Aa

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống - Dự án vì quốc kế, dân sinh đầy "vụng trộm"

Thứ Tư, 25/09/2019 - 10:38

Một dự án góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân nhưng không hiểu vì lý do gì, đơn vị góp vốn đầu tư lại ẩn mình trong bóng tối, không muốn ai biết tên, rõ mặt?

Vừa đá bóng, vừa thổi còi…

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã khánh thành giai đoạn I. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng của Hà Nội nhằm xây dựng một hệ thống cấp nước liên vùng, liên tỉnh mang tính ổn định, bền vững lâu dài cho thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; Góp phần quản lý, khai thác bền vững, ổn định và bảo vệ nguồn tài nguyên nước; Góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân thành phố Hà Nội, các tỉnh lân cận…

Công ty quản lý quỹ của Ngân hàng Vietinbank nắm 58% vốn điều lệ của Nhà máy nước mặt sông Đuống

Nhà máy này do công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn tự có là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, công ty quản lý quỹ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) nắm 58% vốn điều lệ của công ty, tương ứng với hơn 500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự án này đã có hai hợp đồng vay của ngân hàng Vietinbank với số tiền lên tới 4.000 tỷ đồng và hiện tại đã giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi, đây đều là hợp đồng vay ngoại tệ.

Theo lý giải của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng: "Hợp đồng vay ngoại tệ là hợp đồng dành cho những đơn vị xuất nhập khẩu hoặc có giao dịch với nước ngoài. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay này cũng có thể là nguồn vốn vay ODA và được thông qua Chính phủ chấp thuận".

Vậy có hay chăng Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đang sử dụng nguồn vốn vay ODA? Bên cạnh đó, về nguyên tắc, ngân hàng không được cho vay dự án mà mình làm chủ đầu tư, liệu Ngân hàng Vietinbank có đang vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Ngoài ra, trên thực tế, không thể có chuyện, một ngân hàng hàng đầu quốc gia như Vietinbank có thể "vụng trộm" được, nên đây chỉ có thể giải thích là hợp đồng ủy thác đầu tư. Ủy thác đầu tư là ủy thác như thế nào, trong khi lại liên quan tới AquaOne? Các câu hỏi đặt ra, “Ai là người ủy thác” và “Tại sao một dự án vì án vì nước vì dân, quốc tế dân sinh mà lại phải “vụng trộm” đầu tư?

Đây là câu hỏi giày vò chúng tôi trong quá trình đi tìm sự thật trên.

Dự án nước mặt sông Đuống xây dựng đắt đỏ hơn cả những nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt trên thế giới có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay

Sự tử tế... "vụng trộm"

Một trường hợp đối chứng mà bạn đọc có thể tìm hiểu và xem ngay là dự án ODA của Hà Nội, ví dụ như dự án đường sắt trên cao Cát Linh đã chậm 10 năm nay. Thời sự nhất là dự án BRT, theo đó Hà Nội đã vay 1.000 tỷ để đầu tư 35 xe BRT cùng hệ thống để chạy tuyến đường này. Trong đó có 2 công ty trúng thầu cung cấp đoàn xe 35 chiếc với giá trị hơn 176 tỷ đồng (tương đương với 7,9 triệu USD).

Nhưng theo chúng tôi được biết, xe được mua với giá 5,3 tỷ/chiếc xe và 500 triệu tiền cửa mở tự động thành 5,8 tỷ đồng/chiếc xe, giá ngay tới thời điểm này cũng là quá cao.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong ba năm 2014, 2015, 2016, loại động cơ D6CA và D6CA38 của hãng Hyundai nhập về Việt Nam có giá từ hơn 13.400 đến 16.200 USD/chiếc, tương đương trên 360 triệu đồng/chiếc, tùy chất lượng cũ mới. Loại động cơ này thường lắp cho xe đầu kéo, xe khách hoặc xe giường 47 chỗ cao cấp. Riêng động cơ Hino J08E-UL - loại 2 công ty trúng thầu khẳng định có tiêu chuẩn khí thải Euro 3 để lắp cho xe buýt nhanh BRT - có giá 14.000 USD/chiếc tức tương đương khoảng trên 310 triệu đồng/chiếc.

