Aa

Dễ chịu và thoải mái hơn khi chuyển từ nhà diện tích lớn sang nhỏ

Chủ Nhật, 23/12/2018 - 23:30

Chẳng cần những căn hộ rộng lớn ở giữa trung tâm chật chội, chính sự nhỏ bé lại mang đến một không gian ấm cúng, gần gũi, gắn kết những thành viên trong gia đình sau ngày dài mệt mỏi.

Nhiều năm trước, muốn con có nhiều không gian vui chơi và sau này đi học gần các trường tốt, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Tuyết (38 tuổi, nhân viên văn phòng), quyết định mua một ngôi nhà rộng rãi tại khu vực Mỹ Đình, Hà Nội. Căn hộ rộng 135m2, có 3 phòng ngủ, phòng nào cũng rất to. Khi mới chuyển vào, gia đình rất thích thú trước không gian thênh thang và đặt đóng luôn các bộ giường, tủ... hoành tráng cho phù hợp với từng phòng. Cuộc sống thời kỳ đầu ở ngôi nhà rộng không có gì phải phàn nàn. Đường thông thoáng, ít bụi bặm.

Nhưng tới năm 2012, khu vực nhà chị Tuyết mở đường mới, người và xe đều đông lên, bụi bẩn cũng tăng theo. Cũng thời điểm đó, con thứ hai của chị 2 tuổi, người giúp việc xin nghỉ. Chị phải gửi con đi lớp rồi một mình xoay xở với việc nhà, nhiều lần tìm người giúp việc mới nhưng không thành. Chồng hay đi công tác xa, một mình với hai con nhỏ nheo nhóc, mỗi ngày đi làm về, chị xoay trần dọn dẹp và bắt đầu thấy căn nhà rộng như một gánh nặng. Không gian thênh thang càng tạo điều kiện cho bọn trẻ bày bừa.

“Ngày nào tôi cũng cảm thấy stress, mệt mỏi. Việc lau dọn nhà sau cả ngày đi làm mệt nhoài khiến tôi thấy đuối sức, nhưng nếu mặc kệ, tôi lại bứt rứt khi thấy cảnh bừa bộn khắp nơi, sàn nhà nhìn rõ từng dấu chân trên lớp bụi. Các con khi đó đều còn bé, chưa trợ giúp được gì. Tôi có chọn giải pháp mỗi tuần thuê người tới dọn dẹp 1-2 lần nhưng nhiều hôm mình bận, không thể có mặt ở nhà vào giờ đã hẹn với họ nên phương án này cũng không hiệu quả. Cộng với việc có vài vấn đề về sức khỏe, tôi ngày càng oải với ngôi nhà quá rộng”, chị Tuyết chia sẻ.

nhỏ bé lại mang đến một không gian ấm cúng, gần gũi, gắn kết những thành viên trong gia đình

Không gian nhỏ bé lại mang đến một cuộc sống ấm cúng, gần gũi, gắn kết những thành viên trong gia đình (Ảnh minh hoạ) 

Cùng một số lý do khác về công việc, tài chính, cuối năm 2016, vợ chồng chị Tuyết quyết định bán nhà đó, mua một căn hộ khác ở rìa Hà Nội, nơi có không gian xanh, thoáng đãng, tránh xa ồn ào, bụi bặm, có đủ mọi tiện ích dưới chân nhà, trường học ở ngay bên cạnh.

Chị Tuyết cho hay: “Ban đầu, tôi hơi lăn tăn khi diện tích căn hộ mới mua chỉ khoảng 90m2. Đang ở nhà rộng, tôi sợ như vậy là hơi chật chội với gia đình 4 người nhưng cuối cùng vẫn chốt mua vì quá thích thiết kế và môi trường ở đó. Đến khi dọn sang nhà mới, tôi thực sự thấy đó là lựa chọn hợp lý. Nhà nhỏ, diện tích các phòng đều vừa phải nên tôi thiết kế lại làm sao tối giản các đồ đạc - giống như ở khách sạn. Tôi chọn tủ áp tường, bàn nhỏ, loại bỏ hết các món không cần thiết. Khi đã có đồ đạc thì không gian còn lại phải lau chùi rất ít. Khu này ít bụi bặm nên một tuần tôi hút bụi vài lần và chỉ phải lau một lần, rất nhàn.

