Aa

Đặt tên danh nhân cho phố

Thứ Tư, 01/08/2018 - 06:00

Tản Đà, Tú Xương, Hàn Mặc Tử… là niềm tự hào của văn hóa Việt để có thể biến thành tên đất, tên đường. Tôi tin rằng, đất nước nào thì cũng hãnh diện khi có những danh nhân như vậy? Đặt tên họ cho làng, cho phố, trước hết để ghi ơn, để giáo dục thế hệ tương lai và, tại sao không, để “khoe” với thiên hạ.

Phố Nguyễn Đình Chiểu nối dài thông sanh phố Đại Cồ Việt rất đẹp, nhưng nếu được mang tên Đồ Chiểu, thì sẽ

Phố Nguyễn Đình Chiểu mới mở nối dài thông sang phố Đại Cồ Việt rất đẹp,nhưng nếu được mang tên Đồ Chiểu thì sẽ "đẹp" hơn?

Không phải vô cớ mà nhiều văn nhân, thi nhân thường lấy bút danh khi sáng tác. Chuyện này không đơn giản chỉ là ý thích của tác giả và cũng không hề đơn giản chỉ là chuyện chữ nghĩa. Nhất định nó còn gắn với một yếu tố văn hóa, tâm linh, số phận… nào đó mà nhiều khi chính người đặt bút danh cũng không lý giải được.

Hãy thử tưởng tượng, thay vì nhà văn Nam Cao, là nhà văn Trần Hữu Tri (hoặc Trí?); thay vì nhà thơ Chế Lan Viên, là nhà thơ Phan Ngọc Hoan; thay vì nhà thơ Hàn Mặc Tử, là nhà thơ Nguyễn Trọng Trí; và đặc biệt hơn, khi giả sử ta có nhà thơ Lê Quang Lương, chứ không phải Bích Khê, thì có thể không chỉ lịch sử văn chương phải viết khác, mà chúng ta chưa chắc đã có lý do để yêu mến họ đến thế?

Khi lấy bút danh, người viết đã kí thác cuộc đời mình vào con chữ, tự nhận lấy một sứ mệnh nào đó. Vì thế, chỉ có nhà văn Nam Cao, chứ nhất định không thể là nhà văn Trần Hữu Tri; chỉ có nhà thơ Hàn Mặc Tử, chứ không có nhà thơ Nguyễn Trọng Trí, chỉ có thi sỹ Bích Khê, một cái tên đẹp đến u ẩn và gợi sự huyền bí (như thơ của cụ sau này), chứ không có nhà thơ Lê Quang Lương.

Tôi ủng hộ quan điểm này ở khá nhiều người.

Vì thế tôi rất buồn, rất buồn cười và lấy làm ngạc nhiên, khi Hà Nội, Thủ đô của cả nước, mảnh đất của văn hiến, thay vì đặt tên cho phố là Tản Đà, người ta lại dùng Nguyễn Khắc Hiếu; thay vì lấy tên thi nhân Tú Xương, người ta lại dùng TrầnTế Xương…? Mà những con phố ấy lại thuộc một vùng đất nổi tiếng với nghề làm giấy và đúc đồng, vốn là những nghề gắn với nghệ thuật, sản sinh ra nhiều nghệ nhân.

Tản Đà - Núi Tản, sông Đà - là đặc trưng của vùng quê hội nhiều linh khí của Nguyễn Khắc Hiếu. Khi quyết định chọn nghiệp thi nhân, ông muốn lấy các địa danh nổi tiếng linh thiêng kia của quê hương mình ghép thành tên, là để cầu mong được trời đất che chở, hoặc có thể là lời thề ước trước tổ tiên quyết giữ mình sạch sẽ để xứng với cái danh kẻ sỹ? Dù theo nghĩa nào, thì cái bút danh đó cũng vô cùng đẹp đẽ, vô cùng văn hóa, toát lên lòng yêu nước, yêu quê hương của thi nhân. Tương tự như vậy trong trường hợp Tú Xương. Vì cụ Trần hay chữ nhưng ngông quá nên chỉ đỗ đến tú tài sau mấy lần thi. Với cái tên Tú Xương, cụ đã thách thức cả một nền thi cử máy móc trong một thứ khuôn chật hẹp khi chọn người tài. Quả nhiên, với cái tên đó, cụ ngông đến lúc chết, khí phách đến lúc chết và thành danh nhân đất nước.

Tản Đà, Tú Xương, Hàn Mặc Tử… là niềm tự hào của văn hóa Việt để có thể biến thành tên đất, tên đường. Tôi tin rằng, đất nước nào thì cũng hãnh diện khi có những danh nhân như vậy? Đặt tên họ cho làng, cho phố, trước hết để ghi ơn, để giáo dục thế hệ tương lai và, tại sao không, để “khoe” với thiên hạ. Trong khi đó, liệu có mấy người nước ngoài yêu văn hóa Việt biết Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tế Xương là những nhà thơ lớn của Việt Nam. Sự thiệt thòi ấy là do chính chủ nhà.

Tôi mong và đề nghị thành phố Hà Nội sớm trả lại cho hai cụ (và cho người dân cả nước) những cái đại danh Tản Đà và Tú Xương.

Khi tôi kể lại chuyện này, một nhà thơ đồng thời là nhà văn hóa, bảo với tôi rằng, nếu được phép, ông còn muốn đổi cả tên phố Nguyễn Đình Chiểu thành phố Đồ Chiểu, vừa hay, vừa dân dã như bản tính cụ, vừa gần gũi với những người dân nghèo mà sinh thời cụ Đồ mù thường dành cho nhiều sự thương mến cũng như hết lòng bênh vực.

Cũng là một ý hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top