ĐBQH Lê Thanh Vân: “Vi phạm pháp luật của doanh nhân có một phần lỗi từ hoạt động lập pháp”

ĐBQH Lê Thanh Vân: “Vi phạm pháp luật của doanh nhân có một phần lỗi từ hoạt động lập pháp”

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Bảy, 12/11/2022 - 06:09

 “Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận việc vi phạm pháp luật của doanh nhân có một phần lỗi t hoạt động lập pháp, từ các quy định chưa chặt chẽ, còn kẽ hở cho nên họ lách được”, ông Lê Thanh Vân nói.

*********

Theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp này, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Điểm đặc biệt là tăng trưởng GDP của Việt Nam tính đến hết năm 2022 dự báo vào khoảng 8%, vượt xa mục tiêu ban đầu chỉ là 6 - 6,5%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, đặc biệt đáng chú ý là các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn.

Dự báo năm 2023 nền kinh tế sẽ còn phải đối diện với nhiều áp lực do sự tác động từ khủng hoảng ở nhiều khu vực trên thế giới và những vấn đề nội tại trong nước.

Trong cuộc trao đổi mới nhất với Reatimes.vn, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu “tiếp tục siết chặt kỷ cương phép nước”, đồng thời kiến nghị “cần có chính sách khoan dung đối với doanh nhân ăn năn hối cải, sẵn sàng lập công chuộc tội, vì lực lượng doanh nhân chính là nòng cốt của lực lượng tạo ra của cải vật chất cho xã hội”.

Lực lượng doanh nhân đi tiên phong có thể “giẫm phải mìn”

PV: Thưa Đại biểu Lê Thanh Vân, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam được dự báo vào khoảng 8%, đây là kết quả ấn tượng, nhất là khi kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bên cạnh những kết quả tích cực thì có một nỗi lo lớn đó là dường như niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đang bị lung lay. Điều đó thể hiện rất rõ qua sự sụt giảm sâu của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Ông suy nghĩ gì khi mà niềm tin của các nhà đầu tư đang “rơi tự do”?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Những nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã tạo nên kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Dù vậy bên cạnh những điều tích cực thì vẫn luôn tồn tại những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm xử lý một cách quyết liệt, trong đó có chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm, dòng vốn bơm vào nền kinh tế bị nghẽn, điều này dẫn tới vô vàn khó khăn cho các doanh nghiệp, hệ lụy là có thể dẫn tới những bất ổn khác.

Thảo luận tại Quốc hội vừa qua, tôi đã nói rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý nghiêm một số doanh nhân có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất đúng đắn, tôi nghĩ có lẽ là chậm nhưng vẫn còn kịp thời để làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế và khôi phục niềm tin đối với nhà đầu tư. Với những đối tượng tung tin bịa đặt gây hoài nghi về những giải pháp này, tôi đề nghị phải trừng trị thích đáng.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm theo pháp luật, tôi cũng kiến nghị cần có chính sách khoan dung đối với doanh nhân ăn năn hối cải, sẵn sàng lập công chuộc tội, vì các doanh nhân chính là nòng cốt của lực lượng tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Khoan dung đối với những người lầm lỗi là một chính sách chung cho tất cả các đối tượng. Ví dụ như một thanh niên suy nghĩ chưa tới mà phạm tội trong lúc nhất thời bị xung đột về tâm lý và kích động thì khi xem xét trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng cũng xem xét tình tiết giảm nhẹ, huống chi người đó có thể là một tài năng. Cách đánh giá và nhìn nhận một vấn đề bây giờ cần kết hợp xem xét cả ở góc độ khoa học hình sự và tính nhân văn, lỗi và hậu quả, tình tiết tăng nặng là do cố ý hay vô ý.

Từ những yếu tố tổng hợp đấy thì mới xem xét để mà khoan dung, quan trọng nhất là dựa vào những yếu tố mà người đó đem lại trong tương lai sẽ có lợi rất nhiều so với sự trừng phạt đối với họ. Nói xem xét như thế để thấy rằng vì sao tôi đề nghị khoan dung đối với doanh nhân đã vi phạm pháp luật nhưng họ ăn năn, hối cải thực sự và mong muốn lập công chuộc tội.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về cơ sở để xem xét khoan dung và ranh giới mong manh khiến họ vi phạm?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Theo tôi, có ba cơ sở để xem xét tới vấn đề này:

