Aa

Doanh nghiệp niêm yết: Hé mở lợi nhuận quý III

Thứ Ba, 24/09/2019 - 16:13

Đà tăng trưởng lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết trong năm 2019 đã sớm được dự báo sẽ chậm hơn so với năm 2018, với sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành.

Tiếp nối hai quý đầu năm, bức tranh lợi nhuận quý III đang được phác họa bằng các gam màu đa sắc.

Dầu khí: PVTrans, PTSC vượt kế hoạch

Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT) cho biết, dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2019, PVTrans đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 700 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 570 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch cả năm 2019.

Ảnh minh họa.

Theo ông Việt Anh, tăng trưởng lợi nhuận của PVTrans trong 9 tháng đầu năm 2019 là nhờ sự đóng góp của các tàu mới. Tổng công ty đã đưa vào khai thác 3 tàu chở khí LPG mới, 1 tàu chở dầu sản phẩm mới và 1 tàu chở dầu thô từ quý II/2019, phấn đấu trở thành công ty vận tải với đội tàu vận tải dầu khí hiện đại, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng.

Ðể đảm bảo duy trì các chỉ số tài chính ổn định, PVTrans chú trọng tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ các chỉ số tài chính của Công ty mẹ và toàn Tổng công ty.

“Chúng tôi luôn chủ động, bám sát những diễn biến của thị trường vận tải nội địa cũng như quốc tế để có những bước kiểm soát chi phí quản lý, kỹ thuật; giảm bớt hạng mục nâng cấp, sửa chữa chưa cần thiết, rút ngắn thời gian, tiến độ sửa chữa tàu nhằm tiết kiệm tối đa các chi phí để mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Việt Anh chia sẻ thêm.

Trong quý IV/2019, PVTrans sẽ duy trì hoạt động ổn định ở các mảng dịch vụ, tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như cho thuê tàu trên thị trường quốc tế; Vận chuyển toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm dầu đầu ra cho các nhà máy lọc dầu...

Thực tế, nhiều dự báo cho thấy, ngành vận tải dầu thô sẽ bước vào chu kỳ tăng từ năm 2020.

Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, lợi nhuận trên mỗi cổ phần của PVTrans có thể đạt mức tăng trưởng kép hàng năm 10,4% trong 5 năm nhờ đóng góp của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn từ năm 2020 trở đi và các hợp đồng vận chuyển than/LPG mới.

Với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS), mảng cơ khí dầu khí có nhiều triển vọng, cùng với đà hồi phục của giá dầu trong thời gian qua là yếu tố giúp doanh nghiệp sớm thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019.

Ông Phan Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTSC cho biết, với chuyển biến tích cực từ hoạt động kinh doanh, ước tính đến hết 3 quý đầu năm 2019, Tổng công ty vượt kế hoạch lợi nhuận ở mức hai con số (riêng 6 tháng đầu năm, PTSC ước đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 650 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch cả năm).

Việc phát triển đội tàu luôn nằm trong kế hoạch của PTSC. Tổng công ty đã mua lại 1 tàu chở dầu và sẽ chuyển đổi tàu này thành kho chứa nổi FSO để đảm bảo dự án Sao Vàng - Ðại Nguyệt có thể đi vào hoạt động trong quý III/2020.

Theo đánh giá mới đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt, tiềm năng giá trị doanh thu chưa thực hiện (backlog) mảng cơ khí dầu khí của PTSC nhiều khả năng tăng thêm khoảng 500 triệu USD nhờ một số hợp đồng có thể ký liên quan đến dự án hóa dầu Long Sơn và dự án Salman (Brunei);

Tổng công ty đã ký một hợp đồng cơ khí dầu khí liên quan đến Khu liên hợp hóa dầu Long Sơn với tổng giá trị 100 triệu USD và có thể sẽ ký thêm một số hợp đồng liên quan đến khu liên hợp này.

Ngoài ra, PTSC tự tin vào dự án Salman tại Brunei; Ban lãnh đạo nhắm đến hợp đồng xây dựng dự án cảng LNG Vân Phong (tổng giá trị đầu tư khoảng 700 triệu USD);

Tổng công ty đang thực hiện một số dịch vụ khảo sát bước đầu cho ExxonMobil đối với dự án Cá Voi Xanh (tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD).

Thực tế hoạt động của PTSC cho thấy những chuyển biến tích cực, nhưng doanh nghiệp này thường đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, nên việc về đích sớm chỉ tiêu lợi nhuận không gây bất ngờ.

