Aa

Đánh thuế xuất khẩu sản phẩm xi măng: Thị trường có loạn?

Thứ Tư, 14/12/2016 - 06:27

Nửa năm qua các doanh nghiệp xuất khẩu clinker và xi măng (XM) sống trong thấp thỏm bởi quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực 1/9/2016.

Theo các quy định tại 2 Nghị định này thì sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Áp theo quy định này, các sản phẩm XM xuất khẩu sẽ bị áp mức thuế xuất 5%.

Theo mức tính toán của các doanh nghiệp xuất khẩu XM, chi phí xuất khẩu clinker có thể tăng lên 4,5 USD/1 tấn (theo giá FOB bình quân 30USD/tấn) và tăng 7,5 USD/tấn XM (tính theo giá FOB bình quân 50 USD/tấn). Trong năm 2016, ngành xi măng xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn sản phẩm, bao gồm XM và clinker thì tổng chi phí tăng khoảng 82,7 triệu USD. Ước tính giá trị xuất khẩu thu về 556 triệu USD, với mức thuế xuất 5% thì Nhà nước sẽ thu được 27,8 triệu USD thấp hơn nhiều so với mức chi phí mà các doanh nghiệp phải bỏ ra.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ dừng lại ở đó khi mà trong 2 năm trở lại đây xuất khẩu clinker và xi măng chỉ dừng lại ở mức hòa hoặc lãi tí chút. Nếu thu thuế xuất 5%, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ “dội” sản lượng về thị trường nội địa. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra khi các doanh nghiệp sản xuất XM dư thừa công suất.

Thứ nhất, Việt Nam không thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu với Trung Quốc, Thái Lan hay nước mới “nổi” trên bản đồ xuất khẩu XM là Nhật Bản. Đơn cử như Trung Quốc, tổng công suất thiết kế đạt 2,5 tỷ tấn. Năm 2014 Trung Quốc dư thừa 700 triệu tấn XM, con số dư thừa này đã gấp 10 lần tổng công suất thiết kế của Việt Nam. Năm 2015, nước này vẫn dư thừa khoảng 600 triệu tấn xi măng gấp 7,5 lần tổng công suất thiết kế của Việt Nam. Năm 2015, để giải quyết dư thừa sản lượng Trung Quốc đẩy mạnh chính sách xuất khẩu giá rẻ là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam thu hẹp.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn phải cạnh tranh với Ấn Độ và Thái Lan. Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm rõ rệt: Sản lượng xuất khẩu năm 2014 là 20 triệu tấn, đứng nhất nhì thế giới nhưng năm 2015 còn 16,2 triệu tấn và năm 2016 chỉ còn 15 triệu tấn.

Sự sụt giảm không chỉ về khối lượng mà còn cả giá xuất khẩu. Năm 2014 giá xuất khẩu FOB clinker dao động 38-40 USD/tấn, XM vào khoảng 55 USD/tấn thì giá xuất khẩu tiếp tục giảm trong năm 2015 và 2016. Hiện giá xuất khẩu FOB clinker dao động khoảng 30 USD/tấn, giảm 20-25% so với năm 2014.

Thứ hai, công suất luôn dư thừa so với nhu cầu. Năm 2016, tổng công suất thiết kế của Việt Nam đạt 88 triệu tấn và tiêu thụ ở mức 75 triệu tấn. Tổng công suất thiết kế của Việt Nam đến hết năm 2020 định hướng đến năm 2030 luôn dư thừa nhiều so với nhu cầu tiêu thụ.

Theo đó, tổng công suất thiết kế đến năm 2020 là 93 -95 triệu tấn và có thể đạt 130 triệu tấn vào năm 2030. Thế nhưng đến hết năm 2018 đã có thêm 20 triệu tấn XM ra thị trường. Và như vậy đến hết năm 2020, tổng công suất thiết kế của Việt Nam là 108 triệu tấn.