Thứ nhất, luật pháp của chúng ta chưa đủ chặt, chưa đủ chi tiết để đặt ra các quy tắc xử sự khiến cho người ta chỉ có thể làm như thế này, không được phép làm thế kia. Luật pháp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận việc vi phạm pháp luật của doanh nhân có một phần lỗi từ hoạt động lập pháp, từ các quy định chưa chặt chẽ, còn kẽ hở cho nên họ lách được. Họ cho rằng ranh giới mong manh giữa cấm và không cấm là chỗ có thể chui qua, lọt lưới và không ý thức được những diễn biến sau này. Người ta nói làm quan thì phải có chí, làm giàu thì phải liều. Liều ở đây không phải là làm bừa, mà là khi đã dấn thân vào thương trường thì bên cạnh kế hoạch sẵn có, nhiều lúc họ vừa làm vừa tính thôi, đâu có ai chắc chắn hết được mọi sự. Vì vậy, tôi nói là có những vi phạm của họ là do một phần lỗi của hệ thống pháp luật.

Thứ hai, trong thời bình khi Đảng và Nhà nước đang khuyến khích toàn dân làm giàu thì phải thừa nhận lực lượng nòng cốt chính là doanh nhân. Trong bối cảnh pháp luật chưa hoàn chỉnh mà lực lượng doanh nhân đi tiên phong thì họ có thể “giẫm phải mìn”. Đặc biệt là với các doanh nghiệp khu vực tư nhân, họ không bị ràng buộc bởi các quy định quản lý như cán bộ thuộc doanh nghiệp nhà nước, cộng với một số yếu tố tác động cả chủ quan và khách quan nên nhất thời có thể dẫn tới những quyết định không chuẩn xác.

Tôi nhớ là doanh nhân Lê Văn Kiểm cách đây nhiều năm cũng vướng vào chuyện cơ chế và theo luật pháp thời đó thì có thể bị kết án rất nặng. Nhưng ông ấy có một vị ân nhân cực kỳ đại trượng phu, đó chính là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Phan Văn Khải đã đứng ra bảo lãnh cho ông Lê Văn Kiểm và sau này khi luật pháp sửa sang rồi thì soi chiếu ra lại thấy rằng ông Kiểm không có tội nữa. Nếu như không có quyết định sáng suốt của ông Phan Văn Khải thì chúng ta đã mất đi một doanh nhân hai lần được phong anh hùng. Tôi nhắc lại chuyện cũ để nhấn mạnh rằng, đất nước đang cần một lực lượng dấn thân làm giàu thì chúng ta cần phải có nhìn nhận rộng lượng hơn, khoan dung hơn.

Thứ ba, truyền thống người Việt là “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Rõ ràng là chúng ta phải phân hóa, có những doanh nhân cố ý vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế, an ninh chính trị quốc gia thì không khoan dung được, còn nếu thuần túy chỉ là những hoạt động kinh tế mà va vấp do kẽ hở pháp luật, do nhận thức không đến nơi đến chốn, lần đầu phạm tội thì hãy để cho họ có cơ hội khắc phục, sửa sai. Ví dụ như có những vụ việc đã xử lý hành chính rồi, nhưng nếu bây giờ tiếp tục đẩy tới mức xử lý hình sự và không còn cơ hội để cho họ lập công chuộc tội thì doanh nghiệp ấy sẽ bị “phanh thây, xé xác”, tan nát cả một thương hiệu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng lao động, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư là điều không thể tránh khỏi.

Tôi tin rằng khi rộng lượng “ân xá” thì họ sẽ mãi mãi biết ơn Đảng, Nhà nước và hết lòng, hết sức phục vụ cho đất nước. Nhà nước nắm công cụ pháp luật thì có thể trừng trị nghiêm khắc nếu như họ tái phạm.

Nhà nước phải là bộ não rất thông tuệ

để định hướng thị trường

PV: Thưa ông, doanh nghiệp hiện nay đang khát vốn, đặc biệt với thị trường bất động sản thì như Bộ Xây dựng đã báo cáo Quốc hộichưa có nguồn vốn trung và dài hạn. Trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp cũng không phát hành nổi trái phiếu vì niềm tin của nhà đầu tư bị sụt giảm nghiêm trọng, họ sợ bị mất vốn nếu doanh nhân rơi vào vòng lao lý. Có lẽ điều cần thiết lúc này là Chính phủ, các cơ quan Trung ương cần phải có những giải pháp cụ thể để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Thứ nhất, phải khẳng định là việc siết chặt kỷ cương phép nước là quan trọng, siết chặt các quy định với thị trường vốn là điều cần thiết nhằm làm trong sạch hệ thống và dần loại bỏ những đơn vị làm ăn chụp giật. Hôm vừa rồi, tôi phát biểu với Quốc hội là thậm chí còn phải làm sớm hơn, bây giờ là muộn nhưng vẫn cần thiết để làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế trong sạch và cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp, doanh nhân đã sai hoặc có nguy cơ bị sai. Cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nhân từ nay không được cầu thả hoặc cố ý vi phạm pháp luật.

