Aa

Đừng cực đoan!

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Năm, 21/09/2017 - 06:00

Bàn về câu hỏi "Có nên hay không xây cáp treo ở vùng di sản?", nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự nghiên cứu kỹ và đưa ra các giải pháp trung dung nhằm đạt được mục tiêu không kìm hãm di sản nhưng cũng không để xảy ra tình trạng di sản bị "phá nát".

Những tài liệu đầu tiên ghi nhận về sự ra đời của cáp treo bắt đầu từ năm 250 trước công nguyên. Từ những ngày sơ khai đó, con người đã biết sử dụng dây thừng để vận chuyển người và hàng hóa, khoáng chất và quặng.

Tuy nhiên phải đến những năm 1800, hệ thống “ròng rọc” này mới chính thức được hiện đại hóa bằng phát minh sử dụng cáp thép và bộ kẹp có thể tháo rời. Trong khoảng thời gian này, cáp được sử dụng chủ yếu cho các mục đích công nghiệp.

Hệ thống cáp đầu tiên được điều chỉnh để vận chuyển con người dưới dạng "xe cáp" là tại thành phố San Fransico và Chicago. Sau đó không lâu, người ta đã sử dụng điện để vận hành cáp treo. Và đến khoảng những năm 1930 - 1940, cáp treo lần đầu tiên được sử dụng phục vụ cho các hoạt động giải trí, du lịch của con người và sau đó được tiếp tục phát triển cho đến vài thập kỷ gần đây.

Tính đến hiện tại, cáp treo là một trong những công nghệ vận chuyển năng động, hiện đại và nhanh nhất trên thế giới. Đây là một công nghệ đã được chứng mình rằng nó hoàn toàn sạch sẽ và khả thi về mặt kinh tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày nay, có khoảng 20.000 hệ thống đường dây cáp đang hoạt động trên khắp thế giới. Các hệ thống này vẫn hoạt động an toàn trong những môi trường khắc nghiệt nhất trái đất và vận chuyển hàng triệu hành khách mỗi ngày.

Dù cáp treo không phải là điều đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến khi nhắc đến một phương tiện vận chuyển công cộng, nhưng chúng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Trên thế giới, đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về công nghệ này và nêu rõ những điểm ưu việt của cáp treo trong vận chuyển hành khách. Đặc biệt là tại các khu vực danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…

Cuốn sách “Cable Car Confidential” được xuất bản lần đầu tiên năm 2013 đã phân tích, nguyên nhân khiến cáp treo trở thành một trong những lựa chọn tối ưu nhất để vận chuyển hành khách trong các vùng du lịch là bởi, hệ thống cáp treo có các cabin vận chuyển có thể vượt qua nhiều loại địa hình khác nhau và các hình thái thời tiết khắc nghiệt. 

Cáp treo cũng gây ra ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn ở mức tối thiểu vì chúng hoạt động không có động cơ trên boong. Hoạt động của hệ thống này rất yên tĩnh và tiếng ồn thường chỉ phát ra từ các ga dừng và các “trạm” tháp đầu cuối của hệ thống.

Kỹ thuật giảm nhẹ âm thanh có thể làm giảm tiếng ồn đến từ các trạm ga, để giảm thiểu tác động của hệ thống này đến môi trường xung quanh.

Chính vì vậy cáp treo được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn xây dựng tại các công viên quốc gia, rừng quốc gia, các thắng cảnh văn hóa... để vận chuyện khách du lịch, đáp ứng nhu cầu cực lớn của du khách trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, câu chuyện xây dựng cáp treo tại các vùng di sản thiên nhiên, di tích lịch sử đã nhiều lần được mang ra bàn luận và thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Nếu nhiều người cho rằng việc xây dựng cáp treo, thu hút du khách sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch địa phương; thì cũng có không ít người cho rằng các dự án cáp treo có thể phá hủy các di tích, di sản.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng) cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều danh lam thắng cảnh từ tự nhiên đến văn hóa. Đó là những niềm tự hào của Việt Nam trước thế giới, thể hiện rằng chúng ta không hề thua kém bất cứ quốc gia nào về các điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho rằng, nếu cứ giữ mãi những niềm tự hào ấy mà không để mọi người đến gần nó thì không phải là điều tốt. Đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ về du lịch như hiện nay, nhu cầu của du khách cả trong và ngoài nước là cực lớn. Trong khi, để đến với các danh thắng của chúng ta du khách còn gặp phải nhiều khó khăn về hạ tầng và phương cách di chuyển. Vì vậy ông Điệp ủng hộ việc xây dựng cáp treo để vận chuyển khách du lịch đến gần hơn với các di sản thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử…

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực CLB BĐS Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực CLB BĐS Hà Nội.

