Aa

Hạn chế phương tiện cá nhân: Cuộc chiến sống - còn để thoát khỏi ùn tắc và ô nhiễm?

Chủ Nhật, 18/06/2017 - 08:00

Rất nhiều thành phố trên thế giới đang nỗ lực giải quyết 2 vấn đề lớn nhất – ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí – bằng cách giảm thiểu lượng phương tiện giao thông.

Từ việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng hiện đại ở Ấn Độ và Trung Quốc cho đến việc xây dựng những thành phố mới ở các nước Châu Âu hay Mỹ, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mạnh mẽ đã và đang đặt ra những thách thức về ô nhiễm môi trường và giao thông cho các quốc gia.

Để hạn chế những thách thức này, chính phủ nhiều quốc gia đã nỗ lực thực thi nhiều biện pháp, trong đó xây dựng giao thông theo hướng bền vững, hạn chế các phương tiện đi lại cá nhân là những biện pháp được ưu tiên hàng đầu.

Hậu quả của việc phát triển quá nhanh

Khi các thành phố phát triển nhanh chóng, ô nhiễm không khí trở thành mối lo ngại tồi tệ nhất và thường trực trong các cuộc họp phát triển kinh tế bền vững của chính phủ các nước. Lưu lượng các phương tiện giao thông đô thị, các khu công nghiệp mọc lên như nấm là những nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề này. Theo thống kê, hơn 80% cư dân đô thị trên toàn thế giới đang phải chịu mức đô ô nhiễm vượt quá giới hạn ô nhiễm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra.

Ở thủ đô Delhi của Ấn Độ, chất lượng không khí luôn là vấn đề được các nhà chức trách đưa ra thảo luận. Trong khi đó, ở Bắc Kinh (Trung Quốc), việc sử dụng ô tô ngày càng nhiều, các nhà máy hoạt động rầm rộ, sự phụ thuộc quá mức vào than đá đang làm cho bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề. Còn ở London, chính quyền địa phương phải phát đi tín hiệu cảnh báo cao nhất về nồng độ các chất độc hại có trong không khí. Những “cuộc chiến” và phong trào chống lại sự lây lan của sương khói dường như vẫn không đủ mạnh để đưa cái tên Los Angeles ra khỏi danh sách những khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất của Hoa Kỳ.

Việc các đô thị phát triển quá nhanh đã gây ra hàng loạt các vấn đề, trong đó ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường được coi là hai thách thức lớn nhất

Việc các đô thị phát triển quá nhanh đã gây ra hàng loạt các vấn đề, trong đó ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường được coi là hai thách thức lớn nhất

Một hậu quả khác của việc số lượng các đô thị phát triển mạnh mẽ đó là ùn tắc giao thông. Khi số lượng dân số thành thị tăng cao, tắc nghẽn giao thông trở thành kết quả tất yếu nếu không có cơ chế quản lý và quy hoạch tốt.

Tại Manila (thủ đô của Philippines), vào những giờ cao điểm, khu vưc nội thành và những con đường qua các thị trấn luôn được coi là nơi xảy ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng nhất. Còn Anh Quốc là nước xếp thứ hai trong tổng số 11 nước có mức độ ùn tắc giao thông lớn nhất thế giới. Quốc gia này đã phải chi ra số tiền lên đến 750 tỷ EUR để đối phó với tình trạng này.

Nhu cầu về nhà ở là hệ quả tiếp theo của quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Hầu hết các nước hiện nay đều đang phải đối mặt với vấn đề đáp ứng được nhu cầu nhà ở của dân cư. Nguồn cung thì nhiều nhưng lại không phù hợp với thu nhập, tiêu chuẩn của người mua dẫn đến tình trạng dư cầu mà vẫn dư cung.

Trong những khu đô thị nhộn nhịp và tấp nập của London, New York hay Francisco, các doanh nghiệp BĐS đua nhau thổi phồng giá cả nhà ở khi thấy nhu cầu tăng cao, khiến cho nhiều người mua điêu đứng và phải vật lộn với việc sinh sống trong các đô thị.

Trung Quốc và Hồng Kông cũng là những thị trường đang đối mặt với tình trạng này. “Tại những thành phố, nhất là những thành phố mới, nhu cầu về nhà ở đang là thách thức vô cùng lớn với các cơ quan quản lý”, ông Jeremy Kelly, Giám đốc nghiên cứu về toàn cầu tại JLL cho biết.

Giảm thiểu lượng phương tiện giao thông, một giải pháp cho hai vấn đề

Rất nhiều thành phố trên thế giới đang nỗ lực giải quyết 2 vấn đề lớn nhất – ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí – bằng cách giảm thiểu lượng phương tiện giao thông.

Hạn chế các phương tiên giao thông được coi là giải pháp lâu dài để giải quyết những hệ quả do phát triển đô thị gây ra

Hạn chế các phương tiên giao thông được coi là giải pháp lâu dài để giải quyết những hệ quả do phát triển đô thị gây ra

Bắc Kinh, Paris và Manila là 3 trong số những thành phố thực hiện cấm xe dựa trên biển số xe. Tại Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố lớn của Việt Nam, thực trạng ngày càng nhiều con đường bị tắc nghẽn nghiêm trọng do số lượng xe máy và ô tô tăng cao đã thúc đẩy Chính phủ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đường cao tốc trên cao, đồng thời chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã treo thưởng cho những ai có sáng kiến giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Việc cấm xe cộ không thể phủ nhận là một mục tiêu rất cao, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể đạt được. Lấy Đan Mạch là ví dụ.

Từ những năm 1960, quốc gia này đã thực hiện cấm các phương tiện tham gia giao thông  ở một số khu vực tại thành phố thủ đô Copenhagen. Cho đến nay, Đan Mạch đã trở thành nước có tỷ lệ phương tiện giao thông thấp nhất tại Châu Ấu, hơn một nửa dân số của nước này chọn xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu. Chưa hết, ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha và Oslo của Na Uy, ô tô sẽ bị cấm hoàn toàn trong các trung tâm thành phố những năm tới.

Tại London, Hồng Kông và Singapore là những ví dụ điển hình về số lượng phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, việc hạn chế lượng phương tiện cá nhân, phát triển các hệ thống giao thông công cộng hiện đại đã và đang giúp chính phủ các nước này giải quyết được phần nào tình trạng tắc nghẽn.

Ông Jeremy Kelly nói rằng: “Đến cuối cùng, các nước sẽ nhận ra rằng việc quản lý phát triển đô thị thực sự là một chiến lược quy hoạch dài hạn, việc đầu tư vào những cơ sở hạ tầng mới với ít phương tiện giao thông sẽ giúp giải quyết được những hậu quả do phát triển đô thị quá nhanh gây ra, trong đó bao gồm hai vấn đề lớn là ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top