Aa

Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra hàng loạt bất cập trong quy hoạch, quản lý đất đai đô thị

Thứ Ba, 28/05/2019 - 01:20

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị...

Quản lý sử dụng đất đai đô thị còn nhiều hạn chế

Tại ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày làm việc để nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua giám sát, Đoàn giám sát ghi nhận Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị được ban hành khá đầy đủ, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị từng bước đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt báo cáo của Đoàn giám sát

Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất.

Báo cáo của đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn 2006 - 2011, có khoảng 2.500 dự án nhà ở được cấp phép trong cả nước. Trong khi đó, việc ban hành quy chế quản lý kiến trúc còn chậm, ảnh hưởng công tác quy hoạch.

Nhiều địa phương còn chậm phê duyệt các quy hoạch phân khu (tỷ lệ quy hoạch chi tiết mới đạt 37% so với tổng số đất đô thị quy hoạch), gây ra tình trạng quản lý không đồng bộ. Có 5 tỉnh/thành phố chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đó là: Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Bến Tre và Cà Mau.

Đối với một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng đã không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa. Chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trên phạm vi cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến sáu lần. Việc điều chỉnh chủ yếu theo hướng tăng số lượng tầng cao thêm, tăng diện tích sàn thương mại, bổ sung nhà ở, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật…

Ví dụ cụ thể được dẫn chứng trong báo cáo của đoàn giám sát là công trình nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) xây dựng sai giấy phép, tự ý tăng chiều cao các tầng...

Báo cáo cũng chỉ ra một số bất cập trong xác định quỹ đất được sử dụng để thanh toán đối với một số dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT). Theo đó, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, tạo kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Các công trình cao tầng đang dần co cụm vào trung tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, việc xây dựng các công trình cao tầng có xu hướng co cụm vào trung tâm với khoảng 80% công trình cao tầng nằm trong nội đô Hà Nội, trong đó chưa kết hợp hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Bên cạnh đó, việc di dời các bộ ngành, các cơ sở công nghiệp, giáo dục ra khỏi nội đô nhìn chung còn chậm. Một số cơ quan, đơn vị sử dụng trụ sở cũ làm cơ sở 2 hoặc kinh doanh thương mại, không ưu tiên bổ sung hạ tầng xã hội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ở một số đô thị, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường, thiếu tính kết nối giữa các đô thị đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhu cầu của người dân đô thị; còn có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc.

Theo đó, thực trạng tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Dự án Tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng (tại lô HH1, HH2, HH3, HH4, lô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm) đã được điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20, 33 tầng lên tối đa 40 tầng, điều này đã biến Linh Đàm từ một “khu đô thị kiểu mẫu” thành nơi quá tải cả về hạ tầng, điện, nước, cơ sở giáo dục…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, quỹ đất dành cho giao thông chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt từ 20 - 26% với đô thị trung tâm, từ 18 - 23% với đô thị vệ tinh và 16 - 20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi cũng chỉ đạt dưới 1% trong khi yêu cầu đặt ra là từ 3 - 4%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top