Aa

Dự án IDICO Tân Phú: Kiếm lợi hàng tỷ đồng từ phí dịch vụ ngoài hợp đồng?

Thứ Bảy, 19/08/2017 - 06:01

Trước đó, Reatimes đã đưa tin về việc “phí đen”, cũng như trách nhiệm giữa Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – TNHH MTV (IDICO) và Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HASR) trong việc thu phí dịch vụ ngoài hợp đồng. Mới đây, hàng chục cư dân dự án IDICO Tân Phú tiếp tục gửi đơn khiếu nại về những bức xúc đối với HASR.

Như đã phản ánh, anh Nguyễn Hùng Trương ký hợp đồng mua căn hộ dự án IDICO Tân Phú chính thức với IDICO. Sau khi đóng 95% giá trị căn hộ, anh Trương được chủ đầu tư yêu cầu đóng 2% phí bảo trì.

Anh Trương cho rằng, số tiền này đã đóng cho HASR, địa chỉ tại 382 – 384 Cao Thắng, phường 12, quận 10, TP.HCM. Thế nhưng, chủ đầu tư không chấp nhận và yêu cầu anh đóng 2% phí bảo trì này theo quy định.

Dự án IDICO Tân Phú.

Dự án IDICO Tân Phú.

Theo tìm hiểu, thực tế ngoài trường hợp của anh Nguyễn Hùng Trương còn có rất nhiều khách hàng khác bị HASR thu phí dịch vụ ngoài hợp đồng. Số tiền mà các cư dân phải đóng cho HASR lên đến hàng tỷ đồng. Số tiền mà HASR thu phí dịch vụ tùy theo từng căn hộ nhưng thấp nhất là gần 20 triệu đồng. Chính vì thế, gần 100 cư dân đã gửi đơn thư khiếu nại lên Sở Xây dựng TP.HCM.

Trao đổi với chúng tôi, chị N., cư dân tại đây, cho biết: “Phí dịch vụ phía HASR thu từ cư dân có nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, số tiền mà cư dân phải đóng cho Công ty này lên đến gần 3 tỷ đồng, chưa kể hiện nhiều cư dân chưa kịp phản ánh. Điều mà cư dân chúng tôi thắc mắc là tiền của chúng tôi đã đi về đâu?".

Anh L., cư dân tại đây kể lại, ngày 20/07/2015, sau khi chọn được căn hộ tại dự án này, phía HASR yêu cầu anh ký thêm một biên bản thỏa thuận dự án IDICO Tân Phú về việc thanh toán phí dịch vụ. Trong biên bản này, anh L. phải đóng thêm 22 triệu đồng phí dịch vụ cho HASR.

"Điều làm tôi thắc mắc nhất chính là việc, công ty môi giới thu phí dịch vụ căn hộ khi đã ký hợp đồng bán dự án với chủ đầu tư như vậy có được phép không? Trên thực tế, khi ký bán dự án cho chủ đầu tư thì phía chủ đầu tư phải trả phí dịch vụ này rồi tại sao cư dân chúng tôi phải “gánh” thêm khoản phí này? Việc thu phí dịch vụ này có đúng pháp luật hay không?" anh L., thắc mắc.

Trong Luật Kinh doanh BĐS, tại Khoản 3, Điều 62 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS”.

Trong khi đó, đối với trường hợp cụ thể của anh L., phía HASR ký thu phí trực tiếp của căn hộ này liệu có sai phạm theo Luật Kinh doanh BĐS?

Ngoài trường hợp của anh Nguyễn Hùng Trương bị thu phí dịch vụ không hề được ký kết một hợp đồng mua bán nào khác; hay như trường hợp của anh L. trả phí dịch vụ trực tiếp cho HASR, cư dân còn phản ánh có những trường hợp cư dân ký mua căn hộ thông qua một người khác.

Trao đổi vấn đề này, chị N., một cư dân cho biết, việc HASR thu phí dịch vụ của cư dân nhưng lại có những trường hợp khác nhau như vậy là điều khó hiểu?!

Nếu như phía HASR trao đổi với anh Trương thì phí này là phí chuyển nhượng căn hộ. Vây những biên bản mà HASR ký thu phí trực tiếp với cư dân thì như thế nào? Đây không thể là trường hợp bán chênh lệch căn hộ như Công ty đã nói?

Chính vì thế, nhiều cư dân tỏ ra khá bức xúc trước việc HASR thu phí dịch vụ ngoài hợp đồng nhưng lại không phân tích cụ thể cho dân hiểu khiến cư dân mất tiền oan.

Chúng tôi đã liên hệ với phía HASR để làm rõ những thông tin trên. Tuy nhiên, trả lời qua điện thoại, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc HASR cho biết: "Hiện tôi đang đi công tác nước ngoài và việc này liên quan đến chủ đầu tư, để chủ đầu tư giải quyết vì việc này chủ đầu tư cũng biết rõ”.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top