Dương Công Minh: Vị doanh nhân nỗ lực xóa định kiến “ngân hàng và sân sau bất động sản”

Dương Công Minh: Vị doanh nhân nỗ lực xóa định kiến “ngân hàng và sân sau bất động sản”

Thứ Sáu, 09/07/2021 - 06:00

 

“Hồi tôi học cấp III ở trường huyện, nhớ những lần được đi giao lưu với các trường cấp III ở thị xã, gặp các cô gái tôi còn chẳng dám nhìn, chỉ nhìn trộm. Tôi quê Bắc Ninh. Tôi rất nhút nhát, một nét tính cách của người nông thôn”.

“Vì vợ mà tôi không làm quan nữa mà quay sang làm giàu”.

“Tôi tốt nghiệp đại học chính quy, gia đình cách mạng. Học hết đại học thì tôi đi nghĩa vụ quân sự. Tôi có một người đỡ đầu, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đó là một trong những điều kiện cần để tôi có thể phát triển trên con đường công danh”.

“Trước sự can ngăn của đơn vị, cơ quan, tôi vẫn quyết cưới người mình yêu. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi khó có thể thăng tiến trên con đường công danh”.

“Báo chí nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tôi đi nghĩa vụ quân sự mang quân hàm thiếu úy, ra quân là trung úy”.

“Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”. Và người đứng đầu công ty Him Lam sau này sẽ là con trai tôi! Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng Chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi.

“5 năm không tái cơ cấu xong Sacombank tôi sẽ ra đi”.

“Him Lam một tay tôi làm nên, từ tiền của tôi vay nặng lãi, từ cái đầu của tôi, từ tính cách của tôi. Mỗi sản phẩm Him Lam là do chính tay tôi xem bản vẽ, thi công” và “Tôi đã đào tạo và chuẩn bị sẵn một hệ thống cùng điều hành Him Lam. Sẽ đến lúc con trai tôi trưởng thành và tự điều hành được Him Lam”. 

“STB có nghĩa là Sao Thái Bạch”.

“Tôi vào điều hành Ngân hàng Sacombank, nhưng hiện nay, thương hiệu Sacombank luôn gắn chặt với tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là “Thành Sacombank”. Còn tôi chỉ là “Minh Him Lam”.

“Người xưa nói há miệng chờ sung, nhưng muốn có sung thì cũng phải nằm dưới gốc mới có. Tức là kể cả muốn ăn sung rụng, ta cũng phải tự thân bò đến dưới gốc sung mà chờ. Vậy nên, may mắn không phải tự nhiên tìm đến ta, mà do ta tự vận động tạo ra nó”.

“Tôi là người giàu, tuy nhiên đã biết cách làm giàu thì cũng cần biết phải khiêm tốn, tránh khoe khoang. Nhà cửa của tôi ở đàng hoàng, nhưng hiếm người biết nhà tôi như thế nào, tránh để người ta có những nhìn nhận không cần thiết”.

“Him Lam hay Novaland… đều có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu sử dụng của khách hàng, song chúng tôi không tạo ra được sản phẩm bất động sản hoàn thiện về mặt xã hội như Vingroup. Do đó, đây là điều mà tất cả chúng ta phải học, nên học theo Vingroup”.

Ông Dương Công Minh là một doanh nhân trực tính, cũng chính vì vậy mà những câu nói trên của ông trước công chúng rất đáng để người nghe suy ngẫm. Điểm đặc biệt là trong các phát biểu của ông không ám chỉ hay có ý khích bác, nói xấu ai, hầu như chỉ là để nói với chính bản thân ông,… và sau tất cả ông là mẫu người đàn ông của gia đình, của tình yêu và cảm xúc. 

Bởi lẽ, ngay trong những ngày tháng sôi nổi nhất của tuổi trẻ, ông đã chấp nhận từ bỏ "quan trường" để rẽ ngang sang thương trường, chỉ vì yêu vợ. Duyên số thế nào mà ông gặp và yêu ngay cô con gái của một quan chức chế độ cũ ở Sài Gòn và nhất quyết lấy cô ấy làm vợ. Chính ông Minh cũng từng tâm sự rằng, giữa việc làm giàu và làm quan thì nếu được, làm quan vẫn hơn.

“Minh Him Lam” là biệt danh mà giới đại gia bất động sản Sài Thành đặt cho vị Chủ tịch CTCP Him Lam. Ông Minh cũng rất phấn khích với cái tên gọi ấy và không ít lần ông mở lòng chia sẻ về bước đường khởi nghiệp của mình xây dựng nên công ty này. 

Nói về vai trò của ông đối với Him Lam, ông Minh cho biết: “Him Lam có ngày hôm nay là do chính tay tôi làm nên, từ tiền tôi đi vay nặng lãi, từ cái đầu, tính cách của tôi. Mỗi sản phẩm Him Lam là do chính tôi duyệt bản vẽ, tôi trực tiếp giám sát thi công”, và “Tôi đã đào tạo và chuẩn bị sẵn một hệ thống cùng điều hành Him Lam. Sẽ đến lúc con trai tôi trưởng thành và tự điều hành được Him Lam”. Có thể thấy vai trò lãnh đạo, sắp xếp, tổ chức thực hiện các hoạt động ở Him Lam của ông Minh là không thể thay thế và nếu có sự thay thế thì người đó là con trai của ông.

