Aa

Gặp những người giữ hồn dân tộc qua tranh dân gian

Thứ Bảy, 09/02/2019 - 12:00

“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là những thú chơi tao nhã của người Việt từ thuở xa xưa mỗi dịp Tết đến, xuân về. Trong cuộc sống hiện đại, tranh còn cần phải làm tròn sứ mệnh của mình để phù hợp hơn với thẩm mĩ, thị hiếu của người chơi.

Hơi thở, sức sống mới

Trước khi du nhập nền văn minh phương Tây thì tranh dân gian đã chiếm vị thế chủ đạo. Và tranh Tết dân gian thường rất đa dạng về thể loại, nhưng thường là thông điệp, lời chúc một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý…. Nói đến tranh dân gian, không thể không nhắc đến tranh Hàng Trống, dòng tranh được đánh giá là mang bản sắc và thẩm mĩ riêng của dân thành thị.

Tranh Hàng Trống không phải là tranh sản xuất hàng loạt như tranh Đông Hồ mà sau khi in nét chính, phải dùng bút màu tô, vờn… nên mỗi bức tranh đều mất rất nhiều thời gian. Tranh Hàng Trống hiện nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên (Hà Nội) sáng tác. Theo đánh giá của nghệ nhân, không có chuyện giới trẻ quay lưng lại với dòng tranh dân gian, mà ngược lại những năm gần đây, các bạn trẻ rất yêu thích đặt tranh ông vẽ cả ở trong nước, ngoài nước, đình, chùa, miếu mạo, các cửa hàng lưu niệm, họ mua tranh để treo trang trí nhà cửa, phục vụ nhu cầu tâm linh….

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã có hơn 50 năm trong nghề, ông hiện giờ vẫn rất bận rộn, say mê với công việc.

Ông chia sẻ: “Sau bao nhiêu năm, tình yêu đối với nghề của tôi đến nay chưa khi nào nguội, còn sức khỏe thì tôi còn vẽ vì thứ nhất, nó nuôi mình, vẫn rất nhiều người yêu thích đặt tranh của tôi, tôi vẽ không kịp bán vì thời gian cho một bức tranh có thể một ngày, nửa ngày, một tuần, nửa tuần, có khi cả tháng tùy theo độ cầu kỳ của mỗi bức tranh. Nhưng không vì thế mà tôi vẽ ẩu. Dòng tranh này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, tinh tế. Có tài năng, có kỹ thuật nhưng còn cần cả cái tâm. Lý do thứ hai, đó là đam mê của tôi từ thuở thiếu thời, tôi muốn khắc họa lại cuộc sống, níu giữ lại tâm tưởng của ông cha”.

Nghệ nhân hiện tại cũng đang truyền nghề lại cho con trai của mình, ông tâm niệm, cần có thời gian, không nên ép buộc, khiên cưỡng, nghệ thuật là vậy, sáng tác nghệ thuật cần có sự thoải mái trong tâm tưởng, trong suy nghĩ mới có thể hết mình với nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (nghệ nhân đời thứ 20 theo nghiệp tranh trong làng Đông Hồ hay còn gọi là làng Đông Khê, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), mỗi ngày vẫn đón hàng chục đoàn du khách trong và ngoài nước tới tham quan và mua tranh. Tranh Đông Hồ những năm gần đây vẫn là món ăn tinh thần cho du khách thập phương.

Tranh đỏ Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức – Hà Nội) là dòng tranh từng được người kinh kỳ ưa chuộng mỗi dịp Tết đến. Sau thời gian dài đứt đoạn, dòng tranh đang dần được khôi phục bởi những người tâm huyết với di sản. Năm 2015, nhà sưu tầm tranh dân gian Nguyễn Thu Hòa bắt đầu triển khai dự án khôi phục làng nghề Kim Hoàng.

