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn chị được triển khai tự nhiên, chi tiết nào cũng vừa như báo trước, vừa giữ kín kết cục, tạo nên bất ngờ. Do chỗ thắt và mở nút được nhấn mạnh, làm nổi rõ trong cấu trúc tác phẩm, cho nên biến cố hiện lên như một mắt xích tách khỏi dòng đời, làm thành một hiện tượng loại biệt, mang ý nghĩa tượng trưng trong các truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na.

đắng ngọt đàn bà
Quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu và mang đến những cống hiến to lớn cho xã hội. (Ảnh minh họa: Internet)

“Viết tặng anh từ căn bếp này” là tập truyện ngắn đáng đọc của Nguyễn Hương Duyên. 12 truyện ngắn, không lặp lại nhau về hoàn cảnh, nút gỡ. “Viết tặng anh từ căn bếp này” - tên sách gợi khát vọng đàn bà trong gia đình. Căn bếp là nơi người đàn bà lo bữa cơm cho gia đình, bữa cơm gia đình đó là một biểu tượng ấm ấp và hạnh phúc. Căn bếp không nguội, bữa cơm nhà luôn ngon miệng, đầm ấm là một giá trị. Chồng không nghĩ đến “cơm hàng xóm” là điều người vợ mong muốn. Đây là khát vọng của người phụ nữ Việt Nam công dung ngôn hạnh khi lập gia đình. Nguyễn Hương Duyên thoát ra được mô típ thông thường khi lý giải về đời sống gia đình. Nhiều nhân vật đã dám tìm chính mình khi mong chờ cạn kiệt. Nhà văn đã phơi bản ngã của họ một cách chủ động trong một xã hội đã hình thành các giá trị hiện đại.

Không chỉ văn xuôi, tôi đọc khá nhiều thơ của các nhà thơ viết về mẹ. Năm 2019, tôi ấn tượng với “Bay trong mơ” – tập thơ nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn và Giải thưởng Văn học ASEAN cùng năm của nhà thơ, TS. Trần Quang Đạo. “Tôi tập bay trong mơ/ phía trước mẹ vừa bay vừa ngoái lại/ khích lệ tôi/ vẫy gọi tôi/ tôi mọc thêm màu sắc/ trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời” (Bay trong mơ). Năm 2020, tập thơ mang lại cho tôi nhiều cảm xúc chính là trường ca “Chín cơn mưa và mẹ” của nhà thơ, đại tá Nguyễn Hữu Quý. "Con đã gắn đời con và xứ sở/ để con được là mình/ để mãi mãi là con của Mẹ/ tảo tần, ngay thẳng, thương yêu!" (trang 13, Chín cơn mưa và mẹ), nhà thơ Nguyễn Hữu Quý xác nhận. 

Họ viết về người mẹ của mình, người phụ nữ nói chung với tất cả tấm lòng kính trọng, tri ân.

***

Khi tôi viết những dòng này thì ngày 8/3 đang tới gần. Hẳn nhiều người còn nhớ, năm 1910, Đại hội Phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày "Quốc tế Phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Từ đó, ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Nói như thế để thấy, lịch sử ngày 8/3 chính là lịch sử của đấu tranh về bình đẳng giới, một trong những giá trị phổ quát của văn minh nhân loại.

Ở Việt Nam, ngày này còn gắn với niềm tự hào về lịch sử, là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu và mang đến những cống hiến to lớn cho xã hội.

Lịch sử ngày 8/3 chính là lịch sử của đấu tranh về bình đẳng giới, một trong những giá trị phổ quát của văn minh nhân loại. (Ảnh minh họa: Internet)

Cho đến nay, chương trình nghị sự về “Bình đẳng giới” của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) đang là một nội dung nằm trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Tháng 9 năm 2015, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), đã thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu về “Bình đẳng giới và tôn trọng tất cả các quyền của con người”. Ở nước ta, những nội dung này, thực chất đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong nửa đầu thế kỷ XX. 

