Aa

Hà Nội: Chuyên gia lên tiếng việc Thanh tra Thành phố kết luận vụ phá hủy công viên nước Thanh Hà

Thứ Ba, 09/06/2020 - 09:28

Các chuyên gia pháp luật đều cho rằng, việc Thanh tra Thành phố Hà Nội kết luận vụ phá dỡ công nước Thanh Hà là sự ưu ái dẫn đến xem xét trách nhiệm không thỏa đáng, thậm chí việc vi phạm này cần phải xem xét trách nhiệm hình sự.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Kiến nghị của Thanh tra chưa sát thực tế

Về cơ bản, kiến nghị của Thanh tra thành phố chưa sát với thực trạng, chưa đánh giá, xử lý đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm rất nghiêm trọng của UBND quận Hà Đông.

Hành vi đó có thể được xem là lợi dụng chức vụ quyền hạn để huỷ hoại tài sản của Công ty. Phản ánh tình trạng tự tung tự tác, cậy quyền cậy thế của CBCC nhà nước, tạo ra một hình ảnh cực xấu ở địa bàn thủ đô.

Cần phải lưu ý mấy vấn đề: (1) Tài sản của nhà đầu tư là tài sản xã hội, huỷ hoại tài sản đó là rất khó chấp nhận; (2) Việc “phá dỡ” trong khi không có quyết định “phá dỡ”; hơn nữa mọi người đều biết công trình đó không ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân rõ ràng là trái pháp luật; (3) Về nguyên lý, ai vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó, xử lý sai phạm phải công bằng, nghiêm minh.

Nếu kiến nghị xử lý nhẹ cho UBND quận Hà Đông là cơ quan nhà nước đang có dấu hiệu “bênh vực”, “bao che” sai phạm cho nhau, thậm chí dư luận cho rằng đã có sự tiêu cực để giảm nhẹ trách nhiệm. Chúng ta đang trong giai đoạn tổ chức các đại hội Đảng, nếu cơ quan nhà nước hành động như vậy sẽ làm người dân mất niềm tin.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

Thanh tra thành phố Hà Nội nhận định, việc UBND quận Hà Đông giao cho đơn vị tham mưu lập phương án phá dỡ công viên nước theo Điều 118 Luật Xây dựng là có căn cứ, nhưng việc thực hiện thiếu thận trọng. Song, khái niệm về “thiếu thận trọng” của Thanh tra Hà Nội là sự “vuốt ve”, nó làm cho tôi nhớ lại cách giải thích kiểu như “đường cong mềm mại” ở đường Trường Chinh, hay là “nâng đỡ không trong sáng” ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá.

Những thứ mành mành ấy sao che được mắt thần của cử tri và Nhân dân. Việc làm của UBND quận Hà Đông là trái pháp luật, vi phạm những nguyên tắc căn bản trong xử lý sai phạm về xây dựng, cố tình phá huỷ tài sản xã hội bất chấp đạo lý, rất khó chấp nhận. Nó sẽ có thể là tiền lệ xấu cho cung cách cậy thế, ỷ quyền, sử dụng quyền lực nhà nước để hành động trái luật ở địa phương.

Hơn nữa, qua công tác thanh tra, có thể thấy tình trạng báo cáo, đánh giá luôn dành sự lợi thế cho quan chức, sẵn sàng tiêu diệt doanh nghiệp. Lẽ ra những người lãnh đạo có liên quan đó phải bị xử lý hình sự, nay lại có thể được đề bạt vì đó chỉ là vi phạm nhẹ, rồi tìm cách né, luồn để tiếp tục hành động ngang ngược với dân.

Về vụ việc này, nếu công tâm, Thanh tra cần chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố, điều tra xử lý hình sự. Đối với những cán bộ, công chức có liên quan, chưa đến mức xử lý hình sự thì xem xét xử lý về hành chính. Đồng thời cần phải tiến hành xem xét bồi thường vật chất cho Công ty.

Sai phạm của Công ty đến đâu thì xử lý đến đó. Cần nghiêm minh, công bằng, đừng thiên vị, không che giấu sai phạm. Phải có thái độ thẳng thắn nhìn vào sự thật thì dân mới tin.

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Lỗi của quận Hà Đông là rất nghiêm trọng

Trước hết cần khẳng định quyết định cưỡng chế số 5079/ QĐ-CCXP ngày 24/12/2019 của chủ tịch UBND quận Hà Đông là một quyết định sai, vi phạm luật xử lý vi phạm hành chính. Vì chủ đầu tư hoàn toàn tự nguyện khắc phục hậu quả. Nhưng nội dung kết luận thanh tra không đề cập đến vi phạm này.

