Aa

Góc nhìn của KTS người Việt ở Pháp: Mềm dẻo là đặc tính của vỉa hè

Thứ Ba, 04/04/2017 - 02:45

Ở Việt Nam, các kiến trúc sư người Pháp học hỏi được việc một không gian đô thị đã được sử dụng với những cách thức đa dạng và còn phù hợp đặc thù kinh tế bán lẻ.

Ảnh: Viết Thành.
 

Hơn tháng nay khi theo dõi những tin tức và bàn luận xung quanh chuyện cái vỉa hè, tôi thấy khó lòng nói lên được một "quan điểm" trong vài câu chữ, vì nó không đơn giản là "đúng" hay "sai".

Với tôi, nó là một không gian cần đối xử đầu tiên bằng hiểu đúng về vai trò của nó, rồi mới đưa ra những chiến lược sử dụng, đa dạng và mềm dẻo trong từng bối cảnh cụ thể. 

Vì vậy, xin góp chút nhặt nhạnh của mình xung quanh chuyện vỉa hè, và những ví dụ được biết về "chiến lược sử dụng" nó mà tôi được tiếp xúc.

Vỉa hè Việt - sự ngưỡng mộ của người nước ngoài

Lần đầu tiên tôi ngạc nhiên là khi đọc một bài viết tiếng Pháp miêu tả về vỉa hè ở Việt Nam tầm năm 2000 với những ý như: "Vỉa hè của họ không chỉ là một thành phần của phố, không chỉ để đi lại, nó phơi bày tất cả cuộc sống của con người ở đây. 

Sự năng động và thông minh trong sử dụng vỉa hè thật sự làm kinh ngạc và thú vị. Đó là không gian đa năng để chung sống, gặp gỡ, buôn bán". 

Góc nhìn của KTS người Việt ở Pháp - bài 1: Mềm dẻo là đặc tính của vỉa hè - Ảnh 1.

Phố ở Paris

Cụ thể là như thế nào?

Sau này, làm việc với họ, tôi mới hiểu dần cái độc đáo, thông minh trong sử dụng vỉa hè của Việt Nam mà người châu Âu "thèm muốn".

Họ nói với tôi: " châu Âu, mọi thứ bị quy định theo luật lệ chặt chẽ, các không gian đô thị phân chức năng tách biệt rõ ràng nên trở nên khô cứng, không tạo điều kiện cho người sử dụng gặp gỡ nhau, trở nên nghèo nàn và không hấp dẫn, không có bản sắc".

Trong khi đó ở Việt Nam, họ học hỏi được việc một không gian đô thị (do chính họ mang concept vào) đã được sử dụng với những cách thức đa dạng và còn phù hợp đặc thù kinh tế bán lẻ.

Một đoạn vỉa hè mà căn nhà mặt tiền lớn bán hàng, trên tầng dùng để ở, một phần vỉa hè để xe máy, nép bên đầu ngõ có một quán nước nhỏ với vài ba cái ghế, dưới gốc cây là quán cắt tóc, sát vỉa hè lại một hàng vá xe, hay một góc sân chung của khu tập thể, sáng bán hàng ăn sáng, trưa quán cafe, chiều trẻ con chạy chơi, đến khuya lại ké thêm gánh hàng cháo...

Đó chính là một không gian đầy sinh động và "sống".

Tất cả sự năng động có phần "hỗn độn" ấy, là nguồn cảm hứng cho những nhà thiết kế Pháp.

Hồi đó, tôi lê la cả tuần cùng nhóm sinh viên làm tốt nghiệp đó, để đi ghi chép cụ thể, đánh dấu từng vị trí bác bơm xe, chị bán thịt nướng, gánh rau chợ tạm họp rồi tan lúc nào... trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

Để thấy không một hoạt động mưu sinh nhỏ hay to nào bị loại ra khỏi mối quan tâm của họ. Rồi sau vài tuần ngạc nhiên nhìn những đồ án họ trình bày, với những ký hoạ nho nhỏ "đặt" từng quán hàng ấy, không thiếu một ai, trong không gian mà họ đề xuất cải tạo.

Logic của người Pháp về vỉa hè (không gian công cộng nói chung): Hoạch định, chấn chỉnh theo nhu cầu sử dụng thực tế trên phương châm "cùng chung sống"

Trong vấn đề đô thị, vai trò của chính quyền là nắm thế chủ động trong định hướng "nắn", "điều tiết" đường lối phát triển, tạo điều kiện cho định hướng đó thành hiện thực, trong trách nhiệm quản lý của mình. 