Tất cả các quốc gia tham gia mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới đều phải phấn đấu “Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi. Đồng thời loại bỏ tất cả những hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân”. 

Bối cảnh mới của dân tộc và thời đại đang có những diễn biến phức tạp, đan xen những thời cơ và thử thách, những tiêu cực và tích cực, những nghịch lý cuộc đời. Thế giới càng giàu lên thì hiện tượng nghèo đói và sự phân hóa giàu nghèo, sự phân biệt đối xử về giới giữa phụ nữ và nam giới, giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội càng trở nên sâu sắc… Vậy nên, giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới luôn trở thành nhiệm vụ quan trọng, thước đo văn minh của mọi chế độ xã hội.

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại. Họ vừa là người nội trợ trong gia đình, hy sinh và “giữ lửa” cho tổ ấm. Họ vừa tham gia lao động và đóng góp cống hiến sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, từ nữ doanh nhân thành đạt đến các nữ nghệ sĩ, người truyền cảm hứng... Không những thế, họ còn giữ thiên chức cao cả là một người mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. 

Bất giác tôi nhớ nữ Thủ tướng Benazir Bhutto của đất nước Hồi giáo Pakistan. Trước khi bị ám sát (năm 2007), bà có một câu nói nổi tiếng: “Tương lai của thế kỷ XXI, tùy thuộc vào thái độ của từng quốc gia đối với phụ nữ”.

***

Tôi mường tượng ra rằng, ngày 8/3 năm nay vẫn như mọi năm. Trên mạng xã hội tràn ngập những lời chúc mừng “có cánh”. Nhưng hoa, chắc chắn sẽ đắt hơn. Các tỉnh phía Bắc và Hà Nội vừa trải qua một đợt rét độc, rét hại. Dù bây giờ, đường bay trong nước đã được khôi phục sau thời gian dài Covid-19, sẽ có hoa nhập ngoại và hoa phía Nam cung cấp cho Hà Nội, nhưng hoa bản địa vẫn là phần cung không thể thay thế.

Tôi thường ít mua hoa vào những dịp “chen lấn”, “mua tranh, bán cướp”, bởi tôi sống theo quan niệm, hương vị của cuộc đời phải được ủ ấp trong suốt 365 ngày của năm. Ngày nào với người thương yêu của mình cũng phải là ngày 8/3 mới có ý nghĩa nhân bản. Vào những ngày này, tôi thường đọc thơ về nữ quyền cho người tôi yêu nghe, sáng tác những bài thơ tình yêu. Có thể, có bài được, bài chưa được, bởi thi ca, ngoài mong muốn, còn phải “trời cho” tứ nữa. Người ta có thể ra chợ mua mọi thứ thực phẩm về, vào bếp, nấu thành bữa ăn ngon miệng, nhưng không thể “rán chữ” thành thơ.

đắng ngọt đàn bà
"Vũ trụ không có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ". (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng như các nhà thơ Việt Nam khác, ngoài thơ tình viết trong ngày 8/3, tôi viết thơ về mẹ - người mà cuộc đời tôi chưa tặng được một bông hoa nào, mẹ tôi mất từ khi tôi còn bé xíu. Bernard Shaw - nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà chính trị và nhà hoạt động chính trị người Ireland, từng nói: “Vũ trụ không có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”. Trái tim mẹ đối với tôi, dẫu mẹ đi vào cõi trời xanh, mây trắng thuở tôi nhận biết về cuộc đời mới còn ít ỏi.

Tôi vẫn thường nghĩ rằng, hãy yêu mẹ mình, lắng nghe, chia sẻ với những người phụ nữ ruột thịt của mình mới có thể cảm thông được với những người phụ nữ khác ngoài cuộc đời. Bao giờ cũng vậy, từ tôi mới đến chúng ta, từ tất yếu mới đến tự do. “Đắng ngọt đàn bà” vì thế luôn là một hành trình của nhận thức và bồi đắp văn hóa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top