Thành lập năm 2008, Him Lam Land chủ yếu tập trung vào các dự án bất động sản khu dân cư, cao ốc, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Tại TP.HCM, Him Lam này là chủ đầu tư một số dự án rất đình đám như: Dự án Chung cư Him Lam Riverside (quy mô 1,2ha, tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng); Dự án Chung cư Him Lam Phú An (1,8ha, tổng vốn đầu tư 1.770 tỷ đồng); Dự án Chung cư Him Lam Chợ Lớn (4ha, tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng).

Tại Hà Nội, Him Lam Land là chủ đầu tư các dự án Biệt thự sinh thái Long Biên (0,32ha; tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng), dự án Him Lam Vạn Phúc (0,06ha, tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng).

Sau gần một thập kỷ, tính đến cuối năm 2017, Him Lam Corp có quy mô tổng tài sản đạt tới 45.655 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với vốn chủ sở hữu, tương đương gần 2 tỷ USD. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao của Him Lam Land khiến cho giá trị của doanh nghiệp này không phản ánh đúng thực lực. Him Lam Land được định giá hơn 2.110 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với quy mô vốn chủ sở hữu vào năm 2017. 

Đây là một con số khá khiêm tốn so với những doanh nghiệp ở cùng thời điểm với Him Lam có đất thành phố tính theo héc-ta trong thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21 như Vingroup, Novaland. 

Him Lam Land chủ yếu tập trung vào các dự án bất động sản khu dân cư, cao ốc, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong ảnh là dự án Him Lam Chợ Lớn (trái) và Him Lam Phú An (phải).

Tính đến đầu năm 2021, theo lượng cổ phiếu VIC trực tiếp nắm giữ và gián tiếp thông qua CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam thì tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup đạt khoảng 253.000 tỷ đồng (gần 11 tỷ USD). Trên Forbes, giá trị tài sản được cập nhật của Tập đoàn Vingroup đã tăng lên mức 9 tỷ USD (cao nhất lịch sử), theo đó Chủ tịch Phạm Nhật Vượng được xếp hạng 262 thế giới về độ giàu có. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng, tài sản của người giàu nhất Việt Nam trên bảng xếp hạng có thể sớm chạm mốc 10 tỷ USD.

Nói về Novaland, giá trị vốn hóa của Novaland hiện vào khoảng 2,8 tỷ USD, đứng thứ hai trong 18 tập đoàn bât động sản ở Việt Nam có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Cụ thể, với giá trị vốn hóa gần 3 tỷ USD, Novaland hiện đang là một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Điểm nổi bật của Novaland là một trong số doanh nghiệp có khả năng huy động cực kỳ hiệu quả các nguồn vốn trong nước và quốc tế. Những đối tác hiện liên kết, kết hợp với Novaland thường là những tổ chức lớn, có uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời, Novaland cũng rất chú trọng mở rộng quan hệ với các tập đoàn tài chính hàng đầu trên thế giới như HSBC, Credit Suisse, Goldman Sachs. 

Vậy Him Lam thì sao? Giới tài chính cho rằng, tài sản của Him Lam là rất đáng kể. Nhưng bởi trong quá trình xây dựng và phát triển, những nhà lãnh đạo Him Lam chưa thể hiện tính nhất quán trong chiến lược phát triển. Do vậy, Him Lam bỏ lỡ cơ hội của mình. Một yếu tố nữa cũng góp phần gây ra sự hạn chế, bất cập ở Him Lam đó là doanh nghiệp này được quản trị theo mô hình gia đình, thế nên thiếu lực đẩy đủ mạnh hướng đến quy mô của một tập đoàn như những tập đoàn khác. Đấy là chưa bàn đến những vấn đề về chiến lược, sản phẩm của Him Lam, một yếu tố mà giới đầu tư đánh giá là mờ nhạt, chưa sắc nét.

Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng, ông Dương Công Minh đã tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là công ty độc trị. Chỉ có một mình tôi - Dương Công Minh là người đưa ra các quyết định thôi. Và người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi! Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi mà thôi”.

“Sau Vingroup, chắc chắn Him Lam sẽ là doanh nghiệp thứ 2 của Việt Nam thực hiện các dự án theo mô hình đô thị sinh thái hoàn chỉnh, trên diện tích vài trăm héc-ta”. 

Có lẽ “giấc mơ” này ông Minh phải nhờ đến con trai mình hiện thực hoá nó!

Trước khi đưa ra quyết định dấn thân vào Sacombank, doanh nhân Dương Công Minh đã chủ động tự cởi bỏ nhiều “vướng bận” để tập trung hoàn toàn nguồn trí lực cho lĩnh vực mới này. Cùng lúc, ông Minh thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty: CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xí Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt (LPB). 

