Aa

Dọn dẹp vỉa hè: Sợ nhất là tư duy “Dễ làm khó bỏ”!

Thứ Sáu, 31/03/2017 - 13:12

Còn trong cuộc chiến vỉa hè này, có những góc khuất mà ít người để ý. Đó là mong mỏi được trả lại vỉa hè thông thoáng của những người dân có nhà ở cạnh vỉa hè, nhưng bị đối tượng khác từ đâu kéo đến lấn chiếm, án ngữ.

Việc cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tục tổ chức các đợt ra quân, giành lại vỉa hè cho người đi bộ cho đến giờ vẫn đang là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Khác với những luồng tin đa chiều về các hành động “đập hết, cẩu hết, phạt hết” của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), có vẻ, những đợt ra quân của cơ quan chức năng tại Hà Nội bớt ồn ào, ít gây dư luận trái chiều hơn.

Tuy nhiên, có một điểm chung là, dù ồn ào hay lặng lẽ, thì việc các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc nhằm chấn chỉnh, dọn dẹp lại vỉa hè vẫn vấp phải những phản ứng nhất định từ dư luận. Người phản ứng chủ yếu là đối tượng bị thiệt hại trực tiếp từ các “cuộc chiến” vỉa hè, ngoài ra là số ít cơ quan truyền thông, một số thành phần ủng hộ họ. Đó là những điều dễ nhìn thấy.

Còn trong cuộc chiến vỉa hè này, có những góc khuất mà ít người để ý. Đó là mong mỏi được trả lại vỉa hè thông thoáng của những người dân có nhà ở cạnh vỉa hè, nhưng bị đối tượng khác từ đâu kéo đến lấn chiếm, án ngữ. Và, chủ nhân của những ngôi nhà ấy hàng ngày trực tiếp bị ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sức khỏe. Vấn đề là, cái chỗ lẽ ra mà phải được ưu tiên dọn dẹp ấy nhiều khi người ta lại vì lý do gì đó mà…chẳng cần để ý hoặc rất ngại…ra tay!

Trường hợp của Thiếu tướng Phạm Ngọc Nghinh (nguyên Phó giám đốc Học viện Quốc phòng), hiện đang trú tại số nhà 26, ngõ 119, phố Hồ Đắc Di (phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ. Theo các giấy tờ chủ nhà cung cấp, năm 1984, gia đình ông Phạm Ngọc Nghinh được Tổng cục Chính trị (TCCT) cấp cho căn nhà cấp 4, diện tích 27m2 tại khu tập thể Nam Đồng.

Quá trình sử dụng, nhận thấy diện tích căn nhà khá chật, chưa đủ diện tích cấp, trong khi đó phía liền kề còn vũng đất trống, hố sâu chưa cải tạo, ông có đơn gửi TCCT xin cơi nới ra tới hè đường khu tập thể, không ảnh hưởng tới công trình công cộng và các nhà bên cạnh. Đề nghị của ông đã được cơ quan có thẩm quyền lúc đó là Cục trưởng Cục Hậu cần - TCCT phê duyệt và xác nhận. Sau đó, ngày 15/12/1985, Thủ trưởng TCCT đã ra văn bản xác nhận nội dung xin cơi nới của ông Nghinh. Trong đó, phần cơi nới được duyệt có sân và cửa mở ra phía đường chính, (hiện là ngõ 119, phố Hồ Đắc Di).

Nhà ông Nghinh

Nhà ông Phạm Ngọc Nghinh

Do không có điều kiện kinh tế nên năm 1988, gia đình ông Nghinh chỉ xây tường bao quanh khu đất này. Trong thời gian ông Nghinh đi công tác, vợ ông ở nhà đã cho 2 hộ gia đình hàng xóm mượn phần diện tích tiếp giáp với vỉa hè để buôn bán, và thỏa thuận miệng rằng khi nào gia đình ông Nghinh xây dựng phần cơi nới sẽ trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, năm 1991, khi gia đình ông đòi lại phần diện tích cho mượn để xây nhà thì các hộ xin ngồi nhờ đã không trả lại. Không những vậy, những năm gần đây, các hộ còn tự ý dựng khung ngay sát tường cửa nhà ông Nghinh rồi bắn tấm che chìa ra vỉa hè để làm ki-ốt kinh doanh cố định.

