Aa

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở

Thứ Hai, 07/01/2019 - 01:45

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 6411/UBND-KT về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) xảy ra ở lợn trên địa bàn Thành phố.

ha noi tang cuong kiem tra giam sat cong tac phong chong dich benh tai tuyen co so
Ảnh minh họa

Theo đó, UBND TP yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT; Chủ tịch UBND các quận, huyện thị xã (đặc biệt các địa phương đang có bệnh LMLM) và các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và chỉ đạo của UBND Thành phố về việc tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM.

Nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM theo đúng quy định tại Luật Thú y và các văn bản của Bộ NN&PTNT, trong đó chú trọng các biện pháp sau:

Đối với các huyện đã, đang có ổ dịch LMLM: Khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới tại các địa phương đã và đang có dịch bệnh LMLM; tổ chức tổng vệ sinh, xử lý gia súc bệnh, gia súc chết, phun thuốc tiêu độc khử trùng; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ đàn gia súc của các xã đã, đang có dịch bệnh và các địa phưcmg có nguy cơ cao; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch theo đúng quy định.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; thực hiện công bố dịch và tổ chức chống dịch khẩn cấp theo đúng các quy định của pháp luật thú y hiện hành; bố trí kinh phí và tổ chức các hoạt động chống dịch trên địa bàn theo quy định.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người dân biết và chủ động hợp tác trong phòng chống dịch bệnh; trong đó cần nói rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh LMLM, các biện pháp xử lý gia súc bệnh, mức hỗ trợ của nhà nước đối với gia súc nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đối với các huyện chưa phát hiện có dịch hoặc có nguy cơ cao: Yêu cầu chính quyền các cấp, các cơ quan thú y, nhân viên thú y xã, thôn chủ động tổ chức giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh; thực hiện lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm có thẩm quyền xét nghiệm xác định các chủng vi rút LMLM gây bệnh để tổ chức tiêm phòng có hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.

Rà soát, tổ chức tiêm phòng tại các địa bàn có nguy cơ cao; củng cố hệ thống báo cáo dịch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, đảm bảo chính xác, kịp thời; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở trên địa bàn theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn Thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch; về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc nhằm phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Sở NN&PTNT thành lập ngay các đoàn do Lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Lãnh đạo UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan trực tiếp đến các địa phương có dịch để chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch; và các nơi có nguy cơ cao để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở theo đúng quy định hiện hành.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về kết quả tổ chức thực hiện theo quy định, đặc biệt là các địa phương đang có bệnh LMLM theo quy định.

T.Quang

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top