Ngày 14/01/2020 chủ đầu tư đã có văn bản số 01/BC-LAND gửi UBND quận, UBND phường với nội dung “xin cam kết tháo dỡ theo nội dung quyết định số 5079/QĐ-CCXP của UBND quận Hà Đông”. Thời gian hoàn thành dự kiến trong quý I/2020.

Một sự thật là chủ đầu tư hoàn toàn tự nguyện tháo dỡ công trình công viên nước. Tuy nhiên, thời gian tháo dỡ không thể đáp ứng được trong 15 ngày theo yêu cầu của chính quyền do khối lượng tháo dỡ lớn, kết cấu kỷ thuật phức tạp phải thuê chuyên gia nước ngoài đã lắp đặt thiết bị tại công trình, thời gian cận kề Tết nguyên đán.

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam.

Với tuần tự diễn biến các sự kiện pháp lý nêu trên, có thể khẳng định chính quyền quận Hà Đông đã quy định một khoảng thời gian không bảo đảm tính khả thi, phi thực tế. Một khối lượng công việc, kể cả điều động nhân lực, máy móc, phương tiện và tiến hành tháo dỡ phải hai tháng mới xong nhưng yêu cầu trong 15 ngày phải xong là hết sức phi lý.

Tuy nhiên, câu chuyện chính ở đây cần nói sâu để thấy rõ hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền là ở chỗ, khi đã thấy chủ đầu tư tự nguyện, thì vấn đề thời gian tháo dỡ cũng không còn quan trọng. Trong điều kiện công trình nằm trên vị trí không gây ông nhiễm môi trường, không cản trở giao thông, không ảnh hưởng Quốc phòng-An ninh, không gây phản cảm cảnh quan. thì không có yêu cầu khẩn cấp.

Lẽ ra khi chủ đầu tư có văn bản tự nguyện và đã tháo một số hạng mục của công việ nước thì chính quyền không được phép ra quyết định cưỡng chế. Khi đã lỡ ra quyết định cưỡng chế rồi, mà chủ đầu tư đã có văn bản cam kết và xin thời gian tháo dỡ, thì buộc chính quyền phải lập biên bản công nhận sự tự nguyện tháo dỡ.

Không công nhận sự tự nguyện của chủ đâu tư là một sai lầm nghiêm trọng, khó hiểu của chính quyền, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng tiếp là trong quá trình thực hiện quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả, việc lập phương án, kế hoạch thiếu chặt chẽ, không đúng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Việc sử dụng lực lượng không có chuyên môn kỷ thuật, sử dụng máy móc (máy ủi, máy xúc) dùng để phá huỷ, chứ không dùng để tháo dỡ.

Thế nhưng trong kết luận thanh tra nói rằng “chỉ đạo lập phương án phá dỡ thiếu thận trọng”. Việc dùng những từ ngữ như trên không phản ánh đúng bản chất vụ việc, ở đây không chỉ là “nhẹ tay” với người vi phạm mà biểu hiện sự che chắn, giảm nhẹ trách nhiệm của chính quyền, có dấu hiệu bao che cho sai phạm của UBND quận Hà Đông.

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Điều tra trách nhiệm của cán bộ quận Hà Đông là cần thiết

Theo điều 44, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định hướng dẫn thi hành luật Thanh tra, tại khoản 1 quy định, “trong quá trình thanh tra hoặc khi kết thúc thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền biết.

Luật sư Nguyễn Văn Tú.

Trong vụ việc này, các cán bộ đề xuất, ban hành và thực thi Quyết định 4725/QĐ-KPHQ; Quyết định 5079/QĐ-CCXP vừa sai luật, không phù hợp thực tế mà còn gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế và niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Xét cả tính chất, mức độ sai phạm thì phải điều tra hình sự để làm rõ trách nhiệm của các cán bộ, công chức có liên quan trách nhiệm, cụ thể là làm rõ hành vi đề xuất, ban hành, thực thi 2 quyết định nêu trên. Có như vậy, mới xử lý triệt để nguồn gốc thực sự của sự việc và làm rõ trách nhiệm cá nhân của các công chức quận Hà Đông trong việc gây ra đống đổ nát tại công viên nước Thanh Hà./.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top