Aa

Đổ xô thành lập doanh nghiệp địa ốc: Nhanh đến, nhanh đi

Thứ Sáu, 17/05/2019 - 08:00

Phần lớn doanh nghiệp thành lập mới đều có quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ bất động sản và đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.

Gặp nhiều khó khăn

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Kinh tế Trung ương nhằm tìm giải pháp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Theo đó, HoREA cho biết, hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động nhưng phần lớn là doanh nghiệp có quy mô trung bình và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ và chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp phát triển bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chính sách đối với các doanh nghiệp ngành này còn thiếu ổn định nên doanh nghiệp bất động sản luôn đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, nguy cơ phá sản cao, đặc biệt là các đơn vị mới thành lập.

Chẳng hạn, hiện tượng “hồi tố” với một số dự án đã triển khai thời gian gần đây, hoặc hệ thống pháp luật chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đảm bảo tính hệ thống, thống nhất cũng là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng này.

Lãnh đạo HoREA cho rằng, hiện thủ tục hành chính, quy trình hành chính còn nhiêu khê, trùng lắp. Trách nhiệm thi hành công vụ và năng lực của một số cán bộ công chức nhà nước chưa thật đáp ứng yêu cầu trong giải quyết hồ sơ dự án bất động sản. Tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, chuyển lòng vòng, không nêu rõ chính kiến khá phổ biến. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng làm khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp bất động sản

Thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp bất động sản

Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp địa ốc với lãnh đạo UBND TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Văn Đực, đại diện Công ty Địa ốc Đất Lành kể, một dự án của công ty ông phải mất 18 tháng mới xong một thủ tục duyệt đóng bổ sung tiền sử dụng đất. Trong đó, hồ sơ mất 4 tháng nằm ở Sở Tài chính, mất thêm 14 tháng “ngâm” tại Sở Tài nguyên - Môi trường.

"Với tiến độ thủ tục hành chính liên quan đến đất đai kéo dài như hiện nay, chẳng còn doanh nghiệp nào mặn mà làm nhà giá rẻ vì chi phí chờ đợi quá lớn", ông Đực bức xúc.

Theo HoREA, từ những khó khăn về chính sách đã dẫn đến thị trường bị giảm quy mô, bị sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do quy luật cung - cầu (cung ít, cầu nhiều). Khó khăn khiến không ít doanh nghiệp bất động sản đã làm thủ tục xin giải thể, ngừng hoạt động.

Cụ thể, từ tháng 3/2017 đến nay, thị trường bất động sản TP.HCM liên tục bị sụt giảm về quy mô. Năm 2018, quy mô thị trường giảm 34% so với năm 2017; quý I/2019, số lượng dự án được Sở Xây dựng phê duyệt giảm đến 67%. Theo Savills, số lượng căn hộ giảm 57% so với quý I/2018; thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất giảm khoảng 70%...

Gỡ khó cách nào

Ông Châu kiến nghị, để khắc phục tình trạng trên, cán bộ, công chức cần hiểu luật và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, không máy móc, lệ thuộc từ ngữ.

Về thủ tục hành chính, quy trình hành chính, HoREA kiến nghị các bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, đơn giản hóa, công khai hoá, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình hành chính, như TP.HCM đã rút gọn thủ tục hành chính khi cấp phép xây dựng thì đồng thời rút gọn luôn thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của dự án.

Về trách nhiệm thi hành công vụ, đạo đức công vụ, HoREA và các doanh nghiệp đề nghị công bố công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính; không để cán bộ, công chức tiếp cận với người dân, doanh nghiệp trong quá trình thụ lý hồ sơ, bằng cách đẩy mạnh cơ chế Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.

Còn đối với các doanh nghiệp, ông Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc Phú Vinh Group cho biết, chính sách khắt khe là tình hình chung đối với thị trường. Không chỉ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả những “ông lớn” trong ngành cũng chịu ảnh hưởng.

“Đồng thời, cũng phải thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc mới thành lập đã phải đóng cửa là khả năng cân đối dòng tiền kém, đội ngũ sáng lập yếu, thiếu sản phẩm tốt, phát triển nhân sự không hiệu quả, chủ doanh nghiệp thiếu kiến thức…”, ông Chánh nói.

Theo ông Chánh, việc cân đối dòng tiền kém sẽ khiến doanh nghiệp “chết” trước khi thành công, hơn nữa chủ doanh nghiệp thiếu kiến thức, kinh nghiệm, người dẫn dắt và một mô hình đã chứng minh hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn tới việc “đóng cửa” sớm. Bởi một doanh nghiệp không thể phát triển vượt khỏi khả năng quản lý của người chủ, do vậy, buộc người lãnh đạo phải học hỏi để phát triển bản thân liên tục.

“Để đứng vững được trong thị trường bất động sản thì buộc chủ doanh nghiệp phải có kiến thức ngành, kinh nghiệm, người dẫn dắt, làm việc theo đội nhóm, làm chủ phân khúc và áp dụng theo một mô hình đã chứng minh hiệu quả”, ông Chánh nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top