Trong lần trả lời báo chí, doanh nhân Dương Công Minh nói: "Thật lòng tôi đặt niềm tin ở Sacombank". Dù chia sẻ ấy của ông Minh là rất thật, song cũng phải ghi nhận ông cũng là một doanh nhân rất bản lĩnh, dám chấp nhận những bất trắc, rủi ro khi dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới với vô vàn khó khăn. Và doanh nhân Dương Công Minh chấp nhận những thách thức ấy.

Chúng tôi hiểu xử lý nợ xấu chưa bao giờ là công viêc dễ dàng, kiểm soát để nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới ở mức thấp nhất lại càng khó. Chính vì thế, chúng tôi đang và sẽ điều hành, quản lý ngân hàng minh bạch, từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel II; giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hoá cơ cấu cổ đông; tiết giảm chi phí hợp lý, sao cho có lợi nhất cho cổ đông”, ông Dương Công Minh khẳng định và đề ra định hướng hoạt động của Sacombank trong năm 2018.

Được biết, cũng bởi làm hết sức với các số liệu cố gắng minh bạch nhất; năm 2017, ngân hàng Sacombank đã xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu. Đề án tái cơ cấu cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm. Được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, tạo điều kiện để tiến hành xử lý trong vòng 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, ông Dương Công Minh, cùng cộng sự và toàn bộ nhân viên Sacombank cho biết sẽ cố gắng phấn đấu, nỗ lực hết sức để có thể cơ bản hoàn tất việc xử lý nợ xấu trong thời hạn từ 3 - 5 năm. 

​ Sacombank
Sacombank "khoẻ lên" từng ngày

Xử lý được nợ xấu trong thời gian ngắn là một kỳ tích, nhưng dù là kỳ tích thì cũng vẫn chưa đủ để nhận ra tầm vóc những thành tựu mà doanh nhân Dương Công Minh đạt được có ý nghĩa to lớn như thế nào. Khi đó, giới tài chính vẫn nghi hoặc và cho rằng ông Minh chém gió. Những ông chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản lại cho rằng, ông Minh đang dùng các chiêu trò để kéo các dự án bất động sản về cho Him Lam hoặc “đổ rác” từ Liên Việt sang Him Lam. 

Vậy đâu là bản chất của vấn đề? Quay trở lại câu chuyện ở tầm vĩ mô, chúng ta thử đề cập đến câu chuyện của những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, và những rủi ro, hệ luỵ mà giới tài chính không muốn nói đến, đó là mối quan hệ mập mờ, thậm chí là khuất tất giữa ngân hàng và thị trường bất động sản.  

Nếu như ai đã được đọc những cuốn sách có nội dung nói về giới tài phiệt, chắc cũng sẽ có nhận xét là để có thể chinh phục được đỉnh cao của tiền tài, quyền lực và danh vọng, thì hầu hết các nhà đầu tư tài chính sẽ đưa ra những chiêu trò, thủ đoạn, hành xử với phần lớn nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm theo cách hết sức ma mãnh. Đối với những doanh nhân xây dựng những doanh nghiệp thành công là rất cá biệt, cực kỳ hiếm. Còn lại đa số họ đều tìm đến cách làm của giới tài chính, kiếm tiền trên thị trường bằng những thủ đoạn của những “sói già phố Wall”. 

Trên thị trường tài chính Việt Nam, lĩnh vực tài chính ngân hàng và bất động sản là hai lãnh địa hội tụ nhiều “sói già” nhất. Nói như các nhà đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam đang là cơ hội cho những người biết tận dụng thời cơ, nhất là trong lĩnh vực tài chính, bất động sản. Cùng với đó là những thủ thuật của giới tài chính gắn với những thuật ngữ như: Công ty sân sau, công ty gia đình, công ty trong hệ sinh thái, niêm yết cửa sau, gian lận tài chính…

Cách liên kết của hai nhóm doanh nghiêp bất động sản - ngân hàng là như thế nào? Họ có thể chuyển những dữ liệu gì qua sợi dây liên kết? Ngân hàng cho vay thế chấp dự án, ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, vay thế chấp dự án, hoặc là ngân hàng bơm vốn cho công ty chứng khoán là công ty con. Theo đó, các công ty chứng khoán sẽ tiến hành các giao dịch mua trái phiếu hoặc repo cổ phiếu công ty bất động sản đó. Đại loại là làm bất động sản đó có thể bút toán được, ngân hàng đứng sau bảo lãnh dòng tiền nên trong nhiều trường hợp là “tay không bắt giặc”, chỉ có mối quan hệ là phát huy được tối đa tính hiệu quả.

