Aa

Giảm tải cho Hồ Gươm

Thứ Tư, 05/12/2018 - 23:30

Đã rất nhiều lần, chúng tôi đặt vấn đề: Vì sao Hà Nội cứ động đến Hồ Gươm là ồn ào và sau rất nhiều lần lặng lẽ dừng các dự án sau sức ép dư luận, người ta vẫn tiếp tục nhồi vào khu vực này các dự án nọ dự án kia? Hồ Gươm quá bé nhỏ so với Hà Nội hôm nay đã mở ra rất rộng. Vì thế nếu có bàn gì đến Hồ Gươm thì hãy nghĩ đến việc giảm tải cho nó, thay vì bàn việc triển khai dự án, bất kể là gì!

(Ảnh: Philippe Lê)

(Ảnh: Philippe Lê)

Trong vòng khoảng 20 năm qua, có thể nói chuyện về Hồ Gươm lúc nào cũng ồn ào. Có thể kể đến những Khách sạn Hà Nội Vàng (khi đó dự án được cho là vi phạm chiều cao và thể khối quá lớn), cải tạo nhà “Khai Trí Tiến Đức”, toà nhà “hàm cá mập”… Vừa mới năm 2014, Hà Nội định xây một trung tâm thông tin văn hoá bên Hồ Gươm, cạnh không gian Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 2016, một khách sạn bên Hồ Gươm lặng lẽ được cho xây lên, bất chấp dư luận hồi ấy…

Còn dai dẳng, dữ dội nhất, bàn từ năm nọ qua năm kia là nhà ga C9 tàu điện ngầm dự định đặt ngay bên Hồ Gươm. Điều đáng kinh ngạc là lộ trình của tuyến tàu điện ngầm có nhà ga C9 ở Hồ Gươm được khởi nguồn từ năm 2006, ngần ấy năm, Hà Nội đã mở rộng, đã phát triển khác xa rồi, không hiểu vì sao dự án tuyến đường sắt số 2 của Hà Nội vẫn khư khư rằng phải có một nhà ga (mang tên C9) đặt bên Hồ Hoàn Kiếm?

Chúng tôi nói cái nhà ga C9 tàu điện ngầm là một việc quá dai dẳng là bởi vì khi đi tìm tư liệu, ngay trên báo Đại Đoàn kết cũng đã năm này qua năm khác có ý kiến về công trình này. Cả chục năm qua, tới năm 2018 này, vừa mới cách đây hơn 1 tuần, tại buổi tọa đàm “quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 – ga hồ Hoàn Kiếm thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội” vẫn còn có các ý kiến chưa thống nhất. Và được biết rằng, Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch vẫn chưa có văn bản đồng ý với việc đặt ga ngầm C9 ở Hồ Gươm…

Vì sao sau nhiều năm, khi Hồ Gươm đã trở thành một tuyến phố đi bộ dịp cuối tuần, người ta vẫn tư duy về nó như một đầu mối giao thông? Ở đây, chúng tôi không bàn cụ thể về các giải pháp ở góc độ chuyên môn, chỉ thấy việc nên làm là ngay cả người đi bộ thì cũng càng hạn chế lượng người vào Hồ Gươm càng tốt.

Hồ Gươm đang cần một tư duy giảm tải và làm cho nó sang trọng lên. Ngay cả việc biến không gian Hồ Gươm thành khu phố đi bộ cũng đang cần một giải pháp khác, sang trọng hơn hiện nay. Chẳng hạn như việc mà Huế đã làm được là những bảo tàng Điềm Phùng Thị hay Lê Bá Đảng bên bờ sông Hương. Nó làm cho Huế trở nên cực kỳ giàu có về văn hoá. Hà Nội bên Hồ Gươm đang để những trò chơi đường phố lấn át, trong khi cần một diện mạo văn hoá hơn rất nhiều. Những nhà triển lãm thành phố quanh khu vực này đang cực kỳ lãng phí khi không tạo ra một không gian nghệ thuật đẳng cấp.

Có lần, khi chúng tôi đặt câu hỏi với nhà sử học Dương Trung Quốc, rằng vì sao không gian Hồ Gươm luôn luôn bị đe dọa “xẻ thịt”, ông Quốc đã lý giải: Một không gian văn hoá luôn chứa đựng những giá trị kinh tế. Nó là nơi thu hút người dân và du khách trước hết vì những giá trị văn hoá, nhưng những người đó cũng có thể là khách hàng cho việc mua sắm và sử dụng dịch vụ. Hồ Hoàn Kiếm tự nó cũng đã là một “thương hiệu” lớn. Cho nên, “miếng mồi” lợi nhuận ấy vẫn luôn luôn bị “rình rập”.

