Aa

Đề xuất huy động vốn trong dân thông qua thị trường chứng khoán

Thứ Tư, 19/06/2019 - 03:00

Nhiệm vụ của những đơn vị này là phải biến nguồn vốn này thành nồi cơm Thạch Sanh cho ngân sách Nhà nước, cũng như lợi tức cho người dân thông qua thị trường chứng khoán...

dfgd

Đề xuất huy động vốn trong dân thông qua thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa

Tại phiên thảo luận về Luật chứng khoán sửa đổi trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị dự thảo luật nên thiết kế một số điều để huy động nguồn lực, tài sản của nhân dân thông qua thị trường chứng khoán, nhất là nguồn lực như đất đai, nhà xưởng và tài sản của người dân, đặc biệt là tại nơi triển khai dự án. Đồng thời, có cơ chế để chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn vào công ty đầu tư Nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được bảo đảm an toàn và sinh lời...

Theo ông Nhường mô hình này giống như công ty đầu tư nhà nước của Singapore Temasek Holdings. Công ty này có tổng lợi tức cổ đông kể từ lúc thành lập từ năm 1074 đến nay là 15% hàng năm.

"Đây thực sự là con gà đẻ trứng vàng cho nhà nước Singapore. Vì vậy, tôi đề nghị trong chương này bổ sung thêm một số điều, cho phép Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thành lập một công ty đầu tư Nhà nước, dạng như công ty Temasek Singapore", ông Nhường phân tích.

Theo đại biểu Nhường, nhiệm vụ công ty đầu tư Nhà nước này là sử dụng vốn, đồng tiền của Nhà nước và người dân một cách thông thái và phải biến nguồn vốn này thành nồi cơm Thạch Sanh cho ngân sách Nhà nước, cũng như lợi tức cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đánh giá, thị trường chứng khoán hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân nên huy động nguồn tiền nhàn rỗi chưa thực sự hiệu quả.

Đại biểu Ngọc cho biết, theo khảo sát của tổ chức Neisen quý II/2018, có hơn 70% người dân Việt Nam có xu hướng gửi tiết kiệm, nếu có tiền nhàn rỗi. Do vậy, việc sửa đổi Luật Chứng khoán là hết sức cần thiết, đưa thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn chung và dài hạn và quan trọng, là cơ sở phát triển thị trường vốn để chia sẻ với hệ thống ngân hàng và bảo đảm tính bền vững ổn định của nguồn vốn.

Bảo đảm quyền lợi công ty đại chúng có số vốn dưới 30 tỷ đồng

Bàn về quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng cần tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm khơi thông dòng vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp này trong sản xuất kinh doanh.

Theo bà Thủy, hiện cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, với đặc điểm là có mức vốn thấp, độ rủi ro cao nên khó huy động vốn, vì vậy việc tạo thêm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, huy động vốn là cần thiết.

Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào thị trường chứng khoán cũng phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc, để tránh gây tác động, ảnh hưởng thị trường vốn chung, do đó cần cụ thể hóa việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong dự thảo luật.

Dẫn một loạt số liệu, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết có đến 390 công ty đại chúng có vốn nhỏ hơn 30 tỷ đồng sẽ “chết nhưng chưa chôn”. Bởi lẽ, mặc dù, dự thảo luật có điều khoản chuyển tiếp cho song song tồn tại nhưng thực chất các công ty này không thể hoạt động được do nhà đầu tư không đầu tư tiếp, thậm chí thu hồi vốn đầu tư.

Từ những lí do nêu trên, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ, bảo đảm quyền lợi công ty đại chúng có số vốn dưới 30 tỷ đồng và quyền lợi nhà đầu tư, tránh tình trạng “quản không được thì cấm”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top