Aa

Đừng đẩy người dân đến chân tường

Thứ Tư, 20/03/2019 - 06:00

Dù đã rất muộn, nhưng Hà Nội vẫn còn cơ hội để làm những việc cần thiết để tránh kết cục cứ ra khỏi ngõ nhà mình là tắc. Đó là những việc rất tốn kém, mất nhiều thời gian, động chạm đến nhiều nhóm lợi ích, rất khó thực hiện. Nhưng tôi không thấy có lối thoát nào khác. Tôi thừa nhận những người chịu trách nhiệm về giao thông ở Hà Nội đã ở chân tường. Nhưng đừng vì thế mà đẩy người dân đến chân tường.

Nghe tin Hà Nội dự định cấm xe máy trên hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương với lý lẽ thí điểm theo hướng “vết dầu loang” trong lộ trình tiến tới cấm hẳn xe máy vào năm 2030, tôi xin được có vài lời bàn luận.

Tôi đồng ý là trước sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… sẽ phải cấm xe máy. Riêng việc này thì chúng ta có thể cứ công khai mà học kinh nghiệm từ Trung Quốc, bởi Bắc Kinh, Quảng Châu… có hoàn cảnh phát triển hạ tầng và thói quen giao thông khá giống ở ta và họ đã thành công trong việc cấm tiệt xe máy chỉ sau hơn mười năm.

Còn nếu Hà Nội có cách làm hay hơn thì hãy trình ra cho bàn dân thiên hạ thấy, góp ý và làm quen trước. Đằng này, đùng một cái, các vị ném ra một giải pháp quá mơ hồ về tính khoa học, quá xa thực tế, thiếu bài bản. Tôi có thể khẳng định ngay là các vị sẽ thất bại, còn thê thảm hơn cả dự án xe bus nhanh BRT.

Tại sao tôi nói như vậy?

Đặc điểm của “vết dầu loang”, là cùng lúc nó lấn ra xung quanh, tạo đường biên khép kín tuyệt đối. Vì thế, biện pháp này chỉ khả thi khi bắt đầu từ một điểm trung tâm,  sau đó loang dần ra, tức là bán kính cứ mỗi ngày một tăng lên phù hợp với khả năng đáp ứng bằng vận tải công cộng, cho đến khi phủ khắp phần diện tích mình muốn.

Nhìn đường như thế này thì đâu dễ biết xe máy hay ô tô làm tắc đường?

Nhìn cảnh như thế này thì đâu dễ biết, xe máy hay ô tô làm tắc đường?

Còn cách mà Hà Nội định làm với hai con đường huyết mạch là Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương, thì phải gọi là chặn, là dồn, là ép. Vết dầu loang trong trường hợp này gây tác dụng ngược: Vết dầu càng loang to, thì tình trạng nghẽn ứ càng lớn, gây hỗn loạn giao thông. Bởi vì đây là hai tuyến đường hướng tâm. Nếu bị cấm, người tham gia giao thông bằng xe máy sẽ không dễ dàng bỏ cuộc để chọn phương tiện khác, mà họ sẽ chọn lối không cấm để đi. Tính không khả thi là thứ thấy rõ nhất, nếu đề án trên được thực hiện.

Nói vậy thì chả nhẽ ngồi bó tay, cứ để như tình trạng hiện nay? Xin thưa, nếu Hà Nội vẫn cứ giữ tư duy manh mún, đối phó theo kiểu “đường cong mềm mại”, phóng tay giao trứng cho ác, nói xong bỏ đấy, nói thế này làm thế kia, nói hay làm dở… thì mọi giải pháp trước sau cũng chết yểu là điều không cần phải bàn. Nhưng ngay từ bây giờ, dù đã rất muộn, Hà Nội vẫn còn cơ hội để không đến mức rồi đây cứ ra khỏi ngõ nhà mình là tắc.

Đó là hãy quyết liệt chuyển toàn bộ các cơ quan hành chính, các trường đại học ra ngoại thành, biến các cơ sở cũ kĩ của Nhà nước thành công viên, vườn hoa. Đó là hãy đừng vì cứ kí là có tiền, mà không dứt khoát dừng ngay việc cấp phép xây nhà cao tầng trong nội thành. Hãy cải thiện dịch vụ vận chuyển bằng xe bus, đừng để người đi xe, từ già chí trẻ cứ như đang được ban ơn theo kiểu bố thí. Thay vì bóc vỉa hè tốt lên để thay bằng vỉa hè kém hơn, thì hãy dành ưu tiên cao cho đầu tư hạ tầng các quận, huyện ngoại thành, các vùng vệ tinh. Hãy khôi phục các dòng chảy, các hồ nước, các công viên…

Đó là những việc rất tốn kém, mất nhiều thời gian, động chạm đến nhiều nhóm lợi ích, rất khó thực hiện. Nhưng tôi không thấy có lối thoát nào khác. Tôi thừa nhận những người chịu trách nhiệm về giao thông ở Hà Nội đã ở chân tường. Nhưng đừng vì thế mà đẩy người dân đến chân tường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top