Đó là bề nổi mà các chuyên gia tài chính có thể dễ dàng nhận diện. Nhưng đằng sau đó còn là chiêu trò bí ẩn, những mánh khoé làm gia tăng lợi nhuận và những tiểu xảo khi “liên kết, hợp tác” với các nhà đầu tư. Chẳng hạn như bảo lãnh hờ dự án bất động sản để lấy danh đi bán hàng, thông qua đó còn là cách để bơm tiền đẩy giá cổ phiếu bất động sản, bút toán các khoản nợ để làm sách báo cáo qua các công ty con, công ty dự án… Thế nên, nếu không sử dụng các chiêu trò, tiểu xảo ấy đã không phải là những còn sói già được mặc sức tung hoành trong một thị trường tài chính thiếu sự minh bạch và hiện hữu rất nhiều những hạn chế, bất cập. Do vậy, nó trở thành sự “tất yếu, khách quan” của thị trường chứng khoán non trẻ.

Với một nền kinh tế đang bước vào thời kỳ khởi sắc. Các cơ chế, chính sách ra đời nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Việc thực hiện cơ chế chính sách ấy trong bối cảnh nền kinh tế “vừa chạy, vừa xếp hàng” tất yếu làm phát sinh những hệ luỵ xấu mà thị trường bất động sản và thị trường ngân hàng tài chính bộc lộ rất rõ. Trên thực tế, theo số liệu khảo sát thì thị trường tài chính hiện nay có tới 70% số công ty bất động sản lớn được ngân hàng chống lưng, chủ yếu dưới hình thức thâu tóm cho dễ bề hoạt động, bên cạnh hình thức hỗ trợ nhau bởi những quan hệ cộng sinh, thân tín “hai trong một”. Nhưng trong thời gian gần đây, các dòng tín dụng tài chính của thị trường bất động sản đã có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo đó, một số doanh nghiệp bất động sản có lượng dự án lớn nhưng lại chưa tìm được nguồn vốn đầu tư, nên xu hướng thâu tóm ngân hàng có biểu hiện tái diễn mạnh mẽ.

Với những diễn biến nền kinh tế như hiện nay, giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động của nguồn vốn cho vay bất động sản càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2020 theo hướng tiếp tục siết lại hoạt động cho vay bất động sản nhằm giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn, xem xét các nguồn vốn cho vay trung và dài hạn, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Sự đổ vỡ của những thương vụ tín dụng bất động sản đã gây ra tác động xấu cho toàn bộ nền kinh tế trong thời gian qua là minh chứng vẫn còn nguyên tính thời sự với những bài học rất cay đắng cả từ quốc tế và trong nước. Đơn cử như trong đại án Phạm Công Danh và TrustBank đã gây chấn động dư luận xã hội mà nguyên nhân chính xuất phát từ hàng nghìn tỷ đồng được bơm vào các dự án, địa ốc "sân sau”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi ngân hàng là công ty con hoặc sân sau cho một doanh nghiệp đã là nguy hiểm, nếu tình trạng ấy xảy ra ở các doanh nghiệp bất động sản thì lại càng nguy hiểm hơn. Bởi bất động sản vốn là lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi nguồn vốn lớn, song cũng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Khi doanh nghiệp có dòng tiền dễ dàng từ ngân hàng con của mình thì các phi vụ mua bán diễn ra “vô tội vạ”, tình trạng này dẫn đến nguy cơ đổ vỡ và nợ xấu rất cao. Bản chất của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam chủ yếu là tồn tại cộng sinh với tín dụng ngân hàng (70 - 90%).

TS.Nguyễn Trí Hiếu

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Trí Hiếu, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những hệ luỵ xấu phát sinh từ các ngân hàng con của doanh nghiệp là rất nguy hiểm và khó lường. Ngân hàng huy động tiền trong dân và trả lãi sau đó, công ty mẹ sử dụng nguồn vốn đó đầu tư vào bất động sản. Khi thị trường bất động sản ảm đạm, dự án không thông cấp phép, hoặc doanh nghiệp mang dự án đi thế chấp ngân hàng khác để vay vốn, phát hành trái phiếu huy động vốn thêm lần nữa. Sau đó, doanh nghiệp lại tiếp tục huy động vốn của khách hàng, xã hội… sử dụng vào các hoạt động giao dịch, đầu tư cho các dự án nhà. Thậm chí một dự án bất động sản của doanh nghiệp có ngân hàng chống đỡ có thể vay vốn lên đến 200 - 300% giá trị dự án. Thực trạng đó dẫn đến nguy cơ đổ vỡ rất cao.

Sự đổ vỡ thị trường bất động sản đã diễn ra tại Mỹ năm 2008 và để lại những bài học cho Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhưng vì lợi ích quá lớn nên những cặp bài trùng ngân hàng - doanh nghiệp vẫn tồn tại, thậm chí không ngừng phát triển như một trào lưu, xu hướng “tất yếu, khách quan” ở Việt Nam. Thậm chí đến những doanh nghiệp vào hàng khủng cũng sử dụng “chiêu độc này”. 

