Aa

Đừng lãng phí Phó Chủ tịch xã trẻ!

Thứ Sáu, 16/06/2017 - 14:45

Cách đây gần 4 năm, ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1758/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020. Bộ Nội vụ được giao làm cơ quanThường trực.

Thực hiện đề án, đợt đầu tiên đã tuyển chọn được 600 em (gọi tắt là Dự án 600) tuổi đời dưới 30 có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu bố trí và sử dụng của chính quyền cơ sở; có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch gia đình rõ ràng; có sức khỏe tốt và có khả năng đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ, công chức các địa phương; tình nguyện đến làm việc tối thiểu 5 năm tại vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi…

Đến nay, “lứa” đầu đang tiến dần đến thời hạn tối thiểu 5 năm, và chắc rằng Bộ Nội vụ đang dần tổng kết và chuẩn bị đào tạo cho “lứa” tiếp theo, dự định là 500 em.

Thực tiễn đã và đang chứng minh cho thấy, kết quả rất khả quan.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thống kê của Bộ Nội vụ tính chung trong cả nước “Dự án 600” cho biết, có tới 31,65% đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 62,43% hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ có 5,57% và không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là con số rất nhỏ 0,35%. Đây có thể được coi là một kết quả ban đầu rất quan trọng về một chiến lược đào tạo cán bộ cấp cơ sở, được thử thách trong một kỳ sát hạch dài hơi ở những vùng đặc biệt khó khăn như vậy.

Thí dụ, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, với nền tảng tư duy và những kiến thức được đào tạo bài bản cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các em đã “vào cuộc” nhanh chóng. Không mấy thời gian, nhiều em đã trở thành “tài sản” không thể thiếu tại địa phương.

Đội ngũ 30 Phó Chủ tịch trẻ này của tỉnh đã làm được những việc mà nhiều địa phương xa và nghèo chưa bao giờ làm và khó có đủ năng lực để làm, như chủ trì triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch, quốc tịch; xây dựng hương ước thôn; tham mưu kế hoạch chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật; triển khai đề án trồng cây keo ven đường giao thông, mô hình nuôi bò khép kín; thực hiện thành công mô hình trồng lúa nước cải tiến và đề án nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện…

Trong 30 em, đến nay đã có 26 em được các cấp ủy kết nạp vào Đảng. Trong đó, 2 em hiện đã là Chủ tịch UBND xã, 2 em là Phó bí thư Đảng ủy xã. Kết quả đánh giá cán bộ, công chức cho hay, toàn bộ 30 em đều được đánh giá là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.

Một câu hỏi được đặt ra: Vậy sau thời hạn 5 năm, các em sẽ làm gì nếu không “trụ” lại được ở địa phương mình được thử thách? Bởi về nguyên tắc, các em hoàn thành nhiệm vụ đều được bố trí công việc từ cấp xã trở lên, phù hợp với trình độ, năng lực và phẩm chất.

Thực ra, nếu chỉ tính tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học thì câu hỏi trên đúng là một nan đề, bởi hiện cả nước thường xuyên có tới hàng trăm nghìn sinh viên đại học ra trường không tìm được việc làm.

Tuy nhiên, với các em trong “Dự án 600” thì lại khác. Các em được tuyển chọn kỹ càng ngay từ đầu vào, mà là chọn theo tiêu chuẩn “cấp quốc gia” chứ không như theo lệ thường ở địa phương; rồi lại được đào tạo, thử thách bài bản, được sự trông cậy và hy vọng của cộng đồng, được hỗ trợ hết sức của cả hệ thống chính trị…

Không lý gì một tài sản quý như thế lại bị sử dụng lãng phí.

Xin lấy tỉnh Bắc Giang làm ví dụ. Tỉnh có 19 trí thức trẻ xung phong về làm Phó Chủ tịch xã tại các xã vùng cao huyện Sơn Động. Đến nay, các em đều được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ trở lên và là nguồn nhân lực quý của huyện để tiếp tục bồi dưỡng và thử thách.

Bởi chỉ tiêu biên chế có hạn nên ngay từ khi triển khai “Dự án 600”, huyện đã có kế hoạch tinh giản biên chế, dành chỗ để đón những tài năng trẻ đã được thử thách. Đến nay, huyện Sơn Động đã giảm được 23 cán bộ, công chức cấp xã, 7 công chức cấp huyện và 16/19 em đã được bố trí vào chức danh tại các cơ quan thuộc Huyện ủy, UBND huyện và các xã trong huyện Sơn Động…

Con số như thế cũng là tạm yên tâm rồi nhưng chỉ xin lưu ý rằng, thực tiễn đã nhiều lần chứng minh, có những người công tác cụ thể ở cơ sở sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần khi được “đưa lên” làm việc ở cấp vĩ mô. Như vậy, nếu đánh đổi một Phó chủ tịch xã vừa trẻ vừa giỏi giang lấy một công chức huyện tồi thì cũng là lãng phí đấy!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top