Aa

Đầu tư du lịch và câu chuyện văn hoá

Thứ Bảy, 31/08/2019 - 09:40

Chúng ta có một tiềm năng du lịch to lớn, về mọi khía cạnh. Đất nước trải dài, phong phú về hệ sinh thái và văn hoá, nhiều kỳ hoa dị thảo, nhiều sông núi, biển hồ...

Đó đều là những thứ hấp dẫn trí tò mò, nhu cầu khám phá, thưởng thức vùng đất lạ của du khách. Tức là chúng ta có đầy đủ sự hấp dẫn để mời gọi và giữ chân du khách đến và ở lại lâu hơn. 

Hơn thế nữa, chúng ta lại có một lịch sử không mong muốn nhưng khi đã xảy ra rồi thì lại thành thứ tài sản tinh thần quý giá, thành thứ của hiếm. 

Nhiều người đến Việt Nam bởi họ muốn thông qua các di tích, hiện vật, tận mắt thấy một đất nước đã chiến đấu ròng rã hàng trăm năm như thế nào. Nhiều dấu tích đau buồn, hoang tàn trong chiến tranh thì nay trở thành điểm thu hút khách nước ngoài. Đây có thể là sự bù đắp của trời đất và chúng ta phải biết tận dụng khai thác.

Du lịch, xét đến cùng, là nhu cầu văn hoá của con người. Nhu cầu này, theo đà tăng tiến của mức sống, sẽ ngày càng cao và càng đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt dịch vụ. Xin không nhầm lẫn giữa hoàn hảo về dịch vụ nhất định phải đồng nghĩa với mức tăng chi phí. 

Vì thế, ngay cả khi cung rất nhiều, thì đầu tư vào lĩnh vực du lịch vẫn được coi là đầu tư bền vững, đầu tư khôn ngoan, đầu tư đón trước. Đơn giản vì dư địa của lĩnh vực này là không có giới hạn.

Hầu như không có quốc gia văn minh và khôn ngoan nào không tận dụng những gì trời cho để làm du lịch. Ngoài mục đích thu lợi nhuận, mà có nước chiếm tới hơn 20% GDP, đầu tư vào du lịch còn là dịp quảng bá cái hay cái tốt của đất nước mình, từ đó kéo theo nhiều mối lợi khác. 

Chẳng hạn sản phẩm hàng hoá, môi trường, không gian văn hoá, khí hậu, sự hấp dẫn về sinh thái, truyền thống... Tất cả những thứ đó trước sau cũng đem lại cho đất nước một lợi ích, lớn hơn nữa là lợi thế cạnh tranh nào đó. Ngoài ra du lịch còn được coi là ngành công nghiệp không khói, là một trò chơi hái ra tiền và trên thực tế nhiều nước giàu có, được tôn trọng nhờ vào phát triển du lịch.

Nhưng vì sao cho đến nay, so với các cường quốc du lịch khu vực, chúng ta vẫn cứ bị lép vế? Trong khi Singapoe có 6 triệu dân, hàng năm đón gần hai chục triệu du khách, thì nước ta gấp hàng chục số dân của họ cũng chỉ dám mơ con số đó? 

Một vùng biển chẳng có gì quá độc đáo của Thái Lan hằng năm cũng đón tới 11 triệu lượt khách đến nghỉ ngơi. Chúng ta không hề thiếu những bãi biển đẹp ngang ngửa và hơn của Thái Lan. Thậm chí chúng ta có những vùng thắng cảnh mà các nước mơ cũng không có. 

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân của sự kém hấp dẫn du khách chung quy lại chỉ là/vẫn là yếu tố thuộc về con người. Phẩm chất văn hoá của người làm dịch vụ, hệ thống các điều luật là những vấn đề đáng phải đem ra bàn nhất. Trong khi chúng ta mời chào khách bằng những quảng cáo tốn kém, trong khi bản chất của kinh doanh du lịch là tạo cho khách mọi cơ hội để họ tiêu tiền... thì dường như các chính sách của chúng ta lại làm điều trái ngược. 

Đó là thủ tục rườm rà, nặng tính nghi kị, sách nhiễu vô lối... Nó không chỉ làm khách cụt hứng mà còn khiến họ ác cảm - điều này thực sự tệ hại. 