Trong báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng cũng ít nhiều phản ánh thực tràng này. Các số liệu được dẫn ra công khai dù mới chỉ là một phần của “tảng băng chìm” đã cho thấy phần lớn các ngân hàng đã dành một tỷ lệ vốn rất đáng kể để cho các doanh nghiệp liên quan đến các cổ đông vay, thực trạng này diễn ra khá phổ biến.

Theo các chuyên gia, không ít doanh nghiệp “sân sau” thời gian qua không chỉ vay hàng ngàn tỷ đồng từ ngân hàng mà còn liên kết, hợp tác với các CEO lớn của ngân hàng, những ông chủ nắm quyền điều hành hay chi phối các quyết định của tổ chức tín dụng để phục vụ lợi ích của cá nhân mình gây ra những hệ luỵ, rủi ro cho tổ chức tài chính .

Cũng theo các chuyên gia, một số cách thức được sử dụng khá phổ biến như: Khi thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tiền để tăng vốn điều lệ. Trong bối cảnh đó, không ít lãnh đạo các ngân hàng đã tận dụng doanh nghiệp “sân sau” để giúp tăng vốn. Khi đó doanh nghiệp có vốn góp lớn của các ông chủ ngân hàng sẽ đứng ra phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 - 5 năm. Sau đó, ngân hàng của các ông chủ trên sẽ bỏ tiền ra mua trái phiếu của doanh nghiệp. Khi đã có tiền, doanh nghiệp này lập tức sử dụng vốn đó góp vào đúng ngân hàng vừa bỏ tiền ra mua trái phiếu của mình để tăng vốn điều lệ. Như vậy, vốn điều lệ ngân hàng phản ánh trên sổ sách là rất cao nhưng trong thực tế đó là vốn ảo.

Tại châu Âu cũng có hiện tượng ngân hàng thành lập doanh nghiệp “sân sau”, nhưng tình trạng này là rất hãn hữu và bị hạn chế tối đa bởi được kiểm soát hết sức chặt chẽ từ chính phủ. Tại Việt Nam, sự giám sát hoạt động tài chính ngân hàng của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ do không có một tổ chức chuyên trách công việc này.

Việt Nam có Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, nhưng tổ chức này chỉ chịu trách nhiệm tư vấn về kinh tế vĩ mô chứ không có chức năng thực hiện giám sát hoạt động tài chính cụ thể. Công việc giám sát hoạt động ngân hàng là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước nhưng đây lại là cơ quan quản lý chuyên ngành và cấp phép thành lập, bên cạnh đó là những bất cập bộc lộ sự chồng chéo được làm cái này mà không được làm cái kia, nên đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả của sự giám sát này…

Bộ Tài chính thì có nhiệm vụ giám sát hoạt động của các công ty tài chính, còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các tổ chức này lại thiếu sự phối hợp cần thiết.

Chẳng hạn một doanh nghiệp “sân sau” của ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu, theo quy định phải xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng do những bất cập, các hoạt động mang tính chủ quan trong phạm vi được giới hạn bởi chức năng nhiệm vụ dẫn đến các thông tin chuẩn xác, chính thống không đến được với Ngân hàng Nhà nước. Lợi dụng khoảng trống đó, các ngân hàng thương mại mua trái phiếu của doanh nghiệp “sân sau” mà chính ngân hàng Nhà nước cũng không nắm được.. 

Nếu có một ủy ban chuyên trách giám sát toàn bộ các hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán thì khi doanh nghiệp “sân sau” phát hành trái phiếu, Ủy ban này sẽ có những giải pháp kịp thời. Ở hầu hết các nước châu Âu đều có một Ủy ban thống nhất với chức năng giám sát hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán.

Trên thế giới, các chính phủ quốc gia luôn tách biệt giữa nhiệm vụ giám sát và quản lý tiền tệ khỏi Ngân hàng Trung ương. Sự bất cập là tất yếu nếu để tình trạng vừa quản lý tiền tệ lại vừa giám sát ngân hàng. Tại Việt Nam, nhiệm vụ này gần như là được khoán trắng cho Ngân hàng Nhà nước thế nên tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" diễn ra khá thường xuyên cũng không có gì là khó hiểu.

Khi mối quan hệ giữa hai bên trở thành sự thống nhất ngầm trong cái bắt tay ngân hàng và công ty bất động sản thì khi trở thành xu hướng, việc cấm chỉ là hình thức và tạo sự chống thế. Vậy điều cần hơn đó là ngồi lại tìm kiếm giải pháp quản trị rủi ro, xác lập minh bạch xu hướng. Vậy, tại sao không thử tiếp cận cách làm của vị Chủ tịch Sacombank: Doanh nhân Dương Công Minh đã đi đến đâu trên con đường rất nhiều chông gai ấy?

Cách đây cũng đã hơn 4 năm rồi, sau sự kiện xảy ra vào buổi trưa 2/8/2017, khi cơ quan chức năng công bố quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Trầm Bê và cựu CEO Sacombank Phan Huy Khang, ông Dương Công Minh chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Sacombank. Khoảng sau một tháng, ông xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia để nói về các khoản nợ của nhóm Trầm Bê tại Sacombank.