Có cùng một quan điểm này, KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cũng cho rằng trong khoảng 20 năm trở lại đây kiến trúc quanh Hồ Gươm đã có nhiều biến đổi theo hướng tiêu cực. Và nguyên do là vì mảnh đất này có giá trị cao, được gọi là đất “vàng”, đất “kim cương”. Là chỗ mà vì lợi ích kinh tế các chủ đầu tư trong và ngoài nước vẫn đã và đang nhắm tới.

Quan trọng hơn, chúng ta chưa đưa ra được một quy hoạch bền vững cho Hồ Gươm. Một quy hoạch tổng thể hợp lý với ưu tiên cho không gian, hạn chế các công trình xây dựng nhưng đồng thời cũng phải hoàn thiện các không gian hiện có. Bởi vì tại đây vẫn còn những vị trí rất lộn xộn và xấu xí.Chỉ với một quy hoạch tổng thể cả khu vực Hồ Gươm thì mới giải quyết được căn bản.

Nhớ hồi KTS. Đoàn Đức Thành còn sống khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao Hà Nội luôn vội vàng trong việc quyết định những dự án thiếu tính thuyết phục tới mức rất nhiều trong số đó sau khi vấp phải phản ứng của dư luận đã phải lặng lẽ dừng, ông Thành có lần đã nói rất thẳng thắn: “Tôi có cảm giác bộ máy giúp việc của Hà Nội hơi yếu…”

Câu chuyện về những dự án bên Hồ Gươm định triển khai rồi vấp phải ý kiến công luận mà dừng lại cho thấy một sự bị động rõ ràng trong quá trình phát triển của Hà Nội nhiều thập kỷ qua. Cách đây khá lâu Hà Nội đã từng phát động một cuộc thi “Quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận”, cũng đã chọn ra được các đồ án để trao giải nhưng lại không được triển khai thành quy hoạch chính thức.

KTS. Hoàng Thúc Hào - người cùng với các cộng sự được trao giải cao nhất (hình như giải Nhì không có giải Nhất) trong cuộc thi ngày ấy đã có những ý tưởng táo bạo, trong đó mở ra một không gian thông từ Nhà thờ Lớn ra khu vực Hồ Gươm. Nhưng đồ án của KTS Hào nhiều năm qua vẫn chỉ là một cái giải thưởng và vẫn nằm trên giấy.

Nhiều năm sau, khi trả lời phỏng vấn, KTS. Hoàng Thúc Hào cho rằng Hà Nội cứ hễ động đến Hồ Gươm là vẫn tranh luận vì vẫn chưa có giải pháp cụ thể để ứng xử với Hồ Gươm. Nhớ về giải pháp kiến trúc từng đưa ra, Hoàng Thúc Hào vẫn trung thành với ý tưởng: “Giải pháp khả thi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị không gian Hồ Gươm là kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn xung quanh hồ bằng việc tạo dựng trung tâm văn hóa cộng đồng, quảng trường, bảo tàng… trên cơ sở tôn trọng hình thái kiến trục đô thị gốc của khu vực”. Trong đó, trước mắt cần bảo tồn hình thái khu phố cổ phía Bắc, nhà lô phố Pháp phía Nam, gìn giữ và chỉnh trang cấu trúc nhà trải dài theo mặt phố Lê Thái Tổ. Riêng khu vực đất Tổng công ty Điện lực, Sở VHTT hình thái lộn xộn, không đồng nhất, chủ trương tạo dựng nơi đây thành trung tâm văn hóa cộng đồng kết hợp sân khấu biểu diễn ngoài trời…

Ước mơ về việc kiến tạo những không gian mở quanh Hồ Gươm vẫn là ước mơ riêng của Hoàng Thúc Hào.

Và cho đến năm 2018 này, câu chuyện nhà ga tàu điện ngầm bên Hồ Gươm cho đến hiện nay vẫn chưa thống nhất được cũng là việc rõ ràng nằm trong vấn đề quy hoạch Hồ Gươm. Hà Nội muốn ứng xử với Hồ Gươm như thế nào? Câu trả lời ấy phải được thể hiện trong một bản đồ quy hoạch. Và cứ thế mà thực hiện. Thật đáng tiếc khi một không gian quan trọng như Hồ Gươm mà cứ hễ có việc lại gây tranh cãi ồn ào. Sau vô cùng nhiều những ý kiến, những khuyến nghị, cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được bao nhiêu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top