Aa

“Đất đai có thể ưu tiên, thời gian có thể kéo dài nhưng không thể 99 năm”

Thứ Năm, 17/08/2017 - 06:00

Đó là quan điểm của bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội khi trao đổi với Reatimes về việc xây dựng một số cơ chế đặc thù vượt trội cho ba đặc khu kinh tế: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc phát triển.

PV: Thưa bà, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng một số cơ chế, chính sách vượt trội đề xuất áp dụng thí điểm với ba mô hình đặc khu kinh tế: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để trình lên Quốc hội vào tháng 10 năm nay. Quan điểm của bà về việc này thế nào?

Bà Bùi Thị An: Về chủ trương chung, tôi ủng hộ quan điểm thành lập khu kinh tế đặc biệt nhưng vấn đề ở đây là kiểm soát thế nào. Tức là ủng hộ để phát triển phù hợp với tiềm năng nhưng phải kiểm soát để sự phát triển ấy cũng đóng góp lợi ích cho đất nước, nếu không lại thành lợi ích cục bộ.

Với mô hình này, mình có thể học tập các đặc khu, như Hồng Kông, Thâm Quyến nhưng Nhà nước phải kiểm soát để sự phát triển ấy có lợi ích cho địa phương và đất nước. 

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII trao đổi với Reatimes.

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII trao đổi với Reatimes.

PV: Vậy theo bà với những đặc khu như vậy, Nhà nước cần trao cho họ những đặc quyền gì để thúc đẩy sự phát triển?

Bà Bùi Thị An: Về cơ chế đặc thù thì nên theo thế mạnh của địa phương. Ở đâu cảng mạnh sẽ phát triển cảng. Ở đâu du lịch mạnh sẽ phát triển du lịch....

Đặc thù này cũng cần có những chuẩn riêng nhưng cần linh động hơn khu vực khác nhưng vẫn nằm trong kiểm soát chung của đất nước.

Theo tôi, trong câu chuyện đặc thù cần có cơ chế riêng nhưng không được vi phạm quy định chung của đất nước. Cái gì đã được quy định trong luật cần tuân thủ hoàn toàn. Để ưu tiên cũng có thể du di nhưng trong hành lang pháp lý thôi, chứ vượt khỏi lại là vấn đề.

PV: Thưa bà, về cơ chế đặc thù vượt trội dành cho các đặc khu phát triển, có ý kiến cho rằng Nhà nước nên cho doanh nghiệp thuê đất 99 năm thay vì 50 năm như hiện nay. Ý kiến của bà về việc này thế nào?

Bà Bùi Thị An: Việc sử dụng đất đã có Luật Đất đai quy định, nếu có mở cũng chỉ có giới hạn cho phép. Nếu đưa ra đặc thù cao gấp đôi như vậy cần phải xem lại.

Việc trao cho doanh nghiệp một đặc thù cao gấp đôi như vậy nó lại liên quan đến chuyện khác. Việc này phải cân nhắc. Đồng ý là phải có đặc thù nhưng không thể vượt quá quy định chung của pháp luật được.

Theo tôi, để phát triển đặc khu cần có tính linh động nhưng nên du di trong hành lang pháp luật cho phép chứ không thể vượt ngoài lề. Luật quy định chỉ có 50 năm, anh cho 99 năm thì đó là vấn đề. Việc này nếu áp dụng phải nghiên cứu cho thật cẩn thận.

Một góc Vân Đồn nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa

Một góc Vân Đồn nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa

PV: Thưa bà, hiên có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta xây dựng đặc khu nhưng lại “gò bó” nó trong chiếc “áo chật” của các quy định trước đây mà không có những cơ chế vượt trội thì sẽ không thu hút được đầu tư. Vì thế, đặc khu sẽ không phát triển được. Bà nói sao về điều này?

Bà Bùi Thị An: Việc này phải hài hòa giữa quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Không thể quá ưu tiên cho một phía nào.

Tôi cho rằng nếu chỉ vì dân, doanh nghiệp sẽ không làm mà chỉ vì doanh nghiệp cũng không được. Do đó, phải tìm được tiếng nói chung sao cho hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, có du di nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Hiện nay thời hạn thuê đất là 50 năm, nếu áp dụng cơ chế đặc biệt có thể chỉ là 75 năm chứ không thể là 99 năm được. 99 năm là quá dài và không thể được.

Hay tại sao lại phải miễn thuế đất? Tại sao lại phải miễn trừ? Đây là vấn đề. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ việc này, nếu không lúc quyết rồi sẽ rất khó sửa lại.

Tôi cho rằng đưa ra cơ chế vượt trội cho các đặc khu là một bước đột phá nhưng trong quá trình đưa ra cái mới, phải nghiên cứu kỹ, tham khảo ý kiến các chuyên gia, thậm chí lắng nghe ý kiến người dân ở vùng đó.

Tuy nhiên, phải cẩn trọng, không được để cực đoan, đến lúc quyết ra rất khó gỡ. Tất nhiên so sánh là khập khiễng như trước đây khi quyết cho đa cấp hoạt động, bây giờ dân "khóc". Đây chỉ là một ví dụ.

Tôi cho rằng dù có đặc khu gì thì vẫn phải dưới sự quản lý của Nhà nước. Vẫn phải làm lợi cho sự phát triển của đất nước. Cái giỏi của lãnh đạo là phải làm sao quyết cho đúng, cho chuẩn vẫn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước.

Rõ ràng, đất đai có thể ưu tiên, thời gian có thể kéo dài hơn nhưng đừng quá dài như kiểu 99 năm. Còn trong quá trình phát triển, nếu có bất hợp lý chúng ta có thể điều chỉnh tiếp.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Ông Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, đơn vị hành chính đặc khu là đơn vị đặc biệt nên cho kinh tế mở thì mới có sự đột phá. Nên xây dựng một luật chung cho ba đặc khu, trong đó có những quy định riêng.

Về chính quyền địa phương thống nhất một cấp có HĐND và UBND, có đại diện cho các khu vực, nên gọi các tiểu khu, không phải là cấp chính quyền. Việc đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh là chưa phù hợp vì Điều 110 Hiến pháp quy định “đơn vị hành chính do Chính phủ thành lập”.

Vậy, đặc khu trưởng có những “quyền” còn rộng hơn cả chủ tịch UBND tỉnh, nên đặt đặc khu thuộc trung ương để việc đề xuất cơ chế chính sách, thu hút đầu tư linh động, hiệu quả hơn. Bởi, nếu đặc khu thuộc tỉnh mà các cơ chế chính sách phải đề xuất tỉnh, rồi tỉnh đưa lên trên rất mất thời gian.

Về cơ chế, chính sách, đặc khu cần có quy định đặc biệt về đất đai, hành chính để dễ thu hút đầu tư hơn.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top