Diện mạo mới cho đô thị Cần Thơ

Năm 2009, Đề án đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng (CTCC) trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1500) bắt đầu được thực hiện. 10 năm qua, với việc nhiều tuyến đường, CTCC được đặt tên, những sáng kiến trong lắp đặt bảng tên đường, tiểu sử danh nhân…, Đề án 1500 đã thực sự góp phần kiến thiết diện mạo đô thị Cần Thơ văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng vào quá trình hội nhập của thành phố.

23:30 16/01/2019

 

Bảng tóm tắt tiểu sử danh nhân Phạm Ngọc Hưng ở đầu đường Phạm Ngọc Hưng, thuộc quận Bình Thủy.

Bảng tóm tắt tiểu sử danh nhân Phạm Ngọc Hưng ở đầu đường Phạm Ngọc Hưng, thuộc quận Bình Thủy.

Đi vào nề nếp

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ - cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn về đặt đổi tên đường và CTCC, thời điểm trước khi ban hành Đề án 1500, Cần Thơ có 134 tuyến đường đã được đặt tên thuộc 5 quận, huyện (Bình Thủy: 8 tuyến; Cái Răng: 15 tuyến; Ninh Kiều: 77 tuyến; Ô Môn: 23 tuyến; Thốt Nốt: 11 tuyến). Từ năm 2009 đến nay, cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn về đặt đổi tên đường và CTCC đã trình HĐND TP Cần Thơ xem xét, thông qua 14 Nghị quyết về đặt tên, đổi tên đường và CTCC. Kết quả, có 144 tuyến đường và 14 CTCC được đặt tên; 2 tuyến đường và 2 CTCC được đổi tên.

Việc chọn đặt tên cũng phong phú lĩnh vực như tên địa danh, sự kiện, danh nhân (gồm: cách mạng, phong kiến, địa phương). Thực hiện đúng Nghị quyết của HĐND TP Cần Thơ, trong thời gian 30 ngày kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đều triển khai lắp đặt bảng tên đường mẫu để các quận, huyện tiếp tục đặt tại các vị trí cần thiết còn lại.

Có thể nói, trong bối cảnh đô thị Cần Thơ phát triển nhanh chóng, hiện đại thì việc đặt tên đường và CTCC không chỉ thể hiện nét văn minh đô thị của Cần Thơ mà còn giúp đời sống kinh tế, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, thuận lợi trong giao thương, hội nhập. Điển hình như từ ngày công viên trung tâm huyện Phong Điền mang tên người nghệ sĩ tài hoa- Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Phương Danh (tức Tám Danh), bà con rất vui mừng vì việc định danh sẽ dễ dàng hơn trong định vị, tìm kiếm, làm ăn buôn bán. Bộ mặt huyện nông thôn mới như bừng sáng hơn. Hay ở một số khu dân cư như 91B, Metro (quận Ninh Kiều), Hưng Phú 1, Nam Long, 586… (quận Cái Răng)… việc các tuyến đường được đặt tên đã tạo thuận lợi rất nhiều cho bà con trong việc đi lại, làm ăn.

Thật ra, cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc đặt tên đường trong các khu dân cư thay vì đặt tên danh nhân, mỹ tự thì thay bằng số cho dễ tìm kiếm. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn ủng hộ việc đặt tên danh nhân, nhất là danh nhân địa phương vì qua đó, tên đường sẽ góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho bà con, nhất là thế hệ trẻ. Đó còn là cách để Cần Thơ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Em Hồ Hoàng Tuyết Trinh, sống ở tuyến đường Phạm Văn Nhờ (quận Cái Răng), cho biết: “Từ khi đường trước nhà em mang tên Phạm Văn Nhờ, em cũng tìm hiểu khá nhiều về nhân vật lịch sử này và thấy tự hào về một thế hệ anh hùng đi trước”.

