Aa

Ghi chép vụn vặt tại xứ Hàn

Thứ Bảy, 28/12/2019 - 06:28

Nhìn cách sống của người trẻ Hàn, ta tưởng như họ trút bỏ hết lớp áo của truyền thống dân tộc in đậm lên văn hóa đời sống Hàn. Thế nhưng, không phải vậy chút nào.

Người Hàn Quốc vẫn dùng loại chữ Hangeul cho đến ngày nay. Ai bảo Hàn Quốc lạc hậu?

Những giáo sĩ phương Tây, họ là những người góp công trong buổi đầu tìm cách ký âm bằng Latin để hiểu tiếng Việt. Từ đó về sau người Việt dùng nó trong tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ cho riêng mình là cả một chặng đường.

Chữ Hàn - Hangeul, được biết đến qua cuốn Huấn Dân Chính Âm của Hoàng đế Thế Tông, ông trị vì từ năm 1418 - 1450. Và chữ Hangeul được sáng tạo vào khoảng thời gian 1433.

Huấn Dân Chính Âm là cuốn sách cổ từ đó, ghi lại việc vị hoàng đế này nói về loại chữ Hangeul được sáng tạo ra để ghi âm tiếng nói của người Hàn: Hankukò. Đọc sơ cuốn dạy tiếng và chữ Hàn ta biết ngay được điều đó.

Người Hàn Quốc tự hào về điều đó, về vị hoàng đế tên Lý Đào - Thế Tông dưới triều đại Sejong đã đem lại thịnh vượng và phát triển thứ chữ viết Hangeul cho dân tộc trải dài hơn 600 năm qua.

Người nước ngoài học tiếng Hàn, ngay bài học đầu tiên phải biết điều trên.

Tiếng dân tộc, chữ viết dân tộc là thước đo sự phát triển văn minh của dân tộc đó.

Đó phải là niềm tự hào của dân tộc. Vì vậy người nước ngoài khi bắt đầu học tiếng Hàn dễ dàng nhận ra ngay điều đó ở bài học đầu tiên.

Còn ở nước ta thì sao?

Cái tôi muốn nói ở đây là văn hóa. Đó là tập tục, là cách chào nhau theo truyền thống của dân tộc. Đó là ngày lễ cúng tổ tiên của dân tộc. Đó là trang phục truyền thống của dân tộc. Đó là hình ảnh gia đình lớn bé đi viếng mộ. Đó là trò chơi truyền thống dân tộc trong ngày lễ tết ngay trong những bài học đầu tiên của trang sách dạy học tiếng.

Người Việt mấy mươi năm qua xem phim Hàn. Ta chứng kiến giới trẻ Hàn quốc có nếp sống rất "Tây", rất hiện đại. Sự trỗi dậy giàu có, phát triển nhanh chóng của đất nước Hàn Quốc sau chiến tranh, làm thay đổi nhanh và táo bạo mọi cấu trúc xã hội truyền thống. Nhìn cách sống của người trẻ Hàn, ta tưởng như họ trút bỏ hết lớp áo của truyền thống dân tộc in đậm lên văn hóa đời sống Hàn. Thế nhưng, không phải vậy chút nào.

Đến đây mới hiểu ông cha ta nói không sai: "Phú quý sinh lễ nghĩa". Càng phát triển kinh tế, văn hóa càng cần được bảo vệ và phát triển không kém phần quan trọng. Tầm vóc quốc gia, nhất là các quốc gia châu Á có thời gian hình thành văn hóa truyền thống lâu đời càng cần phải có chiến lược bảo tồn phát triển cấp thiết.

Trước năm 1443, người dân Triều Tiên (Nam - Bắc Hàn) dùng chữ cổ, Hán ngữ.

Đến nay, họ vẫn còn dùng chữ Hán trong các trường hợp đặc biệt như các văn bản cổ, các văn bia, kinh sách. Và nước Hàn đang xem xét lại việc, phải đưa loại chữ Hán vào lại học đường để người Hàn không mất liên lạc với quá khứ được tạo dựng từ nền văn minh Hán ngữ cổ của tổ tiên họ.

