Aa

Doanh nghiệp cần bớt lệ thuộc vào vốn ngân hàng

Thứ Bảy, 13/07/2019 - 08:00

Gần đây, không chỉ các ngân hàng mà các doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu. Lý do nào, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại trở nên sôi động như vậy?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ ngân hàng BIDV để tìm ra câu trả lời cho hiện tượng trên.

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường trái phiếu doanh nghiệp những tháng đầu năm?

TS. Cấn Văn Lực: Theo số liệu chúng tôi cập nhật, trong 5 tháng đầu năm các doanh nghiệp bao gồm cả các ngân hàng, CTCK phát hành khoảng 60 nghìn tỷ đồng trái phiếu… Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường vốn. Qua đó, cho thấy doanh nghiệp đã chủ động tìm nguồn vốn mới đặc biệt liên quan đến vốn trung dài hạn, khi nguồn vốn trung, dài hạn của ngân hàng không dồi dào như trước và room tín dụng cũng bị siết chặt hơn.

Điểm tích cực nữa, theo tôi, đó là hoạt động sôi động từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp góp phần cân bằng hơn thị trường tài chính, cũng như thúc đẩy sự phát triển thị trường này thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.

Đó còn là động lực cho các doanh nghiệp tăng tính minh bạch trong hoạt động, bởi doanh nghiệp nào muốn phát hành trái phiếu thành công đương nhiên phải cung cấp thông tin, số liệu tài chính… để nhà đầu tư nắm bắt xem xét đầu tư.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ ngân hàng BIDV

TS. Cấn Văn Lực

PV: Gần đây một số ngân hàng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp với lô lớn. Ông đánh giá sao về động thái trên?

TS. Cấn Văn Lực: Đúng là vừa qua, không chỉ thực hiện phát hành trái phiếu, mà bản thân các ngân hàng cũng đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây là hoạt động đầu tư kinh doanh bình thường của ngân hàng.

Theo quy định của NHNN, ngân hàng khi đầu tư vào trái phiếu vẫn tính vào dư nợ cho vay đầu tư. Do đó, các ngân hàng phải tính toán kỹ bài toán đầu tư. Có thể, trong bối cảnh vốn chưa đẩy ra được, ngân hàng tranh thủ đầu tư trái phiếu DN tăng hiệu quả vòng quay đồng vốn mà họ huy động.

PV: Hiện tại, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phổ biến 8 - 10%/năm, nhưng có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất lên 12 - 14%/năm. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

TS. Cấn Văn Lực: Thực ra, như bạn biết so với các TCTD, mức độ rủi ro của doanh nghiệp cao hơn. Bởi mức độ minh bạch thông tin, mức độ rủi ro, quản trị doanh nghiệp kể cả việc cơ quan quản lý không chặt chẽ bằng TCTD. Không chỉ với Việt Nam mà ở các nước cũng vậy, mức độ rủi ro của doanh nghiệp cao hơn hệ thống ngân hàng. Mà theo quy luật kinh tế, mức độ rủi ro cao, lãi suất phải cao tương xứng.

Một lý do nữa khiến lãi suất cao là khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu tương đương với việc cho vay không có tài sản bảo đảm, nên mức lãi suất phải cao hơn. Ngoài ra, mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp còn tùy thuộc mức độ rủi ro ngành nghề. Chẳng hạn, doanh nghiệp hoạt động ngành nghề tiêu dùng, sản xuất kinh doanh ít rủi ro hơn doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản…

Dẫu vậy, đây cũng là vấn đề cần được theo dõi sát sao, không để đẩy mặt bằng lãi suất lên quá cao; bởi như thế làm méo mó thị trường lãi suất, và vốn trung dài hạn tập trung quá nhiều từ kênh trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó mức độ đánh giá rủi ro của các nhà đầu tư đối với doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin của doanh nghiệp chưa thật sự minh bạch, chính xác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thêm nữa, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều tăng nợ của quốc gia nói chung. Chính vì thế, mới đây, Chính phủ cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp để không xảy ra hiện tượng gây đột biến về lãi suất.

PV: Theo ông cần thêm giải pháp gì để hạn chế những méo mó trên?

TS. Cấn Văn Lực: Rõ ràng đó là hiện tượng mới đối với thị trường tài chính, và với doanh nghiệp trong câu chuyện huy động vốn nên chúng ta phải theo dõi đánh giá sát sao qua số liệu thống kê cả doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết để đưa ra ngăn chặn cảnh báo kịp thời. Nếu không doanh nghiệp làm ẩu, công bố thông tin thiếu minh bạch, không đạt chuẩn…

Thực ra không phải quá lo, vì hiện tại, người dân, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư rất thông minh nên họ không mua trái phiếu của doanh nghiệp sắp phá sản. Điều quan trọng, chúng ta đang rất muốn thị trường trái phiếu phát triển cân bằng hơn với thị trường tài chính tiền tệ, giảm áp lực cấp vốn cho hệ thống ngân hàng. Nên cần có chính sách khuyến khích thị trường này phát triển lành mạnh, hiệu quả thay vì lo lắng quá.

Để vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp bài bản, phát triển lành mạnh, bền vững hơn, cơ sở dữ liệu thông tin cho thị trường phải được chuẩn hóa.

Theo tôi, cần sớm cho phép thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp một cách khách quan, công khai minh bạch. Đây là kênh thông tin quan trọng, cho các nhà đầu tư tham khảo để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thông tin từ tổ chức này còn có thể giúp quản lý nợ quốc gia ở mức độ chuẩn hơn.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top