Aa

Gian truân và ngọt ngào hành trình đưa cáp treo vào rừng mưa nhiệt đới Barron

Thứ Ba, 12/09/2017 - 23:01

Để xây dựng hệ thống cáp treo trên rừng quốc gia Barron Gorge (Úc), người ta đã phải sử dụng trực thăng Russian Kamow để vận chuyển vật liệu. Ngoài ra, máy bay cũng được yêu cầu phải bay cao trên 100m so với đỉnh rừng để tránh gây ra sự hỗn loạn không khí đối với các tán cây của khu rừng nhiệt đới nhạy cảm này.

Ngày nay, khi đến thăm rừng quốc gia Barron Gorge (Úc), thay vì nhiều tiếng đi bộ trong rừng, khách du lịch có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp của di sản thế giới này thông qua hệ thống cáp treo. Tuy nhiên, ít ai được trước đó đã từng có những ý kiến phản đối việc xây dựng công trình này vì lo ngại gây ảnh hưởng đến di sản.

Công viên quốc gia Barron Gorge, Cairns, Queenland, Úc được UNESCO công nhận là rừng mưa di sản thế giới (World Heritage rainforest) trong cuốn Di sản nhiệt đới ẩm thế giới (Wet Tropics World Heritage Area). Nó được hình thành nhờ con sông Barron chảy qua vách đá phía tây của Atherton Tablelands với thác nước Barron kỳ vĩ đổ xuống từ độ cao 265m cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Vì vậy, bất kỳ một quyết định nào có ảnh hưởng đến công viên đều được cân nhắc cách hết sức kỹ lưỡng. Và quyết định xây dựng hệ thống cáp cáp treo rừng mưa ở Cairns, Queensland trải dài 7.5km dọc công viên cũng không phải là ngoại lệ.

Bản thiết kế hệ thống cáp treo này được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1987, tuy nhiên việc xây dựng hệ thống cáp treo khoang lớn để phát triển kinh tế lại khá nhạy cảm do nó nằm trong vùng di sản. Cho nên đã diễn ra không ít các cuộc tranh cãi giữa những nhà đầu tư xây dựng cáp treo và các chuyên gia – những người lo sợ ảnh hưởng của cáp treo đến di sản.

Cáp treo - cần thiết nhưng cẩn trọng

Dù vậy, chính phủ nước này nhận thấy việc phát triển cáp treo ở đây là một việc cần thiết để đưa vẻ đẹp nguyên sơ của một di sản đến cả thế giới có thể ngắm nhìn, dù tốn kém nhưng quyết phát triển du lịch và không quên bảo vệ di sản nhân loại.

Cho nên, thay vì tiếp tục phản đối, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng bắt tay vào tìm giải pháp. Trong suốt 7 năm sau đó, vô số những nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra tính khả thi của dự án và tìm ra phương án hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc xây dựng, vận hành cáp treo đối với môi trường, chẳng hạn như Nghiên cứu ảnh hưởng môi trường, các báo cáo – đánh giá, bài nghiên cứu ý kiến của người dân và chính quyền, tiểu bang và chính phủ…

Cáp treo ở rừng nhiệt đới Barron ngày nay

Cáp treo ở rừng nhiệt đới Barron ngày nay

Theo đó, để giảm ảnh hưởng của hệ thống cáp treo đến môi trường và cuộc sống hoang dã, một loạt các phương pháp đã được đưa ra. Người ta cũng thực hiện những cuộc khảo sát để đảm bảo không một loài động thực vật quý hiếm, bị đe dọa hay những loài có nguy cơ tuyệt chủng bị ảnh hưởng bởi công trình này.

Cuối cùng, đến tháng 6/1994, việc thi công cũng được bắt đầu thực hiện. Theo đó, các cabin sẽ đưa du khách đi trên các ngọn cây, cho phép họ ngắm nhìn rừng mưa từ trên cao. Đây cũng là hệ thống cáp treo dài nhất thế giới vào thời điểm nó được xây dựng, tức năm 1994 với 32 tháp, độ cao trung bình là 40.4m.

Quan trọng là phương án thực hiện

Trước khi xây dựng, lá cây, đất mặt sẽ được thu thập và dự trữ để sau khi quá trình xây dựng hoàn thành thì chúng sẽ được trả lại đúng hiện trạng. Hạt cây, cây con đều được phân loại và đánh dấu vị trí ban đầu của chúng rồi chuyển đi cất trữ trong suốt quá trình xây dựng và được trồng lại đúng vị trí khi đã hoàn thành công trình.

Mỗi tháp được xây dựng trên diện tích 10m x 10m và các chân cột được đặt xa nhất có thể để tạo ra nhiều diện tích hơn cho cây con phát triển bên trong và xung quanh tháp. Các móng tháp được xây dựng thủ công, hoàn toàn không sử dụng máy móc mà chỉ sử dụng xẻng hoặc cuốc, móng sâu 5m hoặc có thể hơn, kém tùy trường hợp.

Để xây dựng các tòa tháp, người ta sử dụng máy bay trực thăng Russian Kamow để mang những khung tháp nặng đến 5 tấn mỗi khung, các thiết bị và nguyên vật liệu để xây dựng các tháp vào bên trong khu rừng. Mặt khác, máy bay trực thăng cũng được sử dụng để nối các phần dây cáp giữa các tháp với nhau. Việc sử dụng trực thăng này có nghĩa rằng quá trình xây dựng sẽ không yêu cầu phá rừng để tạo ra đường chuyển trở giữa các tháp, từ đó giữ được khung cảnh tự nhiên của khu rừng.

Máy bay trực thăng được sử dụng triệt để để xây dựng các tháp của hệ thống cáp treo

Máy bay trực thăng được sử dụng triệt để để xây dựng các tháp của hệ thống cáp treo

Mặt khác, máy bay trực thăng cũng được yêu cầu phải bay cao trên 100m so với đỉnh rừng (độ cao trung bình của các tán cây) để tránh gây ra sự hỗn loạn không khí đối với các tán cây của khu rừng nhiệt đới nhạy cảm này. Do diện tích của các tháp là khá nhỏ và khá khó khăn trong việc nhận thấy từ trên cao nên người ta phải sử dụng hệ thống GPS, vệ tinh, sóng radio để liên lạc với phi công lái máy bay.

Do không có các con đường cho máy móc di chuyển nên công nhân thi công hoàn toàn phải đi bộ vào bên trong khu rừng và phải mang vác những dụng cụ thủ công của họ, trung bình họ mất 1 tiếng để di chuyển giữa các tháp.

Sau 15 tháng xây dựng với tổng chi phí là 35 triệu USD (vào thời điểm đó), hệ thống cáp treo ở khu rừng nhiệt đới di sản ở Cairns, Queensland đã được khánh thành vào ngày 31/8/1995. Đến nay, hệ thống cáp treo này đã nhận được hơn 20 giải thưởng cả trong và ngoài nước về thiết kế thân thiện môi trường và thúc đẩy du lịch. Nó vẫn được coi là một trong số những quyết định đúng đắn nhất khi phát triển du lịch ở khu vực di sản của Úc.

Bài viết có sử dụng thông tin từ cuốn Reducing the impacts of Development on Wildlife, trang Skyrail Rainforest Cableway và trang UNESCO.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top