Aa

Dịch Covid-19 được kiểm soát: Bất động sản sẽ “bật” mạnh mẽ

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 06/04/2020 - 06:00

Doanh nghiệp bất động sản đang căng mình để đối phó với dịch Covid-19 và chỉ đợi dịch được kiểm soát là tăng sức bật, thị trường theo đó cũng sôi động trở lại.

Hàng loạt các tín hiệu xấu đã ập đến với thị trường bất động sản ngay từ những ngày đầu của năm 2020 như khan hiếm nguồn cung, siết tín dụng và thêm dịch Covid-19... khiến nhiều phân khúc vào trạng thái “đóng băng”. Tuy nhiên giữa khoảng lặng này, giới chuyên gia nhận định thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn thanh lọc để phục hồi mạnh hơn trong tương lai.

Về dòng vốn tín dụng, được biết đa số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng vừa và nhỏ và kinh doanh dựa trên vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Để tránh tình trạng đổ vỡ, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó.

Trước bối cảnh này, một số doanh nghiệp bất động sản cũng đã chủ động xoay sở tìm kiếm nguồn vốn thay thế tín dụng như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác M&A (sáp nhập, mua lại), thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, vốn FDI đang là một trong những điểm sáng nhất và dự kiến năm 2020 vốn FDI còn đổ về nhiều hơn trong lĩnh vực này.


Dịch Covid-19 được kiểm soát: Bất động sản sẽ “bật” mạnh mẽ. (Ảnh minh hoạ)

Chính vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng, dòng vốn ngoại này sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế; nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính.

Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, giãn thuế, các gói cứu trợ cho các doanh nghiệp bất động sản bị thiệt hại trong dịch Covid-19. Mặc dù, còn nhiều tranh cãi về cách tiếp cận các gói hỗ trợ này song động thái này của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ít nhiều khiến cho khối doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản có thể yên tâm tiếp tục thực hiện các kế hoạch kinh doanh khi thời điểm dịch qua đi.

Bà Nguyễn Như Ý, Tổng Giám đốc Ana Homes phân tích: “Có thể khẳng định rằng, thị trường bất động sản có nhiều yếu tố để phục hồi. Đầu tiên, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các khu vực phát triển về du lịch có cơ hội đón trở lại lượng lớn khách quốc tế, do đó cần tăng cường công tác quảng bá. Khi đó nhu cầu về phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng của chủ đầu tư sẽ tăng lên, xác lập thêm nguồn cung mới, giúp thị trường có cơ sở khôi phục trở lại. Hơn nữa, hiện tại nguồn cung cũ đã bán hết, rất ít nguồn cung tồn đọng cũng là cơ hội gia tăng nguồn cung mới.

Tuy nhiên, thị trường mất bao lâu để phục hồi sẽ phụ thuộc vào thời điểm nào công bố hết dịch, quý II, quý III hay quý IV thì phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô, cũng như kinh tế thế giới. Mỗi thời điểm sẽ quyết định thời gian và mức độ khôi phục của thị trường.

Ngoài ra, tôi cho rằng sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các nút thắt khác được tháo gỡ, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có thêm những chủ đầu tư chuyên nghiệp, có chiến lược dài hạn đưa ra các sản phẩm phù hợp”.

Bà Nguyễn Như Ý, Tổng Giám đốc Ana Homes  

Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường sẽ tăng trưởng tốt hơn nếu các yếu tố gỡ vướng về luật đối với bất động sản nghỉ dưỡng, xác lập quyền sở hữu, xem xét có cấp sổ cho condotel hay không, hình thức sở hữu, quản lý tài sản sau khi được bàn giao được giải quyết.

Bên cạnh đó, Bà Nguyễn Như Ý cho hay: “Giai đoạn này cũng là thời điểm để Công ty của bà đánh giá cơ hội tiềm năng cho thị trường tương lai để sau khi dịch bệnh được kiểm soát, khi quay lại sẽ có một cơ sở dữ liệu lớn phục vụ cho công tác nghiên cứu, triển khai xúc tiến đầu tư. Qua biến cố lần này, chúng ta sẽ nhìn nhận được giá trị của từng doanh nghiệp, dù phải chịu những tác động hết sức nặng nề. 