Ông Minh nói: “Ông Trầm Bê hiện tại đang có 2 khoản nợ tại Sacombank, một khoản nợ liên quan đến bất động sản có giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng, một khoản nợ liên quan đến cổ phiếu có giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng”. Những thông tin ấy có lẽ vượt ra ngoài sự hình dung của những người tham gia phỏng vấn, thậm chí có thể là bất ngờ đối với ngay cả bộ phận tư vấn truyền thông của Sacombank. Theo lẽ thường, trong những sự vụ như vậy, lãnh đạo ngân hàng chỉ xuất hiện với một thông điệp mang tính trấn an tuyệt đối, tránh đưa ra những thông tin chi tiết hoặc số liệu cụ thể.

Tân Chủ tịch Sacombank cũng công khai số liệu nợ xấu của Sacombank ở thời điểm đó là khoảng 60.000 tỷ đồng – một con số gây sốc với phần đông công chúng. Nhưng ông cũng kịp thời trấn an với cam kết sẽ xử lý 1/3 nợ xấu ngay sau khi nhận chức tại Sacombank. Những thông tin ấy mang đến sự minh bạch, rõ ràng, sự thẳng thắn, dám nói, dám nhìn thẳng sự thật, có phần hơi “phũ” nhưng đầy trách nhiệm trước sự tồn vong của Sacombank.

Nhớ lại hình ảnh của ông Minh hôm được bầu làm Chủ tịch Sacombank, giản dị đến mức lạ kỳ: Dáng lòng khòng, tay cầm smartphone đời rất cũ, đầy vết xước; không complet mà chỉ đeo cà vạt sọc đỏ khổ to, chiếc cà vạt ấy, như một trợ lý của ông chia sẻ, thì “nhắc mãi ông mới đeo”. Xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia trưa 2/8, ông Minh không đeo cà vạt, mà chỉ mặc chiếc sơ mi kẻ sọc sáng màu. Thời còn tại vị ở LienVietPostBank, ông Minh rất hiếm khi trả lời báo giới hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Cách đây ít lâu, ông Minh đã ký văn bản xin ý kiến cổ đông về việc chuyển sàn, đổi mã chứng khoán cho cổ phiếu STB của Sacombank. Một kế hoạch mà đến thời điểm này thị trường vẫn chưa hết xôn xao. Thậm chí, theo phát biểu trên một tờ báo, lãnh đạo Sacombank đang thực hiện chủ trương thay đổi bộ nhận diện thương hiệu cho ngân hàng. Dù lý do thực sự có là gì thì rõ ràng, một chương mới trong lịch sử phát triển của Sacombank đang được thai nghén bởi những trí tuệ siêu đẳng không dễ để đoán được.

Để thể hiện sự gắn bó với ngân hàng, toàn tâm toàn ý với Sacombank, ông Minh liên tiếp tiến hành các giao dịch mua vào cổ phiếu STB. Trước đó, cá nhân ông và Tập đoàn Him Lam cũng tuyên bố đã thoái vốn triệt để tại Sacombank.

Theo tìm hiểu, không ít tài sản mà Sacombank đang rao bán có liên quan tới các khoản nợ của nhóm Trầm Bê – cựu Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank. Thông qua các phương tiện truyền thông, tân Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho biết: “Trong các khoản nợ mà ông Trầm Bê chịu trách nhiệm giải quyết, với nợ gốc là 35.400 tỷ đồng đã được thế chấp bằng tài sản đảm bảo trị giá 43.000 tỷ đồng, có tài sản thế chấp là bất động sản trị giá 33.000 tỷ đồng và khoảng 10.000 tỷ đồng được đảm bảo bằng cổ phiếu. Tài sản đảm bảo của khoản vay này gồm những dự án bất động sản ở những khu trung tâm TP.HCM như Q.1, Q.3, Q.5, những dự án có quỹ đất rất lớn ở khu cửa ngõ như Q.8, Q.9, Thủ Đức, hay ở Long An, Cần Thơ”.

Xử lý nợ xấu ra sao?

“Trên thực tế, chúng tôi không chỉ chú trọng xử lý các tài sản thế chấp có giá trị lớn, mà cả những khoản nợ nhỏ, nếu có thanh khoản là Sacombank tiến hành bán ngay. Nhiều khoản nợ xấu từ vài tỷ đồng, vài chục tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng mà tài sản đảm bảo là cổ phần, cổ phiếu, nhà đất đã được thanh lý. Trong bộ máy tổ chức, Khối xử lý nợ hoạt động hết công suất, phải rà soát, đánh giá các khoản phải thu, các khoản có thể bán để thu nợ từng ngày, từng tuần”, ông Minh từng chia sẻ. 

Sacombank đã lập hẳn một mục là “Chuyên mục thanh lý tài sản” trên website sacombank.com.vn, để đăng tải công khai các tài sản cần thanh lý là bất động sản, các phương tiện xe cộ, máy móc, thiết bị ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành. “Tất cả khách hàng có nhu cầu đều có thể tham gia”.