Chị Nguyễn Thu Hòa chia sẻ: “Để gây dựng và phát triển một dòng tranh lớn không phải chuyện một sớm một chiều, yếu tố quan trọng nhất hiện nay chính là yếu tố nhân lực, tìm được người yêu tranh, có năng khiếu, kiên trì, đáp ứng đủ những phẩm chất để có thể theo đuổi dòng tranh này rất khó khăn, khó đào tạo. Dòng tranh này hiện nay cũng chỉ có một người thừa kế, là anh Đào Đình Trung, một người con của làng Kim Hoàng. Vấn đề về giá thành, chiến thuật về giá rất quan trọng để tranh có thể “sống” được. Sắp tới, về lâu dài chúng tôi mong muốn phát triển dòng tranh này qua du lịch, tiếp cận với khách du lịch trong nước, bởi người Việt Nam phải yêu tranh dân gian của mình thì tranh mới có cơ hội phát triển được. Chúng tôi cũng mong Nhà nước đẩy mạnh vấn đề truyền thông hơn nữa để nhiều người Việt Nam quan tâm hơn”.

gap nhung nguoi giu hon dan toc qua tranh dan gian
Lê Đình Nghiên là nghệ nhân duy nhất còn sáng tác tranh Hàng Trống sau hơn 50 năm theo nghề.

Tranh dân gian nên giữ nguyên hình thức, chất liệu, cách thể hiện

Là người am hiểu, có tiếng nói trong lĩnh vực nghệ thuật, nhà phê bình mỹ thuật, PGS.TS Trang Thanh Hiền (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) có những chia sẻ về ý nghĩa của dòng tranh dân gian.

“Tôi nghĩ rằng, dù có thế nào, tranh dân gian xưa vẫn nên giữ nguyên hình thức, chất liệu, cách thể hiện, đừng thay đổi, đừng đánh mất nét đẹp quý giá của mình. Chỉ có duy nhất một điều chúng ta cần thay đổi. Đó là chú trọng khâu quảng bá, truyền thông cho giới trẻ hiểu về ý nghĩa rồi đi đến yêu thích dòng tranh này. Cùng với nón lá, áo dài…. thì tranh dân gian cũng là một di sản văn hóa mà chúng ta cần gìn giữ, phát huy để nhắc đến Việt Nam là nhớ đến những “đặc sản” ấy. Chúng tôi, mỗi năm đều rất nỗ lực triển khai những dự án đưa tranh dân gian đến gần hơn với giới trẻ qua các triển lãm hay tổ chức các cuộc thi vẽ, dạy vẽ cho thiếu nhi… nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ thực sự ở cấp Trung ương nên gặp rất nhiều khó khăn.

gap nhung nguoi giu hon dan toc qua tranh dan gian
Nhà Phê bình mỹ thuật, PGS.TS Trang Thanh Hiền bày tỏ: “Tranh dân gian xưa vẫn nên giữ nguyên hình thức, chất liệu, cách thể hiện, đừng thay đổi, đừng đánh mất nét đẹp quý giá của mình”.

Năm nay, chúng tôi thực hiện việc in tranh dân gian trên bao lì xì, đằng sau có giải nghĩa các bức tranh. Giá thành in một bức tranh trên một phong bao đắt hơn nhiều so với các phong bao lì xì nhập tràn lan từ Trung Quốc. Chúng tôi xác định hòa thậm chí lỗ vốn những chúng tôi vẫn làm để thông qua đó, khơi dậy, đánh thức trong tâm tư tình cảm của thế hệ trẻ sự tò mò, sự yêu thích về dòng tranh này”.

Tranh dân gian hiện nay không còn ở thời kỳ cực thịnh, nhưng thú chơi tranh, người yêu nét đẹp dung dị, mộc mạc của những bức tranh dân gian thì vẫn còn. Cùng với sự bảo tồn, cần hơn nữa sự quảng bá để dòng tranh dân gian sống một cách bền vững và phát triển. Để nét đẹp của thú chơi tranh ngày Tết sẽ mãi được các thế hệ người Việt Nam lưu giữ cho hôm nay và cho cả mai sau.

Mai Linh

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top