Xu hướng

Golf - quyền lực tối thượng với du lịch còn bỏ ngỏ

Xu hướng - 23:30, 02/04/2019 G4T+7 - Vy Thương

Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, golf đã được công nhận là lĩnh vực có tác động rất lớn đối với việc hút khách để phát triển ngành du lịch ở mọi quốc gia.

Ở Việt Nam hiện nay, thậm chí có nhiều khách quốc tế đến chỉ để chơi golf và sử dụng các dịch vụ liên quan. Tuy vậy, thị trường golf mới ở thời kỳ sơ khai và chưa có nhiều động lực cũng như cơ hội để bứt phá.

Khó nhất vẫn là định kiến

Nhìn ra thế giới và gần hơn là các nước láng giềng, có thể thấy, từ lâu, du lịch golf đã được tập trung đầu tư phát triển. Đơn cử như Thái Lan, golf được chọn là một trong 4 trụ cột tiếp thị du lịch chính thức của quốc gia này. Do đó, chính phủ Thái Lan đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch golf nhằm biến “đất nước chùa vàng” trở thành “điểm đến giải trí chất lượng cao mang đậm phong cách Thái”.

Ngành du lịch golf đã được chính phủ Thái Lan xác định là một thị trường ngách nhưng phù hợp với chính sách thúc đẩy các chương trình phát triển du lịch đến tận các địa phương. Mục đích của quốc gia này là phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền, tăng cường nguồn thu cho địa phương, đóng góp tích cực vào ngân sách quốc gia.

Thực tế, không chỉ Thái Lan, du lịch golf đã được thế giới khai thác từ lâu. Thế nhưng, sở dĩ loại hình này ít được đề cập ở Việt Nam một phần do chúng ta vẫn còn nhiều định kiến. Chẳng hạn, cứ mỗi lần xuất hiện dự án xây sân golf ở một số tỉnh nghèo miền Trung là lại rộ lên những ý kiến phản đối vì“người nông dân mất đất canh tác”, hay “một địa phương còn nhiều khó khăn cần gì những sân golf sang trọng vốn chỉ dành cho giới lắm tiền”...

Những định kiến này phần nào khiến golf nói chung và du lịch golf của Việt Nam nói riêng chưa thực sự phát triển như kỳ vọng. Với một đất nước có nhiều lợi thế thiên nhiên, đường bờ biển kéo dài, núi non hùng vĩ, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như Việt Nam, việc mỗi năm ngành du lịch chỉ thu hút được hơn 10 triệu lượt du khách quốc tế quả là điều đáng tiếc.

Sân golf Đồng Mô gồm hai sân golf 18 lỗ: Sân golf Lakeside (bên hồ) và sân golf Mountain View (hướng núi), nhà Câu lạc bộ, một khách sạn 80 phòng, 50 biệt thự, một sân tập, các hoạt động thể thao nước, bãi tắm, các tiện nghi phụ trợ và những cơ sở hạ tầng liên quan

Sân golf Đồng Mô gồm3 sân golf: Sân golf Lakeside (bên hồ) và sân golf Mountain View (hướng núi)18 hố và sân King Course 19 hố nhà Câu lạc bộ, một khách sạn 80 phòng, 50 biệt thự, một sân tập, các hoạt động thể thao nước, bãi tắm, các tiện nghi phụ trợ và những cơ sở hạ tầng liên quan

Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều ánh nắng quanh năm ở Việt Nam rất phù hợp cho các hoạt động thể thao ngoài trời như golf, mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được. Với lợi thế ấy, rõ ràng, chúng ta không thể bỏ qua môn golf vì những định kiến và chỉ chờ thu hút khách du lịch bằng vài cuộc đua thi chạy marathon hay đua thuyền buồm ở Mũi Né, Đà Nẵng,… như thường thấy.

Đã đến lúc cần vượt qua định kiến về golf và tận dụng các lợi thế tự nhiên đối với môn thể thao này để phát triển ngành du lịch. Việc xây sân golf với mục tiêu thúc đẩy du lịch cũng là một trong những hướng đi mà các chuyên gia kinh tế bàn đến nhiều lần.

“Mỏ vàng” đang hé mở

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 56 triệu golf thủ trên toàn thế giới và ngành du lịch golf được xếp thứ 3 về động cơ du lịch ở châu Á. Ước tính một khách du lịch golf chi tiêu gấp 2,2 lần so với một khách du lịch thông thường.

Một ví dụ thành công điển hình về du lịch golf ở rất gần Việt Nam là Thái Lan. Năm 2016, quốc gia này đón 32,6 triệu lượt khách với tổng doanh thu 42 tỷ USD, trong đó du lịch golf chiếm 4%, tương đương 1,2 tỷ USD. Ông Santi Chudintra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, từng chia sẻ, ở giai đoạn hiện tại, trong chiến lược phát triển du lịch của mình, Thái Lan tập trung tăng trưởng lợi nhuận hơn tăng trưởng lượng khách. Do đó, quốc gia này đã tập trung phát triển du lịch golf vì lợi nhuận mang lại hơn nhiều so với du lịch thông thường. Golf, vì vậy, trở thành công nghiệp du lịch của Thái Lan.