Thứ hai, phải giao cho các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp thông qua hiệu quả hoạt động hàng năm, từ đó công khai minh bạch tất cả các thông tin để nhà đầu tư nắm được, lựa chọn phù hợp. Các cơ quan quản lý cần phải quyết liệt hơn để đưa ra giải pháp đánh giá xem các dòng vốn trên thị trường với những xu hướng đầu tư ra sao, có hiệu quả tới đâu, từ đó sử dụng các công cụ điều tiết định hướng phù hợp, ngăn chặn từ xa tăng trưởng có tính chất cơ hội rồi dẫn tới bong bóng, gây nhiễu loạn thị trường.

Thứ ba, yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp từ nhỏ và vừa cho đến tập đoàn lớn phải công khai, minh bạch tất cả các hoạt động của họ, công khai tài chính, thu nhập và phải số hóa toàn bộ thông tin doanh nghiệp để các cơ quan nhà nước quản lý cũng như là nhà đầu tư tham khảo trước khi bỏ đồng vốn ra đầu tư vào trái phiếu hay cổ phiếu.

Rõ ràng quan hệ giữa nhà đầu tư với các doanh nghiệp, doanh nhân là bên cạnh sự thỏa thuận về mặt dân sự, thuận mua vừa bán thì còn phải chia sẻ rủi ro. Nếu như họ không làm trái pháp luật mà có thể là do hoạch định chiến lược sai, do thị trường trồi sụt hoặc tác động bởi nhiều lý do khách quan dẫn tới thua lỗ thì phải biết chia sẻ. Bây giờ nhà đầu tư cứ đòi phải có lãi, còn rủi ro thì doanh nhân chịu hết, đấy đâu phải là đạo lý.

Bên cạnh đó, vai trò dẫn dắt điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất quan trong, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn và Nhà nước phải có thông tin dẫn dắt, kịp thời cảnh báo cho nhà đầu tư, đừng để tới khi xảy ra chuyện rồi thì mới cảnh báo thì không còn ý nghĩa gì.

PV: Thời gian qua có tình trạng thiếu rất nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp, trong khi đó dự án căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng thì lại quá nhiều. Dòng vốn đi lệch suốt một thời gian dài phải chăng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, thưa ông? 

ĐBQH Lê Thanh Vân: Đấy là do làm chưa tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển, dẫn tới ồ ạt đầu tư vào các dự án đô thị cao cấp và hệ lụy là khi kinh tế gặp khó khăn, dòng tiền không còn thuận lợi thì những dự án ấy có thể trở thành "bom nợ" hẹn giờ. Đối với vai trò quản lý Nhà nước, tôi muốn nhấn mạnh rằng bây giờ là kinh tế thị trường nên không thể cấm đoán, hạn chế, mà phải sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết, doanh nghiệp thấy được cơ hội thì họ sẵn sàng đầu tư.

Nhà nước phải là bộ não rất thông tuệ để định hướng thị trường, sử dụng các công cụ chính sách để điều chỉnh, định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư, thí dụ hiện nay chúng ta đang cần phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp thì phải có các chính sách thực sự thuận lợi mới kêu gọi được doanh nghiệp tham gia. Trong khi đó các dự án bất động sản cao cấp thì lại để thả nổi suốt một thời gian dài, rồi khi thị trường lao dốc thì hàng nghìn tỷ đồng vốn đọng ở đó như những "cục máu đông". Đây là bài học rất sâu sắc cho lãnh đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước. Năm 2023 kinh tế thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục thể hiện tốt vai trò điều hành bằng hành động cụ thể, quyết liệt, ban hành chính sách thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó vực dậy niềm tin với thị trường. Nền kinh tế quốc gia chỉ thực sự phồn vinh khi lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp nội địa phát huy được ý chí sức mạnh tự lực, tự cường .

Trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân!

Ngọc Quang
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top