Aa

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nợ xấu ngân hàng có tăng?

Chủ Nhật, 17/02/2019 - 06:00

Gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong đó có nội dung TCTC hỗ trợ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

TCTD hỗ trợ là tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Hiện tại, các TCTD hỗ trợ gồm có BIDV (hỗ trợ DAB), Vietcombank (hỗ trợ CB) và Vietinbank (hỗ trợ Oceanbank, GP bank) là 3 ngân hàng có tổng số dư tiền gửi khách hàng chiếm trên 40% tiền gửi toàn hệ thống.

Thực chất, đây chỉ quy định phù hợp với khoản 7 điều 148đ của Luật số 17/2017/QH14, không phải là nội dung mới.

Cung tiền tăng, lo ngại nợ xấu tăng?

Theo Tiến sĩ Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, dự trữ bắt buộc (DTBB) là một trong năm công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Việc giảm DTBB có thể giúp giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

“Trong điều kiện hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động chưa giảm nhiều so với trước tết, nhiều ngân hàng vẫn đang huy động với lãi suất trên 8%, nên cơ hội và điều kiện giảm lãi suất cho vay là cực khó.

Thủ tướng đã có chỉ đạo trong năm nay phải hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Việc giảm tỷ lệ DTBB sẽ giúp giảm chi phí cho ngân hàng, theo đó, sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà băng giảm lãi suất cho vay”, TS.Tín nói.

Dù vậy, một vấn đề khiến nhiều chuyên gia lo ngại, là nợ xấu hệ thống có thể gia tăng một khi các "ông lớn" được giảm tỷ lệ DTBB do cung tiền ra lưu thông tăng.

Theo TS. Bùi Quang Tín, trong năm công cụ điều hành chính sách tiền tệ, ngoài DTBB còn có cả hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Năm nay, NHNN quyết tâm hạn tăng trưởng tín dụng xuống còn 15%, thấp hơn so với các năm trước.

“Việc siết lại tín dụng cũng đồng nghĩa với việc NHNN cần mở ra kênh khác để dòng vốn hỗ trợ doanh nghiệp được lưu thông. Còn đối với nợ xấu, nợ xấu hệ thống có rất nhiều biến số tác động tới mà lượng tiền cung chỉ là một nhân tố. Việc siết dự trữ chưa chắc đã giúp nợ xấu hệ thống giảm, do vậy, chúng ta thử đặt câu hỏi ngược lại, nếu giảm DTBB có thể khiến nợ xấu tăng?”, TS đặt câu hỏi.

Giảm dự trữ bắt buộc không ảnh hưởng nhiều đến chính sách tiền tệ?

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu tại SSI Research, thông tin giảm DTBB đối với một số TCTD sẽ không có nhiều tác động đến chính sách tiền tệ.

Theo lý giải của tổ chức này, thứ nhất, vì từ dự thảo đến thực tế có độ trễ thời gian khá lớn và ngay cả trong trường hợp được ban hành, tỷ lệ DTBB được giảm của từng ngân hàng sẽ còn phụ thuộc vào khoản hỗ trợ thực tế. Khoản hỗ trợ thực tế sẽ được xem xét và chấp thuận rất chặt chẽ và có thể thấp hơn nhiều con số 50%.

Thứ hai, tỷ lệ DTBB hiện tại đã ở mức rất thấp (3% với tiền gửi VND dưới 12 tháng và 1% với tiền gửi VND từ 12 tháng trở lên).

Thứ ba, tỷ lệ DTBB theo quy định là mức tối thiểu, thực tế các NHTM có thể gửi NHNN vượt con số này và được hưởng lãi trên phần vượt, vì vậy việc giảm tỷ lệ DTBB tối thiểu không đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền tương ứng được bơm ra thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top