Aa

Đường sắt cao tốc xuyên Á có thể làm thay đổi bộ mặt BĐS nhiều nước

Thứ Sáu, 07/04/2017 - 02:01

Tuyến đường sắt xuyên Á dự kiến sẽ liên kết các quốc gia trong khối ASEAN với nhau và với Trung Quốc. Kế hoạch này sẽ tạo cơ hội cho không chỉ các nhà đầu tư mà còn cho các doanh nghiệp và cư dân của những thành phố dọc theo tuyến đường.

Đường sắt xuyên Á kết nối các quốc gia 

Tuyến đường sắt xuyên Á được lấy ý tưởng từ bài phát biểu của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vào năm 1995. Tuyến đường này được lên kế hoạch nhằm nối giữa Singapore với Côn Minh (ở phía Tây Nam Trung Quốc), đi ngang qua Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi trở về Trung Quốc. Các đường nhánh sẽ nối Thái Lan với Myanmar và Lào.

Dự kiến khi hoàn thành, mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ làm giảm thời gian di chuyển giữa các quốc gia và tiết kiệm nhiên liệu. Yếu tố quan trọng nhất là các dự án sẽ được phát triển không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn ở những khu vực quá cảnh của tuyến tàu.

Tuy nhiên quá trình thực hiện kế hoạch đường sắt xuyên Á đang được triển khai chậm. Hiện tại, kế hoạch triển khai tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur – Singapore đã được ký kết bởi chính phủ Malaysia và Singapore vào năm 2016. Malaysia và Thái Lan cũng đang trong tiến trình đàm phán để xây dựng tuyến đường kết nối Kuala Lumpur và Bangkok.

Giới nghiên cứu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác xây dựng tuyến đường chậm trễ là do Nhật Bản và Trung Quốc "tranh nhau" tài trợ cho các dự án đường sắt cấp chính phủ và đấu thầu xây dựng cho các công ty. Được biết, hai quốc gia này đều có nhiều kinh nghiệm về đường sắt cao tốc. 

Đường sắt cao tốc tạo độ hấp dẫn cho thị trường BĐS

Theo ông Chua Yang Liang, Giám đốc Nghiên cứu Đông Nam Á của JLL, các tuyến đường sắt hiện đại không chỉ tạo ra nhiều trung tâm mới tại các thành phố nơi có trạm dừng mà còn đem lại nhiều cơ hội đầu tư ở những khu vực xa hơn. Vị này tin rằng các dự án bán lẻ, khách sạn và văn phòng sẽ mọc lên như nấm xung quanh các nút giao thông. “Sentral ở Kuala Lumpur là một ví dụ điển hình về việc các kết nối giao thông mạnh mẽ đã thúc đẩy thị trường văn phòng, bán lẻ và cộng đồng cư dân như thế nào”, ông nói thêm.

Trong khi đó, ông Steven McCord, Giám đốc Nghiên Cứu phía Bắc Trung Quốc của JLL cho rằng, tại những thành phố đông dân, các tuyến đường sắt sẽ nối liền với giao thông toàn thành phố. Tại Nhật Bản và Hồng Kông, các dự án phát triển phức hợp thường “đặt chỗ” ngay tại các trạm tàu, và sau đó trở thành những điểm đến hấp dẫn.

Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho thấy ảnh hưởng của đường sắt cao tốc tới các dự án BĐS. Ông McCord cho biết, đường sắt cao tốc không chỉ thay đổi cảnh quan mà còn có thể thay đổi cả suy nghĩ. “Trước kia người dân Bắc Kinh đã từng nghĩ Thiên Tân cách họ rất xa, mất cả ngày dài để di chuyển. Ngày nay họ xem nơi đây như sân sau của mình”, McCord nói.

Ngoài ra, tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải vừa là tuyến cao tốc lớn nhất thế giới, vừa mang lại lợi ích nhiều nhất. Nó cũng thúc đẩy sự tăng trưởng ở Nam Kinh, Thường Châu, Vô Tích và Tô Châu.

Theo Ông Warner Brown, Phó Giám đốc Nghiên cứu tại Thượng Hải: “Đường sắt cao tốc cũng có nhiều ảnh hưởng đối với các vùng còn khó khăn”. Ông vẫn đang theo dõi mức ảnh hưởng của tuyến Thượng Hải – Côn Minh lên địa bàn tỉnh Quý Châu, một trong những khu vực kém phát triển nhất của Trung Quốc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top