Aa

Để nâng giá trị của đất cần hoàn thiện pháp luật

Chủ Nhật, 16/02/2020 - 06:28

Để tài nguyên đất phát huy hiệu quả, tránh trường hợp để đất hoang hóa, rất cần sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và thực thi các chủ trương, chính sách về đất đai.

Để việc thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra minh bạch, thuận tiện, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người có đất, các chính sách, thủ tục quy hoạch, đầu tư, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cần đồng bộ.

Vẫn còn những bất cập

Việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, đấu giá đất hiện nay có 3 vấn đề bất cập.

Trước tiên, năng lực đầu tư, thực hiện dự án của các chủ đầu tư hiện nay còn nhiều bất cập. Trong khi đó, một đơn vị lại là chủ sở hữu nhiều doanh nghiệp, làm chủ đầu tư nhiều dự án ở nhiều địa phương khác nhau. Do đó, khó kiểm soát, đánh giá với những dự án quy mô rất lớn, thậm chí bao trùm cả một đơn vị hành chính cấp xã.

Bên cạnh đó, nhiều dự án chậm triển khai, chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, bồi thường chưa thực sự thỏa đáng, kéo dài, thậm chí để tài nguyên đất hoang hóa,... ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân có đất bị thu hồi, đặc biệt là thu hồi đất ở.

Hoàn thiện pháp luật để nâng cao giá trị đất. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, thực tiễn việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn có tồn tại, hạn chế, chưa quyết liệt chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm, đặc biệt là một số dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng. Việc ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp và thẩm quyền chưa đầy đủ, kịp thời; một số nội dung quy định của pháp luật về đất đai thực hiện chưa nghiêm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế,...

Thứ ba, quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất đã có nhiều đổi mới trong pháp luật đất đai năm 2013. Tuy nhiên, còn thiếu đồng bộ với các quy định về kiểm soát năng lực đầu tư, tài chính.

Xử lý nghiêm trường hợp để đất hoang hóa

Để tài nguyên đất phát huy hiệu quả, tránh trường hợp để đất hoang hóa, rất cần sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và thực thi các chủ trương, chính sách về đất đai.

Đó là tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quản lý đất đai và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, chậm đưa đất vào sử dụng; rà soát, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện đấu giá đất, nhất là những khu đất “vàng”…

UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện tốt quy định của pháp luật về xử lý các dự án chậm sử dụng đất trên địa bàn, trong đó phải kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư chủ động tìm giải pháp khắc phục để đảm bảo dự án đầu tư sử dụng đất có hiệu quả, đúng mục đích. Trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án đầu tư thì thu hồi đất, đặc biệt là các dự án gây bức xúc trong dư luận, đất đã được giao, cho thuê không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí tài nguyên đất.

Về lâu dài, quan điểm và định hướng sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai để giải quyết tốt hơn tình trạng trên cần tổ chức quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, yêu cầu cần có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực thi pháp luật để phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư tránh để hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai.

Nghiên cứu đổi mới phương thức xử lý đối với các trường hợp để hoang hóa, lãng phí đất đai bằng cơ chế tài chính như đánh thuế tài sản để các nhà đầu tư không có đủ năng lực đầu tư buộc phải trả lại đất cho Nhà nước hoặc chuyển giao cho các nhà đầu tư có đủ năng lực để sử dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đổi mới pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan như đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng... để đảm bảo sự đồng bộ, đảm bảo các quy định kiểm soát năng lực đầu tư, tài chính, quản lý dự án của nhà đầu tư, sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, cơ quan có liên quan; tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất tăng nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tham nhũng

Cần thiết quy định hạn chế tối đa việc thu hồi đất ở để thực hiện dự án đầu tư, đổi mới phương thức sử dụng đất thực hiện dự án trên cơ sở chi phí - lợi ích, chia sẻ để đảm bảo quyền lợi của người có quyền sử dụng đất - nhà nước - nhà đầu tư. Đồng thời, giao trách nhiệm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cá nhân có thẩm quyền ký quyết định thu hồi đất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thu hồi đất, bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi đến khi việc tổ chức thực hiện dự án đạt hiệu quả theo quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top