Tôi có dịp trò chuyện cùng Giáo sư An (安 景 煥 Ahn Kyong Hwan), người Hàn Quốc duy nhất dịch Truyện Kiều ra tiếng Hàn. Tôi hỏi giáo sư và biết ngay ông dịch được Truyện Kiều là bởi ông biết tiếng Hán cổ.

Ông tâm sự, ông là thế hệ cuối cùng khi chữ Hán bị loại bỏ khỏi học đường. Và may mắn cho vị giáo sư này là ông tiếp cận được với tác phẩm văn học vĩ đại Truyện Kiều nhờ biết Hán ngữ.

Năm 1127 Lý Dương Côn (chữ Hán: 李陽焜) là con nuôi Lý Nhân Tông rời Đại Việt đến Cao Ly. Đây là dòng họ Lý đã làm nên dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn. Sau 100 năm, có Lý Long Tường, con thứ 7 Vua Lý Anh Tông đến Cao Ly. Lý Tính Thiện chính là dòng tộc Lý thứ 2 đang rất phát triển ở Hàn Quốc.

Sự vĩ đại trong chống giặc giữ nước và thông thái của giống nòi ta đã đem đến trên đất Hàn các vị vua và tướng anh minh vĩ đại. Cuộc đánh bại quân Mông Cổ dưới thời các vị vua trước Thế Tông (Lý Đào - vị vua sáng tạo chữ Hangeul) nhờ có vị tướng họ Lý của dòng giống Lý Dương Côn.

Tìm hiểu một chút lịch sử chữ viết, ta biết, dưới thời vị vua anh minh Trần Nhân Tông, văn bản triều đình được tuyên đọc bằng 2 văn tự Hán và Nôm. Chữ Nôm phát triển rực rỡ đã tạo nên những nhà văn hóa tư tưởng lớn và những tác phẩm văn học lớn xuất hiện, nhìn nhận lịch sử là một tiến trình và nhận ra gốc rễ văn hóa văn minh mà tiền nhân xây dựng là điều vô cùng quan trọng.

Hàn Quốc là quốc gia chấp nhận đa văn hóa. Người Hàn lấy vợ Việt Nam rất đông. Khoảng 75.000 cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc và khoảng 20.000 lưu học sinh đang học tại Hàn Quốc. Đây là con số không hề nhỏ bé.

Đất nước Hàn chú trọng lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc. Từ những màu sơn được quy định, chỉ dùng trong các ngôi chùa. Trải nghiệm văn hóa “ở chùa” được biến thành hoạt động du lịch mũi nhọn của quốc gia do chính Bộ Văn hóa Hàn Quốc quản lý và tổ chức. Tất cả đều phải theo một lộ trình hoạt động và mang màu sắc truyền thống. Những cách ăn mặc, chào hỏi,... đều được quy ước rõ ràng.

Việt Nam, với bề dày lịch sử và nền văn hóa rực rỡ mà chúng ta luôn tự hào,  không chỉ là sự xuất hiện của áo dài, nón lá, của cành mai, cành đào ngày Tết. Văn hóa có mạch nguồn sâu hơn và chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam. Ấy chính là tâm thức hiếu đạo, tâm thức của một dân tộc trọng hai chữ ân nghĩa.

Chúng ta sẽ làm gì để tôn vinh nền văn hóa bản địa? Chúng ta sẽ làm gì trong đời sống hàng ngày và mỗi dịp tết hay lễ hội, người nước ngoài cảm được, thấy được nét đẹp văn hóa của Việt Nam ta? Ly hương, bất ly tổ - chính là tiếng vọng tự ngàn đời của cha ông.

Nhận thức đâu là nền tảng, đâu là gốc rễ của vấn đề chính là nền tảng cho phát triển và bảo tồn văn hóa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top