Aa

Dịch bệnh tàn phá: Nên bán nhà cho yên ổn hay cố giữ để mất ngủ hàng đêm?

Thứ Bảy, 10/07/2021 - 06:30

Hai năm vật vã bám trụ nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chịu dừng lại. Sức tàn phá của Covid đang làm suy kiệt khả năng chịu đựng của nhiều người vay tiền để mua nhà.

Hai năm vật vã bám trụ nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chịu dừng lại. Sức tàn phá của Covid đang làm suy kiệt khả năng chịu đựng của nhiều người vay tiền để mua nhà. Giấc mơ có được căn nhà vừa thành hiện thực thì nay chực chờ vỡ tan.

Dịch bệnh Covid-19 khiến người vay mua nhà đang gặp áp lực rất lớn
Dịch bệnh Covid-19 khiến người vay mua nhà đang gặp áp lực rất lớn

Ở chưa ấm chỗ đã bán nhà

Năm 2019, sau 12 năm lăn lộn ở TP.HCM, chị Hạnh đã thoả mơ ước khi mua được một căn nhà ở nơi đất chật người đông này. Căn nhà là thành quả của hơn chục năm lao động tích luỹ cùng với một khoản vay ngân hàng bằng 50% giá trị căn nhà.

Chị Hạnh nhẩm tính, với thu nhập của một quản lý khách sạn, lại chịu khó tìm kiếm việc làm thêm nên khoản tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng không quá áp lực với chị.

Kể từ khi có căn nhà, gia đình chị đã thoát khỏi cảnh thuê trọ nay đây mai đó. Chị có một một cơ ngơi để tính đến những chuyện lớn hơn, cho con cái có chỗ tươm tất chăm lo học hành.

Tuy nhiên, mọi dự liệu của chị Hạnh chỉ đúng trong điều kiện bình thường. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã dần gặm nhấm bản kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo của chị.

Nhà hàng, khách sạn là lĩnh vực đầu tiên nhận cú đấm từ đại dịch. Công việc gián đoán khiến thu nhập sụt giảm mạnh. Thời gian đầu, chị Hạnh cố gắng chạy vay mượn người thân, bạn bè để duy trì tiền trả ngân hàng mỗi tháng. Tuy nhiên, suốt hai năm dịch bệnh không suy giảm khiến chị kiệt sức.

Áp lực, mất ngủ do suy nghĩ hàng đêm nên sau nhiều lần đắn đo chị Hạnh phải “bấm bụng” bán đi căn nhà của mình. Lựa chọn khó khăn nhưng giúp chị giảm áp lực nợ nần trong bối cảnh dịch bệnh chưa hẹn ngày kết thúc.

Chưa đến mức phải bán nhà như chị Hạnh nhưng anh Vương (ngụ TP. Thủ Đức) cũng đang “than ngắn thở dài” khi nghĩ về tương lai phía trước. Đầu năm 2020, anh Vương mua được căn hộ nhỏ ở TP. Thủ Đức từ số tiền tích luỹ và khoảng gần 70% giá trị căn nhà là tiền đi vay. Trong đó, hơn một nửa là khoản vay từ ngân hàng với số tiền gốc và lãi hàng tháng phải khoảng 10 triệu động.

Trước khi mua nhà, anh Vương đã tính toán kỹ lưỡng cho bài toán tài chính trong khoản thu nhập của hai vợ chồng. Thậm chí, anh còn lạc quan chỉ mất khoảng 5 - 7 năm là có thể trả dứt số tiền vay ngân hàng với những cơ sở đang có.

Tuy nhiên, cũng như chị Hạnh, bài toán của anh Vương không hề có biến số mang tên Covid-19. Từ khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp của hai vợ chồng anh buộc phải cắt giảm một phần lương. Một nguồn thu nhập khác từ việc làm thêm của hai vợ chồng cũng không còn.

Để duy trì chi phí sinh hoạt và trả tiền vay ngân hàng, anh Vương đã phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm ít ỏi còn lại.

“Nếu dịch bệnh còn kéo dài, rồi giãn cách xã hội như thế này thì không làm ăn gì được. Thu nhập giảm mạnh trong khi chi phí sinh hoạt, tiền vay ngân hàng vẫn như vậy nên áp lực là không nhỏ”, anh Vương cười buồn.