Để đáp ứng nhu cầu đặt đổi tên đường và CTCC, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã thành lập Cơ sở dữ liệu tên đường và CTCC tại địa chỉ http://www.canthostreet.org.vn. Hiện Cơ sở dữ liệu này hoạt động rất hiệu quả khi hằng năm các quận, huyện, sở, ngành đều bổ sung hơn 10 tên mới, cá biệt năm 2018 lên đến 50 tên. Sau khi nhận được đề xuất bổ sung địa danh, cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn về đặt đổi tên đường và CTCC sẽ rà soát, kiểm tra, bổ sung thông tin, trình Hội đồng để bổ sung vào Cơ sở dữ liệu. Theo thống kê, hiện tại Cần Thơ có vốn cơ sở địa danh đã hoàn thiện là gần 595 tên, trong đó đã đặt là 235 tên, còn 360 tên chưa đặt. Ông Lê Thanh Bình, Trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, nhận định: Vốn cơ sở dữ liệu về tên đường và CTCC hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị Cần Thơ trong thời gian tới.

Những cách làm mới

Từ khi tuyến đường Tôn Đức Thắng, thuộc địa bàn quận Ô Môn, được lắp thêm bảng tiểu sử, nhiều người dân hằng ngày qua lại vẫn thường đọc để hiểu hơn về Bác Tôn - người con ưu tú của quê hương miền Tây sông nước. Bà Trịnh Thị Nhiêu, người dân phường Châu Văn Liêm, nói: “Tôi thấy cách làm này rất hay, mang tính giáo dục truyền thống cao. Tôi cũng hay nhắc mấy đứa cháu ở nhà có dịp thì tìm hiểu thêm các nhân vật lịch sử được đặt tên đường ở địa phương mình”.

Hay ở đường Trần Vĩnh Kiết, phường An Bình, quận Ninh Kiều, tấm bảng tiểu sử rất trang trọng được lắp đặt ở đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ. Tấm bảng ghi rõ lai lịch, công trạng, danh hiệu mà Anh hùng Trần Vĩnh Kiết được công nhận. Anh Nguyễn Bá Lân, một khách đi đường, nói: “Tuyến đường này được đặt tên Trần Vĩnh Kiết - ngay nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông nên rất ý nghĩa. Nay càng ý nghĩa hơn khi có một bảng tiểu sử như thế này. Tôi thấy cách làm của Cần Thơ hay và cần nhân rộng”.

Sáng kiến lắp đặt bảng tiểu sử danh nhân ở các tuyến đường do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ thực hiện từ giữa năm 2017 đến nay. Hiện tại, đã có 19 tuyến đường thuộc các địa phương: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn… được lắp đặt. Hướng tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ sẽ cho lắp đặt trên tất cả các tuyến đường mới được đặt tên và đặt ở một số tuyến đường lớn, huyết mạch của thành phố.

Cuối tháng 10-2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã ban hành Hướng dẫn mẫu biểu tên đường và bảng tóm tắt tiểu sử danh nhân với những quy cách và cách làm rất rõ ràng, khoa học. Theo đó, thay vì bảng tên đường trước đây chỉ viết trên một mặt thì nay được viết trên cả hai mặt. Hai biển tên đường trên cùng một trụ (thường lắp ở góc có 2 tuyến đường giao nhau) được gắn so le cao thấp với trụ cao 300cm (thay vì 250cm như trước). Những sáng kiến này của TP Cần Thơ giúp phát huy được hiệu quả chỉ dẫn giao thông do người đi đường có thể thấy bảng tên đường từ nhiều hướng. Đồng thời, bảng tên đường vì thế không còn mặt lưng trơ khung sắt không có nội dung sẽ đảm bảo mỹ quan hơn.

Công tác đặt đổi tên đường và CTCC luôn là đòi hỏi bức thiết trong quá trình phát triển đô thị, rất cần để phân biệt không gian đô thị . Tên đường phố và CTCC là địa chỉ để xác định các giao dịch hành chính, kinh tế trong xã hội và còn có thêm nhiệm vụ đóng góp xây dựng thương hiệu. Về lâu dài, địa danh tên đường, CTCC còn mang giá trị văn hóa và tình cảm với mọi người sống trong không gian ấy. Đề án 1500 của TP Cần Thơ suốt 10 năm qua đã làm tốt được những yêu cầu đó, giúp cho diện mạo thành phố ngày càng khởi sắc hơn, đẹp hơn trong mắt người dân và bạn bè quốc tế.

Theo Đăng Huỳnh / Báo Cần Thơ

Bạn đang đọc bài viết Diện mạo mới cho đô thị Cần Thơ tại chuyên mục Tây Nam Bộ của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận