Aa

Doanh nghiệp vô tư “làm xiếc”, công viên thành tụ điểm ăn chơi

Thứ Hai, 15/10/2018 - 02:00

Hàng chục héc-ta đất "vàng" nằm trong quy hoạch dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông đã và đang bị Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông xẻ nhỏ cho thuê một cách thiếu kiểm soát. Một loạt kho bãi, ki- ốt, nhà hàng kiên cố, thậm chí cả sân golf hiện đại vô tư mọc lên trên đất công viên, đi ngược với chỉ đạo của UBND thành phố. Đáng nói, đã hơn một năm trôi qua kể từ khi quận Hà Đông có chỉ đạo xử lý sai phạm nhưng hiện tại “con voi” vẫn đang “chui lọt lỗ kim”, chưa có dấu hiệu của việc tháo dỡ, thu hồi.

“Xẻ thịt” đất công vô tội vạ

Dự án công viên, thể thao cây xanh có tổng diện tích lên tới 52,8ha thuộc xã Kiến Hưng và phường Hà Cầu, quận Hà Đông, được UBND TP. Hà Nội giao cho quận Hà Động triển khai xây dựng từ năm 2008. Hơn chục năm về trước, dự án này được coi là điểm nhấn của đô thị Hà Đông với hy vọng có một không gian vui chơi, hoạt động thể thao rộng lớn phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, dự án này vẫn chưa được triển khai do nhiều nguyên nhân, dù đã được giải phóng 50% mặt bằng.

Để tránh bị lấn chiếm, bỏ hoang, năm 2015, UBND quận Hà Đông đã có văn bản đề nghị khai thác tạm trên đất dự án. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 3461/UBND-KH&ĐT chấp thuận cho phép UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng khai thác tạm, toàn bộ diện tích đã giải phóng mặt bằng thuộc khu đất được quy hoạch xây dựng công viên, thể thao cây xanh quận Hà Đông trên nguyên tắc phải đảm bảo mục đích phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao; chỉ được phép xây dựng công trình tạm bằng các vật liệu tạm, khấu hao nhanh (sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh…); không được phép xây dựng công trình kiên cố, công trình cấp 4, 1 tầng, không khai thác dịch vụ kinh doanh… để khi Nhà nước có phương án tiếp tục triển khai dự án Công viên cây xanh, thể thao Hà Đông, các đơn vị sẽ nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho thành phố một cách thuận lợi.

Quyết định 3161 của UBND TP.Hà Nội.

Quyết định 3461 của UBND TP.Hà Nội.

Cỏ mọc um tùm bên cạnh

Cỏ mọc um tùm che lấp biển tên của khu khai thác tạm dịch vụ thể thao, cây xanh Hà Đông.

Nguyên tắc, quy định là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, việc khai thác tạm diện tích công viên thể thao này đang được thực hiện không đúng mục đích, khai thác một cách tràn lan, thiếu kiểm soát. Chỉ được phép khai thác tạm bằng việc sử dụng vật liệu khấu hao nhưng hiện tại hầu hết các công trình đãmọc lên tại đây đều rất kiên cố, chỉn chu và được đầu tư kỹ càng.

Tại lối vào cổng chính, 2 trạm barie và hai gò cao đề tên “Khu dịch vụ - thể thao - cây xanh Hà Đông”, không quên bổ sung dòng chữ “khai thác tạm”. Tuy nhiên, tiến vào sâu bên trong khu đất rộng hơn 50ha này, hàng trăm công trình kiên cố như sân tập Golf, nhà hàng, chợ tạm, kho xưởng mọc lên san sát nhau cùng với đó là hàng chục ki-ốt đã được phân sẵn lô nền nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, thu lợi.

c

Quảng cáo sân golf và nhà hàng ngay tại lối vào.

Việc xây dựng các công trình phục vụ mục đích kinh doanh một cách thiếu kiểm soát đã khiến cho khu đất vốn được quy hoạch xây dựng công viên này đang dần trở thành một tụ điểm ăn uống, giao thương bát nháo.

Những hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường:

Trung tâm giao thương 365

Trung tâm giao thương 365 mọc lên với hàng chục ki-ốt cho thuê, hoạt động tấp nập về đêm.

Các ki-ốt kinh doanh dịch vụ ăn uống nhếch nhác, lộn xộn.

v

Thậm chó có nhà hàngđược xây dựng kiên cố giữa mảnh đất hoang dại.

v

Một góc sân golf được đầu tư hiện đại, kiên cố.

 c

c
c

Hầu hết các công trình nhà hàng đều được xây dựng rất kiên cố, chắc chắn.

c

Một phần diện tích đang bị hoang hóa.

Vì sao khó xử lý sai phạm?

Mặc dù UBND quận Hà Đông đã kiểm tra và chỉ rõ những sai phạm của các doanh nghiệp thuê đất như: Tự ý chuyển dịch mốc giới giữa phần đất đã thu hồi và phần đất nông nghiệp chưa thu hồi, xây dựng sai mật độ, vượt chiều cao cho phép, sử dụng sai mục đích khu đất đã được phê duyệt. Ngày 7/4/2017 UBND quận Hà Đông cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp này 90 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ công trình kiên cố, 12 đơn vị đã nộp phạt 1,17 tỷ đồng vào ngân sách.Thế nhưng, cho đến nay, phần diện tích sai phạm vẫn không hề được khắc phục mà còn phát triển rầm rộ hơn.

Theo các chuyên gia, việc thành phố cho phép quận Hà Đông tạm thời ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê khai thác dịch vụ thể thao trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng thuộc khu quy hoạch Công viên thể thao cây xanh, trong thời gian chờ xây dựng nhằm chống tái lấn chiếm là phù hợp. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết khu công viên chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì UBND quận Hà Đông và Chi nhánh Phát triển quỹ đất Hà Đông đã chấp thuận cho các doanh nghiệp bỏ hàng chục tỷ đồng ra làm đường sá, hạ tầng, cùng với đó là sự buông lỏng trong công tác quản lý giám sát. Dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp cứ vô tư phớt lờ các quy định của chính quyền, đầu tư hạ tầng kiên cố nhằm mục đích thu lợi lâu dài vì “chiếc bánh lợi ích” trong việc sử dụng đất công tại khu vực này là quá lớn.

Theo thông tin từ ông Đinh Công Đạt, Giám đốc chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông từng công bố, đơn giá cho thuê đất tại khu công viên Hà Đông được tính bằng giá thuê đất nông nghiệp khoảng 5.000 đồng/m2/năm. Mỗi năm, chi nhánh thu về cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 tỷ đồng từ việc cho thuê 30ha đất tại khu công viên Hà Đông trong khi con số thực tế lẽ ra phải lớn hơn hàng chục lần. Theo tìm hiểu của phóng viên, để thuê được một mảnh đất rộng phục vụ cho việc kinh doanh một nhà hàng, doanh nghiệp đã phải bỏ ra nhiều tỷ đồng. Như vậy số tiền chênh lệch giữa mức giá 5.000 đồng cho thuê và mức giá thật mà các doanh nghiệp phải chi trả sẽ đi đâu? Về vấn đề này, ông Đạt cho rằng, trung tâm chỉ kiểm soát các doanh nghiệp trực tiếp thuê, còn việc các doanh nghiệp này cho thuê lại giá bao nhiêu thì không thể kiểm soát được.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp sau khi thuê mặt bằng đã tiếp tục xé lẻ cho nhiều đơn vị kinh doanh khác thuê lại để làm kiot bán hàng, kho chứa hàng, gara sửa xe ô tô,… Và khi chủ những kiot ở đây ngừng kinh doanh, họ tiếp tục cho thuê lại kiot với mức giá đã được đẩy lên cao hơn giá cũ.

Trong vai người đang muốn tìm thuê một kiot để kinh doanh đồ ăn, phóng viên được giới thiệu với chủ kiot đang cần cho thuê lại. Người đàn ông này dẫn phóng viên đi xem vị trí của kiot, theo đó một kiot có vị trí 3 mặt tiền có giá thuê là 8 triệu đồng/tháng, kiot nhỏ hơn có vị trí 1 mặt tiền thì giá thuê là 6 triệu đồng/tháng. Nếu thuê lâu dài thì mức giá sẽ được thương lượng xuống so với thuê ngắn hạn.

c

Ki-ốt cho thuê với giá từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Một nhân viên nhà hàng đối diện ki-ốt cho biết, kinh doanh ở đây không dễ, phải hết sức cẩn thận. Bởi năm ngoái, chính nhà hàng mà bà từng làm đã bị phá sản và thua lỗ tới 17 tỷ đồng vì đầu tư cơ sở vật chất quá nhiều mà hầu như không có khách đến ăn. Lợi nhuận chưa thấy đâu mà thiệt hại lại quá lớn. Đây có lẽ là một bài học đắt giá cho sự thiếu tính toán của các doanh nghiệp khi liều lĩnh kinh doanh trên đất tạm.

Tuy nhiên, không biết bằng cách nào mà cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn tương đối nhiều nhà hàng ngang nhiên hoạt động bất chấp quy định. Tình trạng "thuê đi thuê lại"ở đây vẫn diễn ra khá rầm rộ trước sự làm ngơ của các cơ quan quản lý. Bỏ ra vài chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng những nhà hàng, sân golf kiên cố thì rõ ràng người đầu tiên không mong muốn dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông đi vào hoạt động chính là các doanh nghiệp.

Người dân đang mòn mỏi chờ đợi khu đất “vàng” quy hoạch công viên thể thao sớm thành hình nhưng có lẽ nhìn vào thực tại, những gì đang diễn ra trên khu đất này đang khiến cho việc đưa dự án vào thực tế vốn đã khó lại càng khó hơn!

Trước thực trạng này, dư luận đặt ra câu hỏi chính quyền đang ở đâu trong khi những sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Tại sao mọi xử lý, cưỡng chế dường như chỉ nằm trên giấy. Và đâu là lời giải cho những nghịch lý “rõ như ban ngày” này?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top