Có nên “cố sống cố chết” để mua nhà?

Sở hữu được một căn nhà ở nơi đắt đỏ như TP.HCM là ước mơ của hàng triệu người dân nhập cư. Quan niệm “an cư lạc nghiệp” lại càng thúc đẩy giấc mơ đó mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh thu nhập với tốc độ tăng giá ở TP.HCM hiện nay thì khoảng cách từ hiện thực đến “ước mơ” đang ngày bị kéo giãn.

Trước biến số khó lường như dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều người mua nhà rất chật vật. Câu hỏi là, có nên cố bằng mọi giá để mua được một căn nhà?

Dịch bệnh tàn phá: Nên bán nhà cho yên ổn hay cố giữ để mất ngủ hàng đêm

Trên nhiều diễn đàn mạng, cuộc tranh luận nên mua nhà hay dành tiền đầu tư đang có hai luồng ý kiến trái ngược. Một bài toán được đưa ra: Anh A có số tích luỹ 300 triệu đồng và đang muốn mua căn nhà giá trị 1 tỷ đồng. Vậy anh A nên dùng số tiền này (30%) cộng thêm với vay ngân hàng (70% còn lại) để mua căn nhà? Hay anh A dùng số tiền 300 triệu đồng này trích một phần để thuê nhà, còn lại mang đi đầu tư?.

Với những người trọng quan niệm “an cư lạc nghiệp”, coi căn nhà là tất cả họ sẽ chọn phương án mua nhà. Ngược lại, những người có “máu” kinh doanh, làm ăn sẽ chọn phương án còn lại.

Anh Trung, một nhà đầu tư bất động sản cho rằng, không có đúng hay sai trong hai luồng ý kiến trên, bởi mỗi cái đều có cái được cái mất riêng và tuỳ vào quan điểm, khả năng mỗi người.

Với những người thích sự ổn định, không có kiến thức về đầu tư và xem căn nhà là tài sản “để đời” thì thường họ sẽ chọn phương án đi vay để mua. Với phương án này, để tìm được căn nhà có giá phù hợp họ phải chấp nhận di chuyển xa hơn, chịu áp lực trả tiền ngân hàng đều đặn mỗi tháng, phải chi tiêu “thắt lưng buộc bụng” và chất lượng cuộc sống có phần giảm sút vì phải “hy sinh” những nhu cầu như đi du lịch, mua sắm.

“Điều quan trọng nhất là họ phải duy trì được công việc và không ngừng làm gia tăng nguồn thu nhập. Nếu yếu tố này được đảm bảo thì mọi việc suôn sẻ, ngược lại mất việc, giảm thu nhập họ sẽ ngay lập tức đối diện khó khăn”, anh Trung nói.

Ngược lại, với nhóm người chấp nhận ở thuê để dành tiền đầu tư thì yêu cầu bắt buộc là phải có kiến thức về kinh tế, biết cách đầu tư để làm cho đồng tiền sinh lợi. Họ không quá đặt nặng “tâm lý” sở hữu căn nhà nên có thể lựa chọn những nơi cư trú linh động, không áp lực về tiền vay, không phải quá chi ly để tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu không có kiến thức đầu tư cái giá họ phải trả là toàn bộ khoản tiền tích luỹ, thậm chí nợ nần. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, áp lực cho người đi đầu tư càng lớn hơn rất nhiều.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân cho rằng, sử dụng đòn bẩy tài chính trong mua nhà hay đầu tư bất động sản là cách thông minh. Tuy nhiên, người mua cần nắm vững những quy tắc, bài toán về tài chính. Chẳng hạn, áp dụng quy luật 2 lần 50%: Nghĩa là tiền vay không được vượt quá 50% giá sản phẩm và tiền trả hàng tháng không quá 50% tổng thu nhập hộ gia đình hàng tháng.

Đồng quan điểm, anh Trung cho rằng, việc mua nhà hay chấp nhận ở trọ để đầu tư đều có chung điều kiện là nắm chắc bài toán tài chính, có kế hoạch rõ ràng. Ngoài ra, cũng cần có một khoản kinh phí dự phòng để có thể tồn tại qua những biến số không thể lường tới như thiên tai, dịch bệnh như Covid-19 hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top