Sống ở nhà nhỏ, tôi cũng rèn cho mình và các con cách sắp xếp không gian sao cho ngăn nắp, gọn nhất có thể. Tôi hầu như ít mua đồ mới, thấy món đồ cũ nào lâu không dùng tới là đem cho, tặng. Nhờ vậy, tôi cũng tiết kiệm được một khoản. Vì diện tích nơi ở vừa đủ nên mọi người trong nhà luôn muốn dành thời gian xuống khuôn viên xanh mát dưới chân chung cư để vui chơi, tập thể thao. Cuộc sống của gia đình tôi từ đó thư thái, vui vẻ hơn nhiều”.

Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các hộ gia đình đang ngày càng trở nên ưa chuộng căn hộ diện tích nhỏ và siêu nhỏ. Đó cũng là lý do khiến các sản phẩm căn hộ nhỏ và siêu nhỏ bắt đầu nở rộ trên khắp các thành phố đông dân toàn cầu. Diện tích trung bình của mỗi căn vào khoảng 60m2 đến 90m2, bằng một chỗ đỗ xe hơi. Những căn hộ siêu nhỏ này đang là giải pháp cho cơn khủng hoảng nhà ở trên khắp thế giới.

Ông David Venance thuộc Bộ phận Thị trường vốn của JLL tại Vancouve, thành phố chỉ có 1% tỷ lệ nhà trống cho rằng căn hộ siêu nhỏ là một giải pháp hữu hiệu cho áp lực của nhu cầu nhà ở, miễn là căn hộ nằm trong khu vực có khả năng tiếp cận các điểm giao thông công cộng.

Theo David Venance, thế hệ dân thành thị trẻ ngày nay yêu cầu một môi trường hiện đại có tích hợp cả ba yếu tố sống - làm việc - vui chơi nhiều hơn thế hệ trước. Trong khi thế hệ cũ luôn mơ ước được an cư trong những căn biệt thự trên đồi có nhiều người giúp việc thì giới trẻ lại ưa chuộng những căn hộ nhỏ trong trung tâm thành phố và quen với dịch vụ giặt ủi, dọn dẹp và tiệc tùng trên quán bar tầng thượng.

Tại Việt Nam, ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL nhận định nhu cầu bùng phát đối với căn hộ bình dân là minh chứng cho thấy tiềm năng của căn hộ siêu nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội.

“Hầu hết người mua nhà lần đầu chỉ đủ khả năng chi trả cho những căn hộ lớn hơn tại những khu chung cư xa trung tâm thành phố. Thế nhưng về tâm lý, người mua trẻ muốn sống ở một nơi tiện nghi, nên họ vẫn muốn mua căn hộ siêu nhỏ với đầy đủ tiện ích và kết nối cộng đồng.

Nhiều chủ đầu tư bắt đầu xây dựng loại căn hộ với đầy đủ tiện nghi như những khách sạn đẳng cấp. Tuy nhiên, căn hộ siêu nhỏ không cần phải có những tiện ích sang trọng, mà nó cho phép các nhà phát triển dự án tung ra những căn hộ trống có chi phí xây dựng tiết kiệm hơn. Điều này đang góp phần giải quyết bài toán khủng hoảng khả năng chi trả đang ngự trị ở nhiều thành phố toàn cầu”, Tổng giám đốc JLL Việt Nam nói.

Vị này cũng đánh giá các căn hộ siêu nhỏ sử dụng một loạt các giải pháp tiết kiệm không gian như ghế ngồi có thể chuyển đổi thành giường ngủ, giường ngủ có thể gấp vào tường, bàn ăn có thể mở rộng và nhà kho thì treo trên cao.

Cửa trượt và vách ngăn có thể tạo không gian riêng tư và phân chia diện tích căn phòng mà không chiếm quá nhiều diện tích. Một khi đồ nội thất robot thông minh trở nên phổ biến, chủ nhà có thể biến đổi phòng ngủ thành phòng khách hay phòng làm việc chỉ với một nút bấm. Chưa kể, các căn hộ siêu nhỏ cũng có thể cho cảm giác rộng hơn so với kích thước thực khi được trang bị cửa sổ lớn, kho lưu trữ dọc và cửa trượt.

“Căn hộ siêu nhỏ đang trở nên phổ biến ở nhiều thành phố, trong bối cảnh dân số đô thị tiếp tục tăng lên thì đây hoàn toàn không phải là giải pháp duy nhất cho tình trạng thiếu nhà ở trên toàn thế giới.

Các nhà phát triển cũng đang tìm thêm những cách sáng tạo để sử dụng không gian nhỏ, chẳng hạn như co-living - một phân khúc mới hình thành trong nền kinh tế chia sẻ. Trong không gian co-living, những người xa lạ sống cùng nhau trong một căn nhà hoặc chung cư, dùng chung nhà bếp, phòng tắm và những không gian sống khác”, ông Stephen Wyatt đánh giá. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top