Aa

Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo thế giới

Thứ Sáu, 01/11/2019 - 17:10

Sau nhiều ngày mong chờ, TP. Hà Nội đón tin vui khi ngày 30/10 (sáng 31/10 theo giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ký Quyết định công nhận Hà Nội được tham gia vào Mạng lưới TP sáng tạo thế giới.

Với tầm nhìn và thương hiệu của một Thành phố sáng tạo về Thiết kế sáng tạo, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững.

Đồng thuận với lĩnh vực thiết kế sáng tạo

Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các TP đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Tính đến tháng 6/2019, mạng lưới có tổng số 180 TP trên thế giới thuộc 72 quốc gia thành viên của UNESCO được công nhận đạt tiêu chí của mạng lưới này. 

Qua nhiều vòng xét duyệt, ngày 30/10/2019, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ký Quyết định công nhận 66 TP trên thế giới tham gia ứng cử chính thức gia nhập vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó có TP. Hà Nội. Hiện nay, Mạng lưới Thành phố sáng tạo có tổng 246 TP.

Cầu Nhật Tân - công trình sáng tạo hiện đại của Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Trong 7 lĩnh vực sáng tạo trên nền tảng văn hóa, gồm: Thủ công - Nghệ nhân dân gian, Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học; Âm nhạc, Hà Nội đã lựa chọn lĩnh vực Thiết kế sáng tạo để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xét ghi danh. Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở VH&TT Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TP. Hà Nội, các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội.

Bên cạnh công tác điền dã, thu thập tư liệu và tài liệu, đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, tổ chức hội thảo quốc tế đã được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý hồ sơ của các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước. Vốn có thế mạnh trong lĩnh vực ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian… nhưng lĩnh vực thiết kế vẫn được xem là một trong những tiêu chí tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng cũng như các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý… để ứng cử vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Nổi bật đặc trưng văn hóa Hà Nội

Trong một cuộc họp báo thông tin về hồ sơ đề cử đệ trình lên UNESCO công nhận Hà Nội trở thành Mạng lưới Thành phố sáng tạo của thế giới, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhìn nhận: “Tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô đối với thế giới”. 

Các TP thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo đến từ các châu lục khác nhau, các khu vực với mức thu nhập và dân số khác nhau. Mục đích chung là hướng tới sứ mệnh: Dùng sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị theo hướng an toàn, bền vững, toàn diện gắn với Chương trình Phát triển bền vững của UNESCO tới năm 2030. Những TP trên khắp thế giới này, mỗi TP theo cách riêng không chỉ biến văn hóa là phụ kiện mà chính là trụ cột trong chiến lược. Đó là sự đảm bảo cho đổi mới chính trị và xã hội và là dấu hiệu mạnh mẽ đối với các thế hệ trẻ.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay

Lĩnh vực Thiết kế sáng tạo của Hà Nội không chỉ có bề dày hình thành và phát triển mà hơn thế còn có sự giao thoa, sáng tạo của nhiều nền văn hóa khác nhau. Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là một trong những minh chứng thuyết phục nhất. Không chỉ là công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời mà đây còn là kinh thành còn lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, khảo cổ học cũng như giá trị văn hóa… của TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc, lưu giữ những sáng tạo về kiến trúc đa dạng của phong cách phương Tây và phương Đông, của kiến trúc bản địa và văn minh thế giới, xen lẫn giữa kiến trúc cổ điển và đương đại như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Long Biên, cầu Nhật Tân… Sự sáng tạo về kiến trúc của TP. Hà Nội như một dòng chảy vẫn tiếp tục khơi nhiều mạch nguồn mới. Đơn cử như những năm gần đây, TP. Hà Nội vẫn lóe sáng những sáng tạo không ngừng về lĩnh vực kiến trúc. 

Ngay sau khi Đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội do Sở VH&TT hoàn thành, các nhà thiết kế sáng tạo đã ứng dụng các giải pháp thiết kế sáng tạo vào việc tái tạo, kết nối các di sản vào thiết kế thời trang, trình diễn trong các lễ hội đường phố, các không gian sáng tạo văn hóa của Hà Nội.

Ngoài ra, nhiều dự án sáng tạo gần đây của TP. Hà Nội cũng đem đến cho văn hóa kiến trúc của Hà Nội những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam xây dựng tại làng gốm Bát Tràng - Hà Nội đã thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống. Triển khai trong hai năm từ 2016 - 2018, chương trình “Trồng mới 1 triệu cây xanh” do UBND TP. Hà Nội phát động vì mục tiêu kiến tạo đô thị bền vững cũng đã tạo nên nhiều giá trị mới về cảnh quan môi trường, diện mạo đô thị tại 120 tuyến phố chính…

Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội Phạm Lan Anh cho biết: “Tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Để thực hiện cam kết, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng chương trình hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của TP nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và làm giàu nguồn lực văn hóa, sức mạnh mềm của Hà Nội nói chung”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top