Trong khi động cơ thường chiếm 25 – 30% tổng giá trị mỗi chiếc xe. Hệ thống hộp số, cụm truyền động, hệ thống khung gầm, hệ thống treo… chiếm thêm khoảng 25 – 30% giá trị mỗi chiếc xe.

Giám đốc một doanh nghiệp xe khách nhận xét, ngay với "cấu hình khác biệt" này, giá thành của buýt nhanh BRT rất khó để vượt qua mức 2 tỷ đồng/xe. Nhưng oái ăm là, sự "khác biệt" không hề đắt tiền ấy, lại đang được đơn vị trúng thầu xem như một trong những dấu hiệu đẩy giá bán chiếc xe ở mức… trên trời.

Cho đến thời điểm, đơn vị trúng thầu mua xe buýt BRT vẫn không thể lý giải được số tiền hơn 40 tỷ đồng “bị thất thoát” được chi cho việc gì. Và chắc chắn điều này không lợi cho người trả nợ mà người trả nợ ở đây, không ai khác, là người dân và Chính phủ Việt Nam.

Điều đó cho thấy cuối cùng ODA đắt đỏ như thế nào ở Việt Nam. 

Hiện nay, trên thế giới có các công nghệ mới trong lĩnh vực lọc nước như: Công nghệ nano, công nghệ màng lọc hóa học, công nghệ khử muối trong nước biển. Trong đó, công nghệ khử muối trong nước biển là công nghệ tốn kém nhất, đồng thời tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay, do sử dụng phương pháp thẩm thấu ngược. Trước đây, nó là công nghệ quân sự nhưng giờ cũng đã đại chúng hóa.

Tại Mỹ, nhà máy khử muối trên vịnh Tampa, bang Florida là nhà máy khử muối biển lớn nhất nước này, được xây dựng từ năm 2007 và vận hành năm 2008, tổng mức đầu tư 154 triệu USD. Nhà máy có thể cung cấp tới 108.000m3/ngày, phục vụ nhu cầu hơn 2,5 triệu dân.

Còn tại miền Tây Israel, khu vực giáp biển Địa Trung Hải, nhà máy khử mặn Sorek do Tập đoàn IDE Technologies xây dựng với chi phí khoảng 390 triệu USD và đi vào vận hành vào năm 2013. Quần thể nhà máy rộng 10ha, nằm ở Sorek, cung cấp 624.000m3/ngày. Nhà máy khử mặn này được coi là lớn nhất trên thế giới, cung cấp 20% nước sinh hoạt cho Israel.

Nếu chúng ta làm một phép tính đơn giản sẽ thấy 390 triệu USD trương đương 8.580 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại, tức là đắt gấp rưỡi so với Nhà máy nước mặt sông Đuống, nhưng công nghệ hiện đại hơn và có công suất gấp đôi. Trong khi, Nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng nước mặt, công nghệ đơn giản hơn hẳn.

Trong khi dây chuyền công nghệ xử lý của nhà máy này chỉ đơn giản theo quy trình như sau: Mương dẫn + Hố thu và trạm bơm > Hồ sơ lắng + trạm bơm > Bể phân khối lưu lượng > Khối bể trộn, phản ứng, lắng ngang > Khối bể lọc nhanh> Khử trùng > Bể chứ nước sạch > Trạm bơm > Cấp ra mạng truyền tải.

Vậy một câu hỏi được đặt ra, tại sao công nghệ làm nước sạch không phải là một công nghệ phức tạp như những ngành nghề khác mà lại khiến Nhà máy nước mặt sông Đuống phải sử dụng số tiền khủng như vậy mới hoàn thành, chưa kể còn phải bù lỗ giá bán nước cho người dân?


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top