Việc thiết kế, thi công và giám sát sử dụng phân chia cho những chức năng chuyên trách.

Trên thực tế, ở ta mỗi thành phần chức năng không được làm đúng vai trò của mình, nên việc chịu trách nhiệm trở nên phức tạp và chồng chéo nhau.

Mục đích của quản lý sử dụng những không gian như vỉa hè để tìm ra giải pháp "dung hoà" "cùng chung sống" "đa năng" mới là cách mà những thành phố ở châu Âu đang hướng tới.

Với con mắt người quy hoạch, không gian công cộng càng được sử dụng tối đa, càng nhiều người được sử dụng thì càng hiệu quả. Mọi chức năng được sinh ra là vì có nhu cầu của thực tế đòi hỏi, vậy việc quản lý là để nó được tồn tại trong sự kiểm soát của nhà chức trách.

Sự cấm đoán, dẹp bỏ cực đoan chỉ đẩy nó sang một vị trí khác, thời điểm khác, và sẽ luôn không trong tầm kiểm soát của chính quyền.

Họ đã "học" ta như thế nào?

Tư duy ấy tôi được kiểm chứng tại Pháp ở khắp mọi nơi, từ sách lý thuyết đến công việc thiết kế đang làm hiện nay, và trong thực tế trên phố phường tôi gặp.

Tuy vậy tôi được biết quan điểm mềm dẻo này cũng mới hai ba chục năm nay; và vẫn liên tục được thay đổi, cập nhật, thử nghiệm những biện pháp mới.

- Quán xá "lấn chiếm" vỉa hè: Hình ảnh khá "đặc trưng" của Paris và các thành phố lớn là các quán cafe với bàn ghế bày là liệt ra vỉa hè, thậm chí mùa đông còn là những khung kính, bạt nhựa trong phủ trùm lên các ghế ngồi lấn vỉa hè.

Các quán này muốn "lấn chiếm" phải xin phép, nếu được cấp phép phải đóng thuế đặc biệt riêng cho diện tích đó, cho thời gian cụ thể đó (chỉ cuối tuần/ giờ nhất định trong ngày).

Việc được phép bày ra vỉa hè tuỳ thuộc vào những hoạch định có sẵn (mà địa phương thuê người thiết kế nghiên cứu đề đạt ra).

Góc nhìn của KTS người Việt ở Pháp - bài 1: Mềm dẻo là đặc tính của vỉa hè - Ảnh 2.

Đại lộ Chams-Elysees

Tuy thuộc vào các yếu tố: Đoạn phố đó có trong chiến lược tập trung hoạt động kinh doanh không? không gian có đủ rộng để người đi bộ đi lại? (tối thiểu một, hai mét), chỗ đỗ xe có đủ?

Thường những tuyến phố trung tâm của đô thị lớn sẽ có chiến lược thu hút kinh doanh, du lịch, giải trí... Chính quyền cần thực hiện một loạt "điều kiện cần" để mục tiêu đó thực hiện.

Như một trong những dự án cải tạo trung tâm mà tôi đang làm ở một thành phố ngoại ô Paris: Thành phố nhờ nhà tư vấn phân tích để thấy tuyến phố nào nên phát triển, có sẵn những hoạt động nào đang diễn ra để củng cố thêm.

Giải pháp có thể là giảm tải giao thông qua đó trong thời điểm cần thiết, quy định lại tốc độ lưu thông, thu nhỏ mặt đường để tăng diện tích vỉa hè, tìm khoảng đất bỏ trống hay không được tận dụng tốt để làm chỗ đỗ xe tạm, chỗ bán hàng tạm, quy định giờ bán hàng trong một khung giờ/ngày nhất định, thậm chí chính quyền địa phương phải bỏ tiền ra mua lại một số vị trí sở hữu tư nhân để sử dụng theo mục đích công cộng hoặc mục đích theo định hướng phát triển của địa phương.

Song song những tuyến phố khác muốn hạn chế phát triển lại có những quy định khác như không cấp phép cho loại hình kinh doanh đó, hoặc không cho phép bày ra vỉa hè nếu vỉa hè quá nhỏ...

Mỗi vị trí, hoàn cảnh có cách xử lý tương ứng, không có một đáp án chung cho tất cả.

(Còn tiếp)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top