Tại Việt Nam, các số liệu đã chỉ ra doanh thu du lịch trong năm 2015 đạt khoảng 15 tỷ USD, con số này của năm 2017 là trên 22 tỷ USD. Trong số đó có bao nhiêu % đóng góp của ngành golf hiện tại, và có thể sẽ là bao nhiêu % khi du lịch golf Việt Nam được đẩy mạnh hơn?

Thực tế, khi đánh giá về cơ hội phát triển du lịch golf, nhiều chuyên gia, golf thủ quốc tế đã nhận định rằng điều kiện của Việt Nam không hề thua kém, thậm chí còn có phần nổi trội hơn Thái Lan.

Có nhiều nguyên nhân để giới chuyên môn có thể nhận định như vậy.

Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên, như đã phân tích ở trên, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km, chạy dọc từ bắc xuống nam, đi qua các vùng địa hình khác nhau. Chúng ta không thiếu những sân golf được đánh giá là đẹp hơn cả Thái Lan vì tọa lạc tại vị trí tựa núi, nhìn ra biển. Chưa kể, khí hậu Việt Nam là nhiệt đới gió mùa, nắng nóng quanh năm, đặc biệt ở khu vực miền Trung, miền Nam. Lợi thế này thu hút nhiều golf thủ đến từ các quốc gia hàn đới, ôn đới, đặc biệt là trong mùa đông, khi tuyết rơi hoặc trời quá lạnh, các sân golf gần như tê liệt.

Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là năm 2017, Việt Nam đã xuất sắc vượt qua hàng loạt các quốc gia khác để giành số lượt bình chọn cao nhất, trở thành điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong cuộc bình chọn Giải thưởng golf châu Á.

Ở một diễn biến khác, số liệu do Công ty Tiếp thị Thể thao Sports Marketing của Anh công bố cho thấy, các quốc gia châu Á hiện là khu vực có số lượng người chơi golf nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước có người chơi golf chiếm số đông. Và tại Việt Nam, golf thủ tới từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chiếm số lượng đông đảo nhất trong số những tay golf quốc tế thường xuyên đến Việt Nam. Ngoài ra còn một bộ phận golf thủ người Hàn Quốc và Nhật Bản làm việc tại các tỉnh thành khắp cả nước.

Chưa kể, vốn đầu tư từ nước ngoài FDI vào Việt Nam ngày càng tăng cũng giúp phát triển thêm số người chơi golf tiềm năng, là những doanh nhân làm việc cho các dự án FDI. Điều kiện làm việc xa nhà càng khiến họ cần đến những nhu cầu giải trí, mà tốt nhất là xách gậy lên để đến sân golf. Đôi khi việc đàm phán kinh doanh ở sân golf còn thuận lợi hơn trong phòng kín.

Việc có nhiều sân golf xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng thế giới cũng là yếu tố giúp du lịch golf có cơ hội phát triển. Năm 2017, sân golf The Bluffs Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu) bứt phá ngoạn mục trong xếp hạng của Tạp chí Golf Digest được biết đến rộng rãi toàn cầu, đạt được vị trí thứ 35 trong 100 sân golf tốt nhất thế giới. Đây cũng là cột mốc đánh dấu Việt Nam trên bản đồ golf thế giới.

Chất lượng của các sân golf Việt Nam cũng được đảm bảo ở đẳng cấp cao khi được phát triển bởi các nhà thiết kế sân golf hàng đầu thế giới. Một ví dụ điển hình là Nicklaus Design, nhà thiết kế sân golf hàng đầu thế giới sáng lập bởi huyền thoại golf Jack Nicklaus đã trở thành đối tác chiến lược và độc quyền với Tập đoàn BRG tại Việt Nam để cùng nhau phát triển những kế hoạch dài hạn.

Xét một cách tổng thể, Việt Nam đang mở ra một hướng đi mới cho môn thể thao này. Có thể nói rằng cho tới nay, không có nơi nào trên thế giới có được sự phát triển golf nhanh và đồng bộ như Việt Nam.

Với những lợi thế vừa phân tích, cùng với xu hướng khách du lịch golf quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, có thể nói rằng, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bùng nổ về golf. Và đặc biệt, Việt Nam hoàn toàn có thể chọn golf là một trong những mũi tên chính để hút khách du lịch, gia tăng lợi ích kinh tế của môn thể thao này cũng như thúc đẩy du lịch quốc gia.

Bạn đang đọc bài viết Golf - quyền lực tối thượng với du lịch còn bỏ ngỏ tại chuyên mục Xu hướng của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục