Aa

"Đạo hiếu và Dân tộc"

Thứ Bảy, 14/12/2019 - 06:30

Sống trong hiếu đạo với lòng biết ơn được tưới tẩm và vun đắp, chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc thuần từ, hạnh phúc và vững vàng trong mỗi bước tiến của mình tới tương lai.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Nhà hát Lớn Hà Nội, kiến trúc ở đây đậm chất phương Tây, lại không xa lạ với không gian Việt. Khi bước vào sân khấu, tôi ấn tượng với cụm từ “Đạo hiếu và Dân tộc”. Đây là chủ đề của đêm văn hóa văn nghệ và lễ trao giải của Ban Thông tin Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhìn lượng khách cả từ quan chức cấp cao Nhà nước và Giáo hội đủ thấy tầm vóc của nội dung chương trình.

“Đạo hiếu và Dân tộc” thực sự là một chủ đề lớn. Vừa ngồi xem các tiết mục văn nghệ trình diễn tôi vừa miên man nghĩ ngợi về chủ đề này.

Trước hết, tôi muốn nói đến hiếu theo quan điểm dân tộc. Hiếu với cha mẹ mà biểu hiện sinh động bằng nếp sống thờ cúng tổ tiên, thì đây là nét đẹp có từ nền văn minh Văn Lang. Đạo thờ tổ tiên là cách gọi của nếp sống đó.

Thờ, là để xác định tính nguồn cội của đối tượng mình đang thờ. Nguồn cội gia đình và nguồn cội dân tộc. Nguồn cội gia đình và nguồn cội dân tộc là một. Nguồn cội gần nhất trong gia đình là cha và mẹ mình. Nguồn cội xa hơn là ông và bà. Và xa hơn, xa hơn nữa, cứ như vậy nhân lên thì nguồn cội của ta là từ một cha Lạc Long Quân và một mẹ Âu Cơ sinh ra. Con rồng cháu tiên cùng một bào thai (đồng bào) trở thành nguồn cội dân tộc.

Đạo hiếu là gì? Nếu không phải là lòng biết ơn được nuôi dưỡng thì chẳng có đạo gì trên đời là hữu dụng với con người. Biết ơn nguồn cội để gìn giữ chính là thắp lên ý thức về giống nòi của mình để bảo tồn. Bảo tồn nòi giống và văn hóa của nòi giống đó đã làm nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ mấy ngàn năm qua. Đó chính là đạo hiếu có từ quan niệm của người Việt.

Hiếu, nói đủ là lòng hiếu. Một người có lòng hiếu là người thế nào? Người có hiếu là người: “có lòng chuộng sự thương kính và sẵn sàng hy sinh để phụng sự đối tượng mình thương kính”. Thương kính cha mẹ, và lòng thương kính đó đủ lớn để hy sinh và phụng sự cho cha mẹ thì người đó được gọi là người “có lòng hiếu” với cha mẹ.

Tôi thường nói, cha mẹ sinh con dù có tật nguyền đến đâu cha mẹ vẫn thương con. Nhưng để con cái thương yêu được cha mẹ thì cần phải giáo dục. Và để con cháu thương ngược lên được ông bà và nguồn cội nhiều đời, điều đó cần được giáo dục cẩn thận và nghiêm túc. Và nếp sống thờ tự tổ tiên chính là cách giáo dục của người Việt để cho con trẻ được tiếp xúc từ bé.

Đạo hiếu trong nền văn hóa Việt Nam luôn được đề cao. (Ảnh: Internet)

Trước ban thờ tổ tiên, khi người Việt thắp lên một nén hương, là họ đang thắp lên niềm thương kính của mình với nguồn cội. Ban thờ tổ tiên trở thành “biểu tượng của nguồn cội” thiêng liêng và vững chãi giữa không gian ngôi nhà Việt. Dù sống trong gia đình hay đi nơi nào xa xôi, người Việt cũng luôn đau đáu về cội nguồn (tổ tiên). “Ly hương bất ly tổ” là lời hịch lưu truyền mặc định muôn đời cho giống nòi con cháu Lạc Hồng dù ở hoàn cảnh nào. Một tổ, một nòi, là lời hiệu triệu qua di sản “đạo thờ tổ tiên” để người Việt biết nhìn nhau là anh em dù vạn dặm kiếm sống, là gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Hiếu được hiểu như vậy, nên khi hiếu với dân là để chứng minh lòng trung với nước. Không có lòng chuộng sự thương kính dân và sẳn sàng hy sinh phụng sự dân, người đó không có lòng trung với nước. Nước là nước của dân. Dân làm nên nước. Thương kính phụng sự hy sinh vì cha mẹ gọi là hiếu. Thương kính hy sinh phụng sự dân tộc gọi là trung. Tâm thức dân tộc Việt Nam chỉ có một đối tượng duy nhất cho lòng trung, đó là nước (tổ quốc). Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “hiếu với dân”, quả là đã kế thừa được tư tưởng này của dân tộc Việt Nam. Hiếu với dân là lấy dân làm đối tượng thương kính để phụng sự. Và đó chính là cách làm rạng danh nhà (gia đình) mà ông cha chúng ta gợi là đại hiếu. Nguyễn Trãi khi quay trở về để phò Lê Lợi chính là hoàn thành đại hiếu để báo từ lời dạy của cha mình. Trả nợ cho nước là báo thù nhà.

Khi tôi vào chùa, lúc học tiểu học, thầy cô giáo không hiểu nên hay đả phá chuyện thờ cúng tổ tiên là mê tín. Tôi về thưa lại với thầy, thầy tôi dạy: “Mai con gặp thì hỏi cô thế này: “Trong nhà không có ban thờ tổ tiên, thì ngoài kia, trên ban thờ tổ quốc mình thờ ai?””.

Có gia đình sẽ có gia huấn và có gia huấn sẽ tạo ra gia phong. Gia phong là nề nếp chuẩn mực sống của một gia đình được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Giữ nhà để lưu truyền nếp sống thuần phong của nhà chính là giữ nước. Giữ nước chính là lo cho sự tồn vong của nhà. Người Việt gọi nước là Nước nhà.

Tư tưởng trung hiếu từ đó trở thành tư tưởng nền tảng xuyên suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Kế thừa tư tưởng này chính là kế thừa tinh thần dân tộc làm tinh hoa cho sức mạnh yêu nước mấy ngàn năm qua.

Khi đạo Phật đi vào đất nước này thì gặp ngay tư tưởng nói trên nên dễ dàng kết hợp nhuần nhuyễn. Nếu có một định nghĩa về đạo Phật để người ta dễ hiểu đúng bản chất đạo Phật, thì đó là định nghĩa: đạo Phật là đạo hiếu. “Hiếu tâm thi Phật tâm” là một minh định từ lời Phật dạy. Tâm Phật là tâm phụng sự chúng sinh mà không còn thấy ranh giới. Có tâm phụng sự cha mẹ, nhờ đó tâm người con được nuôi dưỡng trong sự thương kính hy sinh biết quên mình. Phát triển tâm đó rộng lớn lên chính là tâm Phật.

Sâu xa hơn, có mấy ý nghĩa sau chúng ta cần nắm để hiểu rõ về cách đạo Phật phát triển cái tâm phụng sự ra rộng lớn. 

Thứ nhất, nhận thức của đạo Phật nhìn thế giới vạn vật chúng sinh nương vào nhau trong mối quan hệ tương tức mà có mặt và tồn tại hay tiêu hoại. Phật dạy: Cái này có nên cái kia có. Cái này sinh nên cái kia sinh. Cái này diệt nên cái kia diệt… Thế giới được nhận thức như vậy là nhận thức về tính tương tức của vạn pháp. Ta không tồn tại độc lập ngoài con người và đất nước.

Thứ hai, sự sống theo cái nhìn của Đức Phật là không có khởi đầu và kết thúc. Trong chiều dài luân chuyển đó, những người ta gặp trong cuộc đời này, ít nhất họ từng một lần làm cha và làm mẹ mình. Vì vậy đối tượng con người hay chúng sinh ta gặp trong đời này, bất kể là cha mẹ hay người nào, đều là người thân.

Và tu là gì? Là để phát triển cái tâm thương yêu được rộng lớn bao trùm ra nhiều người, nhiều đối tượng. Tâm phát triển yêu thương bao trùm ra cả thế gian và muôn loài là mục đích và lý tưởng cho người tu dấn thân. Như vậy càng phụng sự nhiều người hơn, con đường tiến tu gần với chánh quả hơn.

Lòng từ bi bao dung của đạo Phật được xây dựng trên những ý tôi vừa nêu nhanh chóng được người Việt chấp nhận. Vì vốn dĩ, người Việt tự nhận mình là con một nhà, phải yêu thương, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau.

Đạo Phật là đạo hiếu. (Ảnh minh họa: Internet)

Đạo hiếu tại Việt Nam chính là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa thuần Việt và yếu tố tư tưởng của Phật giáo. Đạo hiếu bởi vậy đã trở thành giá trị cốt lõi trong tinh hoa văn hóa Việt, trở thành nguồn mạch nuôi dưỡng, gắn kết tâm thức cộng đồng Việt trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử.

Hiếu với mẹ cha nằm trong lòng hiếu với quê hương đất nước, với thầy bạn và muôn loại chúng sinh. Hiếu để biết thương kính, biết tri ân và báo ân; hiếu trong cách hiểu rằng chúng ta là “đồng bào” của nhau, từ cùng một mẹ cha để luôn luôn đoàn kết, yêu quý gắn bó như anh em một nhà. Chính cách hiểu ấy đã làm nên cốt cách đặc biệt và mang một giá trị nhân văn to lớn cho nền văn hóa Việt.

Chính bởi lẽ đó, chúng ta có thể nhận thấy, tất cả các sản phẩm tinh thần và các hoạt động mà ta gọi là “văn hóa” qua từng thời kỳ chỉ mới là biểu hiện, là diện mạo của văn hóa Việt. Trái tim và phần linh hồn cốt lõi của diện mạo ấy chính là đạo hiếu. Từ đạo hiếu ấy mà dân tộc ta có tâm thái nặng lòng ơn nghĩa:

Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Nặng lòng hiếu trung với quê hương đất nước: 

Bui có một lòng trung lẫn hiếu

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen. (Nguyễn Trãi)

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10/3”...

Chúng ta luôn cần nhìn lại, luôn cần hiểu được mong muốn của ông cha và cũng là để giữ lòng hiếu với nguồn cội. “Đạo hiếu” ở Việt Nam chính là yếu tố tinh hoa đặc biệt và khác biệt với tất cả mọi nền văn hóa khác. Đó cũng chính là tư tưởng văn minh nhất xuyên suốt mọi thời đại. Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt, để cho lòng hiếu như suối nguồn trong lành chảy mãi và dưỡng nuôi tâm thức người Việt. Sống trong hiếu đạo với lòng biết ơn được tưới tẩm và vun đắp, chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc thuần từ, hạnh phúc và vững vàng trong mỗi bước tiến của mình tới tương lai.

Mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành chiến binh khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt. Bằng việc nuôi dưỡng lòng biết ơn nơi mình và nơi mọi người, giữ lòng hiếu với mẹ cha và tổ tiên ngàn đời, bằng việc biết ơn thầy bạn, biết ơn từ một chúng sinh bé nhỏ, chúng ta nguyện làm việc lành, việc thiện với tâm hiếu kính, yêu thương. Bằng việc thắp lên trên ban thờ gia tiên một nén nhang mỗi ngày, dâng lên tiên tổ một đĩa ngô đầu mùa như mẹ tôi và bao nhiêu bà mẹ Việt vẫn từng làm, chúng ta trở thành một người con sống trong dòng chảy tâm thức hiếu đạo của cha ông. Chính nét đẹp ấy đem lại cho chúng ta biết hiểu, biết thương, biết tri ân và báo ân. Đó cũng là yếu tố cần và đủ cho chúng ta có đời sống tinh thần hạnh phúc trong một cộng đồng gắn bó yêu thương như anh, như chị em, như mẹ cha, ông bà của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top