Những doanh nghiệp trước đây chủ yếu hoạt động dựa trên đòn bẩy tài chính hay có những hướng đi chưa vững chắc thì đây là cơ hội để thanh lọc lại thị trường, giữ lại những đơn vị thực sự có tiềm lực, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển bền vững để mang lại giá trị thiết thực cho thị trường”.

Chia sẻ thêm về hoạt động của Công ty, bà Như Ý cho biết, đến thời điểm hiện nay, thay vì cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí thì doanh nghiệp vẫn đảm bảo các chi phí về lương, thưởng, hỗ trợ để đảm bảo đời sống cho nhân viên, nâng cao tinh thần làm việc và có những hỗ trợ cho cộng đồng cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

Đối với một số dự án đang triển khai thi công, vẫn tiếp tục thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, lập các gói thầu, thực hiện một phần các hạng mục công việc như thi công mặt bằng, san lấp, marketing, xây dựng hàng rào công trường, nhà mẫu, cũng như chuẩn bị tư liệu phục vụ cho công tác bán hàng truyền thông hay kế hoạch tài chính hỗ trợ khách hàng…

Doanh nghiệp cũng đã cho nhân viên chuyển hướng làm việc online tại nhà để tránh việc lây nhiễm chéo, đồng thời tập trung công tác đào tạo nhân sự, định hướng lại về mặt chiến lược để có chiến lược dài hạn, bền vững hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chuẩn bị các công tác thủ tục đầu tư, phân tích các dự án để sau khi kiểm soát được dịch bệnh sẽ rút ngắn được thời gian, sớm thức hiện được công tác đấu thầu, đấu giá. Trong quá trình này, doanh nghiệp cũng sẽ phải chuẩn bị nguồn lực về tài chính để đối diện với tình hình dịch bệnh qua các thời điểm.

Còn theo ông Văn Dũng Chinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại & Đầu Tư Vinareal: "Trong bối cảnh dịch Covid-19, quan trọng nhất là người dẫn đầu như thế nào? Và thực tế cho thấy, Chính phủ đang làm rất tốt. Nhiệm vụ trọng tâm là chặn dịch, phòng dịch. Sau đó mới là phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp".

Theo ông Chinh, điều mà phía doanh nghiệp mong muốn là giảm nợ, hoãn nợ thêm thời gian về thuế, về bảo hiểm xã hội, tiền điện nước, tiền mặt bằng. Vì doanh thu giảm tới hơn một nửa thì họ chưa có tiền để trang trải. Nếu khoản nợ dồn dập, khó lòng doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Vị này cho hay, nếu dịch kết thúc vào tháng 10, thì khả năng nền kinh tế, bất động sản, du lịch phục hồi sau đó đến năm 2022. Độ trễ của nó phải 12 tháng nữa để phục hồi hết. Nhưng nếu dịch mà không chấm dứt trước mùa đông thì không biết điều gì xảy ra.

Rõ ràng, ngành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại. Theo đó, không còn giải pháp nào tốt hơn việc có hướng đi mới, xác định thị trường nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu. Để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Giới phân tích cũng cho hay, trong các kênh đầu tư, dù sao thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và đầy sức hấp dẫn không ai có thể phủ nhận được. Bởi lịch sử thị trường suốt nhiều thập niên qua đã chứng minh, cứ sau mỗi lần khủng hoảng, những nhà đầu tư thông minh đều biết nắm bắt cơ hội để kiếm được nhiều tiền hơn. Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, việc đầu tư lướt sóng trong ngắn hạn là khó, song với các dòng sản phẩm bất động sản có đầy đủ pháp lý, có vị trí tốt, hữu hạn về nguồn cung sẽ là kênh đầu tư an toàn và khả năng sinh lời cực lớn sau khi dịch Covid-19 qua đi. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top