Bất bình trước hành vi sai trái của hàng xóm, gia đình ông Nghinh đã nhiều lần khiếu nại, kiến nghị, viết đơn thư lên cơ quan chức năng địa phương nhưng tất cả vẫn rơi vào im lặng. Mặc dù đã có sự gặp gỡ, phân xử của Tổ dân phố, rồi sau đó có thông báo giải tỏa lều quán lấn chiếm vỉa hè của Phòng quản lý nhà đất 1 (quận Đống Đa) năm 1991, nhưng, không hiểu vì lý do gì, 2 ki-ốt trước cửa nhà ông Nghinh vẫn… trơ gan cùng tuế nguyệt. Tính đến nay, đã 26 năm kể từ khi gửi những kiến nghị đầu tiên, ông Nghinh vẫn chỉ nhận được sự giải quyết nửa vời của chính quyền địa phương.

Từ đó đến nay, ông vẫn phải uất ức nhìn các đối tượng mà mình từng thương họ, cho mượn vị trí trước cửa nhà để kinh doanh đang nhởn nhơ, coi thường pháp luật. Bất cứ ai khi đi qua đó đều thấy lạ lùng khi đập vào mắt là 2 gian ki-ốt nằm chình ình, án ngữ ngay trước cửa, chắn nửa mặt tiền căn nhà của ông Nghinh. Gia đình ông muốn mở cửa ra vào theo hướng này cũng đành bất lực. Đã vậy, ông càng bức xúc hơn khi nắm được thông tin, 1 trong 2 hộ lấn chiếm vỉa hè trước cửa nhà ông khi không buôn bán nữa đã ngang nhiên cho người khác thuê lại kiếm tiền. Và định kỳ, các hộ kinh doanh trái phép trên vỉa hè này vẫn đều đặn đóng phí cho cơ quan chức năng địa phương?!?.

Hai ki-ốt bán hàng mượn đất của ông Nghinh.

Tìm gặp Chủ tịch UBND Phường Nam Đồng đúng dịp Quận Đống Đa đang tổ chức các đoàn công tác dọn dẹp, chấn chỉnh vỉa hè, tại phòng làm việc, ông Ngô Tiến Ngọc phân trần: Sự việc 2 hộ kinh doanh trên vỉa hè trước cửa nhà ông Nghinh là có thật. Chúng tôi cũng đã nắm được sự việc trên, nhưng, do vấn đề lịch sử để lại nên bây giờ muốn động vào khó lắm.

Trong cuộc trò chuyện, ông Ngọc lấy lý do mới lên chức, mà vụ việc xảy ra đến nay đã qua nhiều đời chủ tịch rồi mà không ai xử lý quyết liệt. Đến giờ, tự nhiên ông mới lên lại làm quyết liệt thì không ổn. Ngoài ra, ông còn sợ, nếu “đụng” vào 2 hộ kia, còn các hộ khác phải xử lý thế nào? Và cách cuối cùng của ông là chờ sự chỉ đạo của cấp trên và sự vào cuộc của Ban quản lý dự án khu tập thể Nam Đồng (đơn vị của Quân đội được giao quản lý khu tập thể).

Kể câu chuyện trên để thấy, vấn đề giải tỏa vỉa hè, chấn chỉnh lại trật tự đô thị không phải việc đơn giản. Cũng không dễ để nói hoàn toàn ủng hộ hay phản đối. Bởi, cùng là một hành động dọn dẹp, đập phá, có những chỗ là hợp lý, cấp thiết, có chỗ lại cần sự mềm dẻo, hài hòa.

Tuy nhiên, theo tôi, nếu không có sự khách quan, quyết tâm, làm việc bằng động cơ trong sáng, có tình có lý thì công cuộc chấn chỉnh vỉa hè của cơ quan chức năng các thành phố chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Nó khó tạo được sự đồng thuận, thuyết phục của đông đảo dư luận. Làm sao người ta có thể ủng hộ được khi có những nơi, mặc dù không cần thiết, nhưng cơ quan chức năng vẫn hùng hổ đập phá, dọn dẹp.

Trong khi đó, ở cách đó không xa, có một vị tướng bị người khác lập ki-ôt ngay trước cửa nhà mình, khiến muốn mở cửa ra đường cũng không được, vậy mà 26 năm đi đề nghị khắp nơi, cái vi phạm hết sức chướng tai gai mắt kia vẫn không bị xử lý. Cứ tư duy kiểu “dễ làm khó bỏ” thế, làm sao có được sự công bằng, khách quan, sao tạo được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong “cuộc chiến” vỉa hè vốn đầy cam go và dai dẳng này?!?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top