Trong khi đó, với đà tăng trưởng được xem là khả quan như hiện nay, mỗi năm tiêu thụ tăng từ 4 - 6% (kể cả xuất khẩu) tương đương mức tăng 3 - 4,5 triệu tấn mỗi năm thì đến năm 2020 mức tiêu thụ cũng chỉ đạt từ 78 -93 triệu tấn. Ngành XM vẫn thừa 15 triệu tấn so với công suất thiết kế.

Thứ ba, XM vẫn luôn trong tình trạng thừa Bắc thiếu Nam. Tiêu thụ XM tại phía Nam chiếm khoảng 42% thị phần nội địa (khoảng 25 triệu tấn) mỗi năm nhưng công suất của các nhà máy và trạm nghiền tại phía Nam vào khoảng 15 triệu tấn. Thế nên, việc đánh thuế xuất khẩu sẽ không gây bất lợi cho các doanh nghiệp phía Nam vì phía Nam chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa. Sức ép dồn lên các doanh nghiệp sản xuất XM phía Bắc và miền Trung.

Đặc biệt là với những doanh nghiệp có sản phẩm chuẩn bị ra lò như XM Tân Thắng (Nghệ An) hoặc các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại của tập đoàn Xuân Thành hay The Vissai. Điều gì sẽ xảy ra cho thị trường nội địa khi các ông lớn như VICEM, The Vissai hay Xuân Thành không xuất khẩu được sản phẩm? Sẽ có khoảng trên 10 triệu tấn XN “dội” vào thị trường nội địa?

Thứ tư, xuất khẩu XM, clinker không phải chỉ dành cho nước nghèo hay nước giầu tài nguyên khoáng sản. Ngay cả Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên khoáng sản nhưng xuất khẩu XM clinker liên tục từ năm 1980 đến nay với khối lượng khá lớn, trên dưới 10 triệu tấn/năm, và hiện nay đang là nước cạnh tranh thắng thế với các nước ASEAN trong xuất khẩu XM cho Singapore và Brunei. Chất lượng XM của Nhật Bản tốt hơn, và giá xuất khẩu thấp hơn.

Trong phiên họp thường niên năm 2016 vừa diễn ra tại Bali (Indonesia) của Hiệp hội XM Đông Nam Á (AFCM) mà Hiệp hội XM Việt Nam là thành viên, các nước đề nghị Singapore nhập XM, clinker của các nước trong Hiệp hội XM Đông Nam Á nhưng Singapore không chấp thuận vì 2 lý do trên. Đồng thời cũng tại cuộc họp này các nước thành viên AFCM bày tỏ quan ngại việc Việt Nam áp dụng chính sách thuế với ngành XM theo 2 Nghị định nêu trên và cho rằng thực thi biện pháp này có thể làm giảm sức cạnh tranh của XM Việt Nam và đây là giải pháp mà các nước trên thế giới không áp dụng.

Một số nước trong ASEAN cũng đang tiếp tục đầu tư phát triển XM như Indonesia là nước nhập khẩu nhiều XM, clinker của Việt Nam thì hiện nay đã vươn lên thành một nước xuất khẩu và từ năm 2017 Indonesia sẽ xuất khẩu hàng năm khoảng trên 3 triệu tấn.

Có thể có ý kiến cho rằng một số quốc gia muốn đầu tư XM ở Việt Nam từ đó xuất khẩu XM, clinker về chính quốc hay sang các nước khác. Thực chất hiện nay các liên doanh sản xuất XM ở Việt Nam tập trung tối đa cho việc tiêu thụ tại Việt Nam vì hiệu quả tiêu thụ nội địa cao hơn xuất khẩu, và mục đích đầu từ của họ là vì lợi nhuận. Hãy nhìn vào thị phần tiêu thụ của XM Nghi Sơn, Chifon, Holcim hay Thăng Long sẽ thấy rất rõ điều này.

Từ những quan ngại trên, TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: “Hiệp hội xin kiến nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành tạm thời hoãn việc thi hành 2 nội dung nêu trên đối với ngành XM của Nghị định 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP. Đồng thời, Hiệp hội cùng với doanh nghiệp XM tìm và áp dụng các giải pháp để giảm tỷ lệ sử dụng tài nguyên khoáng sản trên đầu tấn XM nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành và tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước.” 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top