“Xu thế chung là những điểm tham quan du lịch càng hiểm trở, càng khó khăn thì nhu cầu đến càng cao. Rõ ràng để đáp ứng những nhu cầu này, chúng ta cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất phù hợp với điều kiện hiện tại của điểm du lịch nhưng cũng không cản trở việc tăng trưởng của kinh tế. Đây là vấn đề cần quan điểm rõ ràng. Không thể vì là di sản thì chúng ta bỏ qua những điều kiện để đưa nhiều người đến với di sản, không làm gì cả. Đây là một quan điểm rất sai lầm”, ông Nguyễn Thế Điệp khẳng định.

“Ví dụ như Sơn Đòong, rõ ràng có rất nhiều người có nguyện vọng đến thăm nơi này, cả trong nước và ngoài nước. Trong khi đó, các nhà đầu tư, phát triển dự án của chúng ta hiện nay đã chứng minh được năng lực của mình qua nhiều dự án. Tôi tin rằng họ có thể xây dựng được những đường cáp ghi được kỷ lục về độ cao, chiều dài… vì vậy việc có thể làm tốt là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Vậy tại sao chúng ta không có chủ trương định hướng rõ ràng để các nhà đầu tư nghiên cứu và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng vừa bảo tồn được những gì cần bảo tồn.

Tôi cho rằng đó mới là cái chúng ta cần làm, không thể vì sợ động chạm nên lùi bước. Ta cần học tập những nước đã đi trước trên thế giới, làm thế nào để chắt lọc tinh hoa của họ và tránh xa những sai lầm để đạt được cả 2 mục tiêu”, ông Điệp nói thêm.

Cũng nêu quan điểm của mình về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng không nên rơi vào trạng thái cực đoan trong câu chuyện phát triển các vùng di sản. GS chia sẻ: “Chúng ta hay rơi vào trạng thái cực đoan, hoặc là bảo tồn thì giữ cho rất kỹ, hoặc là phát triển thì phá hết cái cũ đi để phát triển tùm lum. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta không nên rơi vào trạng thái cực đoan, phải cân nhắc và đưa ra những giải pháp trung dung, có bảo tồn, có phát triển. Vấn đề là phải trả lời được câu hỏi: ‘Bảo tồn cái gì? và Phát triển ở đâu?’. Quan trọng là cách thức tiếp cận thế nào cho trung dung”.

GS. Đặng Hùng Võ

GS. Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường

“Việc xây dựng cáp treo cũng tương tự, cần nghiên cứu thật kỹ. Những khu vực nào đã phát triển theo hướng hiện đại, thì có thể xây dựng cáp treo phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Bởi không phủ nhận khả năng giúp kích thích tăng trưởng du lịch của cáp treo. Nhưng những nơi nào vẫn còn đậm nét hoang sơ và thu hút được du khách bằng nét hoang sơ ấy thì chúng ta không nên động chạm quá nhiều yếu tố kỹ thuật hiện đại, tránh làm mất vẻ hoang sơ vốn có của danh thắng”, ông Võ khẳng định. 

Như vậy, việc trả lời câu hỏi "Có nên không việc xây dựng cáp treo ở những vùng di sản"" không hề dễ dàng. Đây sẽ vẫn là một đề tài  thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều luồng ý kiến. Tuy nhiên, dù là ý kiến nào thì cũng vì một mục tiêu chung là đưa ra giải pháp tối ưu để kích thích tăng trưởng du lịch nói riêng, kinh tế nói chung của các địa phương và cả nước. Vì vậy cần sự nghiên cứu lâu dài và một chiến lược thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Giống như lời GS. Đặng Hùng Võ đã nói: "Nhà nước sẽ là người dẫn đường phát triển, giao quyền đầu tư cho tư nhân. Tư nhân đầu tư theo đề bài của Nhà nước, Nhà nước sẽ có sự quản lý, giám sát chặt chẽ để đạt được mục tiêu cân đối giữa việc bảo tồn và phát triển một vùng di sản". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top