Năm 2019. TPSC đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 11,2% và 28,3% so với mức thực hiện năm 2018.

Nhóm doanh nghiệp ngành dầu khí nói chung được dự báo sẽ có sức bật tốt hơn trong 6 tháng cuối năm so với giai đoạn nửa đầu năm. Trong đó, giá dầu hồi phục từ đầu năm đến nay sau nhịp sụt giảm quý IV/2018 là một yếu tố hỗ trợ tích cực.

Bên cạnh đó, việc tái triển khai các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhờ tăng hiệu suất hoạt động.

Bất động sản khu công nghiệp: Nhiều điểm sáng

Ảnh minh họa.

2019 sớm được dự báo là một năm tăng trưởng chậm lại của ngành bất động sản sau một năm 2018 tăng trưởng vượt bậc.

Năm nay, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mức tăng trưởng chung của nhóm doanh nghiệp bất động sản khoảng gần 44%.

Một số doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Vinhomes, Tập đoàn Vingroup - CTCP ghi nhận mức tăng trưởng giảm trong 6 tháng đầu năm 2019, nhưng BVSC cho rằng, mức tăng sẽ cao hơn trong hai quý cuối năm.

Những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhà ở thương mại như Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Ðô… dự kiến lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt NTL dự kiến tăng trưởng gấp đôi so với năm 2018.

Song song với tốc độ tăng nhanh của giá cổ phiếu trên sàn, 9 tháng đầu năm 2019, nhóm bất động sản khu công nghiệp như Công ty cổ phần Phát triển Ðô thị Công nghiệp Số 2, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP)… dự kiến duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận tốt.

TIP ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2019 khi đạt hơn 48 tỷ đồng lãi ròng hợp nhất, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2018, nhờ ghi nhận doanh thu cao từ dự án khu dân cư quy mô 18 ha.

Công ty ước tính, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2019 đạt 130 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2018, với kỳ vọng hoạt động bán hàng tại dự án khu dân cư quy mô 18 ha và dự án Chợ Thống Nhất tiếp tục khả quan, bên cạnh đó là khoản thu thập từ cổ tức tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Long Khánh và doanh thu cho thuê 55 kios thuộc công trình Kios - đường nối khu công nghiệp. TIP đặt mục tiêu lãi ròng hợp nhất năm 2020 từ 170 - 200 tỷ đồng.

Thủy sản: Lợi nhuận suy giảm

Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái: doanh thu tăng 76%, đạt 3.646 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 63%, đạt 315 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2019, ASM đề ra chỉ tiêu doanh thu 10.495 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế 1.244 tỷ đồng, tăng gần 4% so với năm 2018.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị ASM cho biết, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 giảm mạnh so với cùng kỳ đã sớm được dự báo, chủ yếu do giá các mặt hàng xuất khẩu đều giảm.

Theo ông Thuấn, các mặt hàng xuất khẩu thủy sản có những biến động mang tính chu kỳ “tăng, chững lại và giảm”, nên qua giai đoạn khó khăn thì giá các mặt hàng sẽ sớm hồi phục.

Ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ cá thể không còn mặn mà với việc nuôi trồng thủy sản nên ASM sẽ tăng khả năng lưu trữ mặt hàng để chờ giá tốt hơn.

“Chúng tôi xác định, lĩnh vực bất động sản, thủy sản, du lịch vẫn là các lĩnh vực chủ chốt, là thế mạnh của vùng nên Công ty sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, ASM tập trung cho lĩnh vực khai thác điện năng lượng mặt trời”, ông Thuấn chia sẻ.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cũng gặp khó khăn khi hoạt động xuất khẩu suy giảm.

Giá trị xuất khẩu của VHC trong tháng 8/2019 đạt 27 triệu USD, giảm 31% so với tháng 8 và giảm 4% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu của Công ty giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong báo cáo phân tích mới đây, BVSC dự báo, kết quả kinh doanh quý III/2019 của VHC có thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái, do những khó khăn tạm thời trong hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn tại thị trường Mỹ chỉ là yếu tố ngắn hạn và triển vọng đối với VHC sẽ tích cực hơn vào các tháng cuối năm, khi mức tồn kho đông lạnh tại thị trường này giảm.

Ðáng lưu tâm hơn cả là tình cảnh thua lỗ của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) và Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG).

AGF báo lỗ 120 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019. HVG công bố trong quý III/2019 lỗ 129 tỷ đồng, nâng mức lỗ trong 3 quý gần nhất lên hơn 257 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến thời điểm 30/9/2019 lên 650 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top