Aa

Đào tạo thẩm mỹ "chui" và những hậu quả khó lường

Thứ Năm, 26/03/2020 - 19:20

Thời gian học ngắn, không gò bó hay yêu cầu bằng cấp, nghề đào tạo thẩm mỹ đang thu hút rất nhiều bạn trẻ theo học. Tuy nhiên, ít ai biết, tại Hà Nội hiện tại chỉ có số ít các cơ sở được đào tạo thẩm mỹ hợp pháp.

Nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của xã hội tăng cao đi theo đó là sự tăng mạnh của nhu cầu học nghề làm đẹp. Chính vì thế, nghề thẩm mỹ đang trở thành xu hướng "hot", thu hút nhiều bạn trẻ theo học với cam kết đầu ra có mức thu nhập ổn định, không gò bò, thời gian học ngắn, không yêu cầu bằng cấp. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều Thẩm mỹ viện (TMV) liên tục đăng thông tin tuyển sinh quảng cáo, lôi kéo học viên, tự tổ chức thi và tự cấp chứng chỉ... 

Hàng loạt TMV đào tạo "chui"

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu doanh nghiệp muốn tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho học viên thì phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Để có giấy này, doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, chương trình, giáo trình, giáo viên đạt chuẩn và đã được cơ quan chức năng thẩm định. Và không phải cơ sở nào cũng đủ điều kiện cấp chứng chỉ hợp pháp.

Nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của xã hội tăng cao đi theo đó là sự tăng mạnh của nhu cầu học nghề làm đẹp (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

Được biết, hiện tại, Bộ Y tế là nơi cấp phép cho các cơ sở đào tạo nghề dạy các dịch vụ có xâm lấn như tiêm filler, tạo hình mắt mũi môi... Tuy nhiên, hiện tại chỉ có một số bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện Trung ương có khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc các bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ mới được phép đào tạo những nội dung này. Về tư nhân, Bộ Y tế chưa công bố cơ sở nào đủ điều kiện để đào tạo. Các kỹ thuật này chỉ có bác sĩ, được cấp chứng chỉ hành nghề mới được phép thực hiện. Do vậy những học viên học tại các cơ sở tư nhân, sau khi học xong cũng không đủ điều kiện được hành nghề các dịch vụ như vậy.

Không phải cơ sở TMV nào cũng đủ điều kiện được cấp phép đào tạo, cấp chứng chỉ cho học viên

Theo khảo sát của PV, tính đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều các cơ sở TMV mặc dù không có trong danh sách được cấp phép đào tạo vẫn "đua nhau" mở lớp với những mỹ từ quảng cáo, chiêu sinh, lôi kéo học viên công khai, bất chấp quy định của pháp luật, giới thiệu với người đăng ký rằng sau khi học họ sẽ nhận được chứng chỉ sơ cấp nghề do Sở lao động thương binh và xã hội cấp hay Tổng cục dạy nghề cấp nhưng căn cứ theo quy định của pháp luật, cả 2 cơ quan chức năng trên đều không thuộc Thẩm quyền cấp bằng, chứng chỉ nghề.

Theo khoản 1, Điều 20 Nghị định 139/2006/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động về dạy nghề: Chứng chỉ nghề do Giám đốc trung tâm dạy nghề; hiệu trưởng trường trung cấp nghề; hiệu trưởng trường cao đẳng nghề; người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở giáo dục khác đã đăng ký hoạt động dạy trình độ sơ cấp nghề cấp.

Trên thực tế, Sở lao động thương binh và xã hội chỉ theo dõi, quản lý các cơ sở đủ điều kiện tổ chức giảng dạy và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề chứ không hề tham gia vào việc cấp chứng chỉ còn người đại diện cho cơ sở đào tạo mới là người có thẩm quyền cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.

Hậu quả nghiêm trọng

Việc các TMV tự đào tạo làm đẹp, tự tổ chức thi và cấp chứng chỉ nhưng không được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép sẽ dễ dẫn đến hậu quả là các học viên đang cầm trên tay những chứng chỉ sơ cấp nghề hoàn toàn không có giá trị pháp lý nhưng lại "tự tin" mở ra các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những tai nạn nghề nghiệp, đặc biệt là liên quan đến thẩm mỹ xâm lấn. Hiện tại, ở Hà Nội chỉ có 2 cơ sở đủ điều kiện thực hiện và đào tạo lĩnh vực này là Bệnh viện Quân Y 103 và Bệnh viện Đại học Y.

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp khách hàng gặp phải biến chứng, nguy kịch, thậm chí tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ do nhân viên, bác sĩ có năng lực, tay nghề non yếu, không có kinh nghiệm xử lý chuyên môn.

Trước đó, tháng 12/2019, Thẩm mỹ viện Việt Hàn (83 đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra sự cố khiến một người đàn ông tử vong sau khi đến hút mỡ do ngộ độc thuốc tê lidocain sau khi vừa tiêm. Đại diện Sở Y tế Hà Nội ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân sau đó cho biết, Thẩm mỹ viện Việt Hàn chỉ là cơ sở thẩm mỹ làm đẹp bình thường, nên không được cấp phép cho bất kỳ kỹ thuật xâm lấn nào. 

Việc đào tạo, cấp chứng chỉ "chui" sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng (Ảnh: Bestie)

Tháng 11/2019, một phụ nữ nguy kịch sau khi làm đẹp tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ VVA và phải vào Bệnh viện tuyến trên cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng hô hấp tuần hoàn, theo dõi sốc phản vệ do thuốc, suy hô hấp cấp nguy kịch, suy đa cơ quan khi đang làm thẩm mỹ tại cơ sở trên.

Tháng 10/2019 xảy ra 2 trường hợp nghiêm trọng, một bệnh nhân tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS và một bệnh nhân tử vong sau 3 ngày căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ K.Nam

Làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của nhiều người khi họ muốn thực hiện điều đó để cải thiện hình thức, cuộc sống của mình. Tuy nhiên, trong thời điểm các cơ sở đào tạo không phép mọc lên như nấm, khó kiểm soát, nếu chỉ vì cải thiện cuộc sống mà không tìm hiểu kỹ về sự hợp pháp của những dịch vụ mình sắp thực hiện, kinh nghiệm cũng như bằng cấp của những người trực tiếp thực hiện thẩm mỹ cho mình thì hậu quả chính là những tổn thương sức khỏe không thể hồi phục được, thậm chí là thiệt mạng.

Chính vì vậy, mỗi cá nhân cần tìm hiểu kỹ các cơ sở đào tạo trước khi tham gia học tập nhằm đảm bảo quyền lợi bản thân và giá trị bằng cấp sau đào tạo.

Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định: 

"Phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp có hành vi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cùng với đó, buộc cơ sở đào tạo hoàn trả cho tổ chức, cá nhân các khoản tiền đã thu, trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm; Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được người học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đối với hành vi vi phạm quy; Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận kiểm định đã cấp đối với hành vi vi phạm"


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top