Aa

ĐBQH: Bộ Công Thương cần giải trình rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu về việc tăng giá điện

Thứ Tư, 22/05/2019 - 03:54

Việc tăng giá điện; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) là những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng nay (22/5).

Cần có giải trình thêm về giá điện

Trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng nền kinh tế như việc tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế... ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất…Đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội”. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị, Chính phủ cần tăng cường dự báo, phân tích các diễn biến, đánh giá đầy đủ rủi ro bên ngoài, hạn chế nội tại của nền kinh tế và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp tránh gây bất ổn kinh tế.

Báo cáo giải trình việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20/3 của Bộ Công Thương cho biết: Số lượng các khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc trên các phương tiện thông tin đại chúng không nhiều và đều đã được giải đáp đầy đủ. Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền đúng chủ trương việc điều chỉnh giá điện; phản ánh chính xác, khách quan, không đưa thông tin trái chiều về giá điện. Đồng thời “có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, các ĐBQH cho rằng, kiến nghị của Bộ Công Thương đưa ra là không hợp lý.

ĐBQH: Bộ Công Thương cần giải trình rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu về việc tăng giá điện

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) cho rằng: Bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhất là khi chính sách đưa ra tác động trực tiếp tới số đông người. Nếu cho rằng, người dân phản ánh vấn đề tác động tới là xuyên tạc và muốn truy cứu thì không hợp lý. Việc tăng giá điện là vấn đề mà cử tri quan tâm, phản ánh nhiều nhất trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Vì thế, thay vì kiến nghị xử lý cá nhân xuyên tạc về giá điện, theo vị ĐBQH đoàn Hà Nội, với trách nhiệm của mình Bộ Công Thương phải lên tiếng giải trình rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho hợp lòng dân.

Cũng theo ĐB Tuấn, giá điện chia 6 bậc thang và định mức tính bậc 1 (0-50 kWh) khá thấp, không còn phù hợp với số đông và đời sống người dân đang tăng lên hiện nay. Vì vậy, nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi, 100 kWh, để phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân. Chính phủ, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế.

Liên quan vấn đề này Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng, kiến nghị xử lý cá nhân cố tình xuyên tạc và báo chí không được đưa tin trái chiều về tăng giá điện là "không hay, gây phản cảm". Lộ trình, quy định tăng giá được cho Chính phủ cho phép nhưng khi thấy tiền điện tăng gấp đôi, ba lần nên người dân phản ánh là hợp lý. Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành cần xem xét lại và giải thích hợp lý.

ĐBQH: Bộ Công Thương cần giải trình rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu về việc tăng giá điện

Đại biểu Phạm Văn Hòa

ĐB Nguyễn Bá Sơn, (Đà Nẵng) nhấn mạnh, giá điện không phải riêng ai mà cả xã hội, dư luận đang thắc mắc. Vấn đề thắc mắc ở đây cụ thể là giá điện giá bán lẻ bình quân tăng 8,36%, hoá đơn tiền điện thực tế lại tăng gấp đôi, gấp ba. Và người dân cho rằng, biểu giá điện bậc thang đang chưa hợp lý, không còn phù hợp với thực tế cuộc sống phát triển hiện nay.

"Những gì chưa phù hợp thì chúng ta nên lắng nghe, nghiên cứu, sửa đổi", ông Sơn thẳng thắn nêu ý kiến.

Không phải ai cũng tăng tuổi nghỉ hưu

Một trong những nội dung trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Chính phủ trình hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 4 tháng với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng với nam và 6 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

ĐB Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội – cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, vấn đề này cần tiếp tục lấy ý kiến, nhất là các đối tượng lao động để có câu trả lời cho bài toán đặt ra. ĐB cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là thực hiện tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH và để tiệm cận quá trình già hoá dân số. Việt Nam kết thúc thời kỳ dân số vàng từ năm 2011, hiện đã chuyển sang giai đoạn già hoá dân số.

Bản chất tuổi nghỉ hưu hiện nay dự thảo đưa ra chỉ có điểm khác là nâng lên đến 62 với nam và 60 với nữ. Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu đi theo lộ trình mỗi năm tăng vài tháng chứ không phải tăng ngay trong năm 2021. Theo đó, đến 2029 (phương án 1) hoặc 2035 (phương án 2) người lao động mới nghỉ hưu ở độ tuổi tối đa.

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, về cơ bản tuổi nghỉ hưu vẫn như gốc của điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành, tức là có 3 nhóm nghỉ hưu. Nhóm một, nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi nhưng đó chỉ là người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tức điều kiện tốt, không nặng nhọc, độc hại hay suy giảm khả năng lao động. Đối tượng này chiếm tỷ lệ ít, chủ yếu rơi vào công chức, viên chức và ngành nghề lao động sản xuất kinh doanh nhưng chủ yếu quản lý, hành chính, làm công việc bình thường.

ĐBQH: Bộ Công Thương cần giải trình rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu về việc tăng giá điện

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi

Nhóm 2, người lao động làm việc trong điều kiện bị tác động của quá trình lao động nên suy giảm khả năng lao động đến 61% thì vẫn được nghỉ hưu sớm. Người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vẫn được và lao động đặc biệt khác cũng là đối tượng được nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi. Nhưng nếu lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kết hợp cùng suy giảm khả năng lao động thì vẫn có thể về hưu sớm đến 10 năm, tức nam ở tuổi 50 và nữ dưới 50 tuổi.

Nhóm thứ 3, những người làm công việc quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao và trường hợp đặc biệt thì Chính phủ quy định kéo dài thời gian nhưng không quá 5 tuổi, tức nam không quá 67, nữ không quá 65 tuổi.

Do đó không phải cứ nói nâng tuổi nghỉ hưu là ai cũng phải tăng thời gian làm việc, ĐB nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top