Không ít người tuyên bố “cạch Việt Nam” chỉ vì bị soi mói quá mức và không cần thiết. Trong khi ở các nước khác, toàn dân có ý thức làm đẹp cho đất nước mình trước con mắt người nước ngoài, thì ở ta lại cứ thường xuyên xảy ra điều ngược lại. 

Nhiều người nước ngoài rất sợ gặp người Việt Nam vì thể nào cũng bị quấy rầy. Không co kéo mua bán cái này cái nọ, thì cũng buông ra vài câu tiếng Anh bồi rất mếch lòng khách mà chính mình không hiểu. Rồi ở nhà hàng nào cũng oang oang vừa ăn uống vừa làm điếc tai người xung quanh. 

Chúng ta được tiếng là quốc gia an toàn nhưng cũng bị mang tiếng là đất nước có lắm điều bực mình: Từ việc bắt chẹt khách, đòi tiền “boa” một cách trắng trợn, gian lận trong thanh toán... đến nạn cò mồi, ép khách chấp nhận dịch vụ họ không lựa chọn, thậm chí cả cái cách mời mua hàng theo kiều “đỉa bám, ruồi bâu” cũng khiến khách... phát hoảng, nghĩ sai về người Việt vốn được coi là khí khái, trọng danh dự.

Có thể khẳng định hệ thống dịch vụ của chúng ta đang vừa lạc hậu, vừa bảo thủ, chậm phát triển, lại thiếu chuyên nghiệp, thiếu một tầm nhìn chiến lược. Hệ thống dịch vụ cần được hiểu không chỉ là khả năng đáp ứng tức khắc nhu cầu của khách, mà trước hết phải khiến họ an lòng. An lòng là chỉ số cực kỳ quan trọng trong việc định giá một dịch vụ. 

Người ta đi du lịch, dù dưới hình thức nào, đều nhằm tìm sự thoải mái, thư thái trong cảm giác tự do nhưng nó mặc định phải an toàn. An toàn về tính mạng, yên tâm về sự bảo hộ của pháp luật sở tại, quyền được tôn trọng sự khác biệt văn hóa… là những yêu cầu không thể mặc cả, mà phải là mặc nhiên. 

Như đã nói, khách du lịch kỵ nhất mình bị làm phiền, bị quấy rầy, bị bắt chẹt về giá cả. Tuy nhiên họ có thể bỏ qua. Nhưng nếu khiến họ sợ, thì ngành du lịch coi như báo tử! Một khách nước ngoài chỉ vì kinh sợ kiểu đi xe đánh võng trên đường mà viết thư cho người thân mô tả Việt Nam là “một quốc gia thiếu luật lệ”. Có thể ông ta, bà ta vội vàng nhưng đi xe đánh võng thì thực sự kinh dị và vô văn hoá. 

Một người nước ngoài khác sẽ không quay lại, cùng với đó họ sẽ tuyên truyền xấu về Việt Nam với người thân, bạn bè, khi bị lái xe taxi, lái xe xích lô trừng mắt đòi tiền “boa”. Và hình ảnh một con gián, một con chuột chạy loăng quăng trong nhà hàng, chuyện này quá thường xuyên, sẽ là hình ảnh của một cơn ác mộng kéo dài với du khách quen sạch sẽ. 

Tất cả những “lỗi” vừa kể, không bộ luật, không bộ quy tắc nào bao quát hết. Nó chỉ có thể được kiểm soát mọi lúc, mọi nơi bằng các chuẩn mực văn hóa. Văn hoá đảm bảo tính đúng đắn trong mọi ứng xử mà không cần phải nhắc nhở. Văn hóa sẽ khiến du khách không chỉ thích, mà còn tôn trọng chủ nhà. 

Vì thế, theo tôi, trước khi đổ vốn lớn đầu tư vào du lịch, hiện thực hóa giấc mơ về một cường quốc du lịch, có lẽ chúng ta nên bỏ ra một số vốn nhỏ hơn rất nhiều, để dạy nhau những điều sơ đẳng trong ứng xử văn hoá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top