Aa

Doanh nghiệp địa ốc tính đường dài

Thứ Ba, 02/01/2018 - 06:01

Thực tế thị trường bất động sản năm 2017 cho thấy, muốn kinh doanh thành công, doanh nghiệp phải cùng đi với khách hàng trên con đường dài.

Bức xúc dịch vụ bảo trì

Năm 2017 là năm diễn ra hàng loạt vụ tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư trong quá trình mua bán, quản lý, vận hành nhà chung cư. Từ những dự án mới đi vào vận hành như The Pride (Hà Đông, Hà Nội) của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, Mipec Riverside (Long Biên, Hà Nội) của Công ty cổ phần Hóa dầu quân đội, Dream Home Palace (quận 8, TP.HCM) của Công ty cổ phần Nhà Mơ đến những dự án người dân về ở đã lâu như Hồ Gươm Plaza (Hà Đông, Hà Nội) của Công ty cổ phần May Hồ Gươm, hay chung cư Keangnam Landmark Tower (Nam Từ Liêm, Hà Nội) của AON Holdings (Hàn Quốc)…

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, có những tranh chấp đơn giản, phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành được các bên nhanh chóng thu xếp. Có những tranh chấp diễn ra dai dẳng do sai phạm trong thiết kế, xây dựng và hợp đồng mua bán khiến các bên phải tìm tới phán quyết tại tòa án. “Ít hoặc nhiều, các tranh chấp giữa chủ đầu tư với khách hàng tại dự án khiến phân khúc chung cư gặp những trở lực đáng kể trong quá trình bán hàng”, ông Đính cho biết.

Doanh nghiệp đầu tư phân khúc chung cư đã quan tâm đến các dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng. Trong ảnh: Chung cư Mipec Reverside Long Biên (Hà Nội).

Doanh nghiệp đầu tư phân khúc chung cư đã quan tâm đến các dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng. Trong ảnh: Chung cư Mipec Reverside Long Biên (Hà Nội).

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng thống kê, toàn Thành phố có 935 chung cư cao tầng thì có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 9 chung cư tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Một trong những tranh chấp lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây là phần sở hữu chung - riêng trong dự án, cụ thể gồm: nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê... Các tranh chấp phổ biến do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban Quản trị, chưa bàn giao Quỹ Bảo trì chung cư.

Ngoài ra, những tranh chấp về quản lý, sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng, về chất lượng xây dựng chung cư, thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy cũng diễn ra thường xuyên tại nhiều tòa nhà chung cư.

Đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết, chưa làm giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người mua nhà qua nhiều năm. Điều đáng tiếc nữa là, không ít trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình, nhưng đã đưa dân vào ở, không đảm bảo an toàn.

Cuộc chơi chuyên nghiệp

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về những vấn đề mới phát sinh của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc chung cư, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest cho rằng, thị trường hiện tại đã khác rất nhiều so với giai đoạn 5 năm trước đây.

Giai đoạn trước, mối liên hệ khách hàng và chủ đầu tư chủ yếu thông qua các hợp đồng mua bán hoặc góp vốn. Hiện nay, khi hàng loạt dự án chung cư mới đi vào vận hành, có những vấn đề mới phát sinh trong thực tế mà khi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp cũng không lường hết, đặc biệt là dịch vụ chung như siêu thị, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, chiếu sáng, vệ sinh công cộng…

“Đầu tư vào phân khúc chung cư ở thời điểm này, doanh nghiệp phải tính đường dài với các dịch vụ, tiện ích, quản lý, vận hành trong cả vòng đời sản phẩm”, ông Toàn nói.

Đồng quan điểm này, bà Vũ Kiều Hạnh, Trưởng bộ phận Quản lý bất động sản Savills Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ khi ngày càng nhiều dự án đi vào khai thác và vận hành.

Việc thiếu chuyên nghiệp có thể coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư như đã diễn ra tại một số dự án thời gian gần đây. Để tránh nguy cơ tranh chấp, nhiều chủ đầu tư đã chọn đơn vị quản lý, vận hành dự án ngay từ giai đoạn đang chào bán.

“Giữa một thị trường dồi dào nguồn cung như phân khúc nhà ở cao cấp tại Hà Nội, khách hàng không chỉ xem xét đến những yếu tố đơn thuần như giá cả, vị trí, mà còn cân nhắc đến những yếu tố sâu xa hơn, làm nên chất lượng của dự án.

Người mua nhà để ở ngoài việc lưu ý đến những dự án của các chủ đầu tư có uy tín, còn tìm kiếm những dự án được quản lý bởi đơn vị quản lý chuyên nghiệp để đảm bảo lợi ích của mình khi trở thành cư dân tại dự án. Nhà đầu tư mua nhà để cho thuê cũng tìm kiếm những sản phẩm có đơn vị quản lý uy tín, có tên tuổi để dễ dàng thu hút khách thuê”, bà Hạnh nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top