Trên thực tế, đúng như những tuyên bố của ông Dương Công Minh, không quá khi nói rằng Sacombank là nhà băng tích cực nhất của hệ thống trong việc thanh lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu. Tất cả các tài sản cần thanh lý đều được Sacombank đăng tải, cập nhật công khai trong “Chuyên mục thanh lý tài sản”.

Sacombank đã lập hẳn một chuyên mục thanh lý tài sản trên website. (Ảnh chụp màn hình)
Sacombank đã lập hẳn một chuyên mục thanh lý tài sản trên website. (Ảnh chụp màn hình)

Chẳng hạn như việc thanh lý “ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An với giá khởi điểm hơn 9.000 tỷ đồng”. Đây được cho là một trong những tài sản đảm bảo cho những khoản nợ xấu có liên quan đến ông Trầm Bê.

Một ví dụ về xử lý nợ xấu phức tạp: Cần phải nhấn mạnh rằng, việc thanh lý “ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An” là không dễ dàng. Bằng chứng là Chuyên mục thanh lý tài sản trên website của Sacombank đã phải đăng tin tới 3 lần về việc chào bán. Sau hai lần “ế” khách, đến lần chào bán thứ 3, Sacombank đã phải hạ giá khởi điểm gần 900 tỷ đồng, theo đó chỉ còn 9.089 tỷ đồng – so với mức khởi điểm trong lần chào đầu tiên là 9.988 tỷ đồng. 

Sau lần chào bán thứ ba này, không thấy Sacombank đăng tin thêm lần nào nữa. Ba tài sản trên đã được bán. Khối xử lý nợ của Sacombank đã xác nhận điều này bằng dấu “đã thanh lý” trong tài liệu Thông tin bất động sản cần bán tỉnh Long An, trong “Chuyên mục thanh lý tài sản” trên website sacombank.com.vn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Sacombank lãi 1.000 tỷ đồng, nhích 1,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản Sacombank đạt 497.427 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,9% đạt 356.974 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 0,74% đạt 431.137 tỷ đồng. 

Nợ xấu nội bảng của Sacombank ở mức 5.292 tỷ, giảm 488 tỷ trong 3 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,7% xuống 1,48%.   

Số dư chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành (chủ yếu là trái phiếu đặc biệt VAMC) không có nhiều thay đổi trong 3 tháng đầu năm, vẫn ở trên 27.000 tỷ đồng.

Trở lại với “đứa con đẻ” LienVietBank để tìm hiểu những thành tựu đã đạt được của ngân hàng, qua đó có thể nhận biết được phần nào sự thành công trong lĩnh vực tài chính của doanh nhân Dương Công Minh. Từ sở trường chủ yếu là trong lĩnh vực phát triển nhà ở và khu đô thị, ông Dương Công Minh đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó có ngân hàng và đã đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Với định hướng, chiến lược phát triển một doanh nghiệp kinh tế đa ngành, Him Lam đã lấn sân sang mảng tài chính thông qua việc tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008. Ông Dương Công Minh giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này giai đoạn 2008 – 2017 trước khi ông gia nhập ngân hàng Sacombank với vị trí Chủ tịch.

Ở thời điểm thành lập với số vốn điều lệ ban đầu 3.300 tỷ đồng, đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) cùng với một lượng tiền mặt, theo đó Liên việt Bank được nâng vốn lên hơn 6.000 tỷ đồng. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank).

LienVietPostBank được ví như đứa con đẻ đã cho đi của ông Dương Công Minh
LienVietPostBank được ví như đứa con đẻ đã cho đi của ông Dương Công Minh. Ảnh nguồn Internet

Sự kiện sáp nhập này cũng được đánh giá là một trong những quyết định có ý nghĩa chiến lược hết sức khôn ngoan của doanh nhân Dương Công Minh. LienVietPostBank là mô hình ngân hàng – bưu điện đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, thừa hưởng hơn 10.000 điểm giao dịch ở khắp các tỉnh thành trên cả nước từ đối tác VPSC mà nếu tự gầy dựng có thể LienViet phải mất hàng chục năm, chưa kể nguồn tài chính để xây dựng các điểm giao dịch ấy là vô cùng lớn.

Nhờ vậy, ngân hàng LienVietPostBank đã rất thành công so với các ngân hàng khai sinh cùng thời. Và cũng bởi thế nên ông Minh từng chia sẻ rằng, làm ngân hàng dễ hơn làm bất động sản. Tại LienVietPostBank, Him Lam là cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%.

Sau một thời gian, ông Minh “rút khỏi” LienVietPostBank vì đã hoàn thành xuât sắc sứ mệnh lịch sử của mình.

