8h sáng nay (23/5) nồng độ bụi trong không khí PM 2.5 đo được tại khu vực Đại sứ quán Mỹ Hà Nội là 101, cao hơn so với mức 90 của ngày hôm qua. Đây bắt đầu là ngưỡng không khí trở nên "kém an toàn" và gây tác động tiêu cực tới sức khỏe của nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí.
Với biên độ dao động từ 34 - 139, trong sáng nay, vẫn có những thời điểm mà không khí tại khu vực này nồng độ bụi trong không khí PM 2.5 đạt 34 - một ngưỡng được đánh giá là tốt, an toàn cho sức khỏe.
Tuy nhiên, từ 6h trở đi, nồng độ này cao dần lên và có thời điểm đạt đỉnh là 139.
Còn tại TPHCM, nồng độ bụi trong không khí PM 2.5 dao động ở ngưỡng 25 - 80, cả chỉ số cao nhất và thấp nhất đều giảm so với những ngày trước đó và thấp hơn so với các chỉ số tại khu vực Hà Nội.
Tại thời điểm 8h sáng nay, chỉ số này đo được là 68 - tương tự với ngày hôm qua, đây là ngưỡng không khí chấp nhận được, không có quá nhiều rủi ro tới sức khỏe của mọi người.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là một chỉ số theo dõi chất lượng không khí hàng ngày được thiết lập bởi Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ với 6 cấp độ cơ bản: Tốt, Trung bình, Không lành mạnh đối với người nhạy cảm, Không lành mạnh, Rất không lành mạnh và Nguy hiểm.
Trong đó, PM (Particulate Matter - vật chất dạng hạt) bao gồm hỗn hợp các hạt vật chất rắn và lỏng trong không khí. Ô nhiễm dạng hạt bao gồm: PM10: Bụi có thể hít phải với đường kính từ 10 µm (micromet) trở xuống và PM 2.5: Bụi mịn có thể hít phải với đường kính từ 2.5 µm (micromet) trở xuống. Các hạt này có thể do nhiều chất khác nhau tạo nên như cacbon, sulfua, khí nitơ, và các hợp chất kim loại,...
Trong đó, nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí được coi là một chỉ số quan trọng bởi các hạt bụi này có kích thước siêu nhỏ và đặc biệt nguy hiểm bởi chúng có khả năng xâm nhập trực tiếp vào túi phổi.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện tại được lấy theo nồng độ PM 2.5 tại thời điểm công bố.