Có thể nói Him Lam giữ vai trò là trụ cột quan trọng của LienVietPostBank, nhưng Him Lam rời khỏi LienVietPostBank theo một kịch bản thể hiện đầy đủ trách nhiệm. Him Lam ra đi vào thời điểm “sức khỏe” của LienVietPostBank đang rất sung mãn. Lý do Him Lam thoái vốn khỏi LienVietPostBank cũng hết sức đơn giản, vì LienVietPostBank đã đủ lông, đủ cánh, đã trưởng thành. Him Lam là nhà đầu tư tầm cỡ, thế nên chỉ có những địa chỉ đầu tư tiềm năng lớn, xứng tầm mới có cơ hội neo giữ được họ.

“Thời gian gần đây, ở Việt Nam đang rộ lên xu hướng hình thành các tập đoàn có mô hình "cheabol kiểu Hàn quốc", các tập đoàn tư nhân theo xu hướng gia đình trị, cá nhân hoá như MSN, VIC, NVL, Him lam, Thaco. Theo đó, chỉ những tập đoàn được quản trị, vận hành theo mô hình cheabol mới có thể phát huy được tối đa những lợi thế, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và minh bạch. Trong môi trường ấy, sự sáng tạo luôn được đề cao và chú trọng phát triển. Các tập đoàn được quản trị và vận hành theo mô hình cheabol của Việt Nam sẽ trở thành những động lực tạo ra sự đột phá không chỉ trong phạm vi kinh tế, mà còn mang lại những hiệu ứng tích cực đối với tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vượt rất xa những giới hạn mà mô hình nhà nước, hay tập đoàn nhà nước không thể giải quyết được.

Có một thực tế là, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang quá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên và các ngành nghề dịch vụ. Sự xuất hiện của tầng lớp tỷ phú phần lớn đều ít nhiều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Cá biệt có một vài tỷ phú đã kịp thời chuyển đổi chiến lược phát triển cho phù hợp với xu thế của thời đại. Điển hình của sự chuyển đổi đó là trường hợp tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của tập đoàn Vingroup đang ráo riết đầu tư phát triển công nghệ - công nghiệp. Hay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Tập đoàn Masan tập trung đẩy mạnh sự hiện diện của tập đoàn trong lĩnh vực tiêu dùng.

Trở lại câu chuyện bất động sản và ngân hàng, đó là câu chuyện của những mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh rất mật thiết. Theo cách nói của những người hiểu chuyện thì: “Gió ở Hà Tây làm đổ cây ở Hà Nội”. Mối quan hệ ấy càng trở nên bền chặt là do thường xuyên được nuôi dưỡng, gia cố, kết nối bởi những dòng tiền. Tuy nhiên, có một trường hợp rất lạ là giới tài chính vẫn rì rầm với nhau lập luận: Ông Minh Him Lam chưa được xếp vào hàng ngũ tỷ phú, bởi ông Minh chưa thực hiện phi vụ nào có ý nghĩa quyết định và thật sự táo bạo.

Đã có lần ông Minh đưa ra phát biểu để đời mà rất nhiều người thấy tâm đắc. Phát biểu ấy của ông mang đến cảm nhận như là ông đang rút gan rút ruột ra để tâm sự, để trải lòng, hay ông đang bộc bạch cảnh báo chính ông có chí, có học thức mà không có gan thì không giàu được. Ông ấy cũng khuyên các bạn trẻ muốn khởi nghiệp được thì phải có gan, phải máu lửa, phải liều thì mới thành công.

Câu ông Minh nói trong giới có nhiều người đã được nghe nhưng bối cảnh xuất hiện câu nói ấy thì có nhiều người không được biết. Dư luận đồn rằng, ông Minh đang so sánh với chủ một ngân hàng khác, người cũng có xuất phát điểm như ông, cũng nắm trong tay cả bất động sản và ngân hàng. Sự khác biệt có chăng chỉ là ở chi tiết rất dễ bị lướt qua, là việc nhanh chóng kiếm cho mình quyền sở hữu một bank. Trong khi đó, ông Dương Công Minh quyết định chuyển qua lĩnh vực tài chính ngân hàng muộn hơn. Sự muộn màng ở đây có liên quan gì đến vế sau “không có gan thì không giàu được” trong câu nói mà ông khiến nhiều người tâm đắc?

Sự muộn màng ấy có khi lại là cái duyên của doanh nhân Dương Công Minh! Và, chặng đường phía trước của vị doanh nhân đã 61 tuổi này vẫn còn rất nhiều việc phải làm...

Và quan trọng hơn, khi đã có hoài bão, có gan, có sự máu lửa thì để thành công, chắc chắn phải có những cơ hội.

Từ tất cả những gì ông Dương Công Minh đã làm, nhất là những lần chọn - bỏ; bỏ - chọn liên tục trong mấy chục năm qua - điều chưa có ai ở Việt Nam trải qua và làm được, tôi chợt nhớ đến câu nói của một diễn viên người Mỹ: “Nếu cơ hội không gõ cửa, hãy tạo ra một cánh cửa”.

Ông Dương Công Minh là con người luôn có những hành động như vậy...

Dương Công Minh Sacombank
09/07/2021 06:00

 

  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top