Vì sao Bỉm Sơn trở thành vị trí chiến lược đột phá kinh tế tại Bắc Trung Bộ?

Vì sao Bỉm Sơn trở thành vị trí chiến lược đột phá kinh tế tại Bắc Trung Bộ?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 03/12/2021 - 06:00

Trong “Tứ Sơn” tại Thanh Hóa (Nghi Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn) thì Bỉm Sơn đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi, là cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Bắc với các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía Nam, đúng như người xưa đã nói “Nhất cận thị - Nhị cận giang - Tam cận lộ”.

***

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa từ năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, Thanh Hóa là một tỉnh lớn, dân đông, có vị trí quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, một tỉnh giàu truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, đang trên đà đổi mới đi lên.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI, các Nghị quyết của Trung ương là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, rộng nhưng phải theo chiều sâu, kinh tế phải gắn với xã hội và bảo vệ môi trường, không ham chiều rộng, làm đâu chắc đấy, từng bước vững chắc. Tăng trưởng nhanh là tốt nhưng vấn đề môi trường thế nào, văn hóa xã hội, con người thế nào... phải bảo đảm bền vững.

Tổng Bí thư cho rằng, Thanh Hóa cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển tốt khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, coi đây là khâu đột phá, là hướng đi đúng, đưa tỉnh bứt phá đi lên, bên cạnh đó vẫn phải chú trọng kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh, chất lượng cao gắn với chế biến.

Chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ… cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm (đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2020) đã đưa kinh tế xứ Thanh tăng trưởng đột phá, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Năm 2020 quy mô của nền kinh tế lớn hơn gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước; thu ngân sách tăng đột phá và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn; du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. GRDP bình quân đầu người của Thanh Hóa năm 2020 ước đạt 2.670 USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, gấp 3,3 lần năm 2010.

Trong “Tứ Sơn” tại Thanh Hóa (Nghi Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn) thì Bỉm Sơn đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi là cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Bắc với các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía Nam, đúng như người xưa đã nói “Nhất cận thị - Nhị cận giang - Tam cận lộ”.

Sau hơn 4 thập kỷ phát triển, Bỉm Sơn đã khẳng định vai trò là một trong 4 khu kinh tế động lực của Thanh Hóa với hàng loạt khu công nghiệp (KCN) và tổ hợp công nghiệp lớn cùng lợi thế về hạ tầng giao thông.

Bỉm Sơn ngày nay đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nhờ lợi thế lớn về cấu trúc giao thông đa dạng, có tuyến Quốc lộ 1A và hệ thống đường sắt Bắc - Nam trọng điểm đi qua địa bàn, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, giao thương kinh tế.

Lợi thế ấy càng được nhân lên khi tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 có chiều dài 53,5km đang được thi công với tổng mức đầu tư xấp xỉ 12.343 tỷ đồng được thiết kế 6 làn xe, vận tốc 120km/h sẽ rút ngắn hành trình từ Ninh Bình đến Thanh Hóa, đẩy mạnh cơ hội đầu tư vào khu vực miền Bắc và miền Trung.

Đây là giải pháp thiết yếu giúp giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa miền Bắc với miền Trung cũng như hai đầu Bắc - Nam, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các KCN, du lịch dọc tuyến Ninh Bình - Thanh Hóa, đặc biệt tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ lưu thông qua các địa bàn trọng điểm về kinh tế: Ninh Bình - Bỉm Sơn - Hà Trung - Nghi Sơn. 

Ngoài ra, tuyến kết nối Mai Sơn - Bỉm Sơn - Nghi Sơn - Nga Sơn - Hậu Lộc trong hệ thống đường bộ - đường sắt - cảng biển nước sâu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế đầu tư công - công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, DDI trong thời gian tới của Thanh Hóa, Ninh Bình nói chung và Bỉm Sơn nói riêng.

Nền tảng phát triển công nghiệp của Bỉm Sơn còn có lợi thế lớn từ sự ưu đãi của tự nhiên với diện tích mỏ đá lên tới có tới hơn 1.000ha (chiếm khoảng 15,9% tổng diện tích tự nhiên); trữ lượng đá vôi đã thăm dò khoảng 600 triệu m3 và theo dự báo thì trữ lượng thực tế còn gấp nhiều lần. Đây là nguồn nguyên liệu rất thích hợp cho sản xuất xi măng và các hoá chất như đất đèn, bột nhẹ, làm chất lọc đường và làm đá ốp lát.

Trữ lượng đá phiến sét đã thăm dò với hơn 640 triệu tấn, dự báo trữ lượng có thể lên đến hàng tỷ tấn, là điều kiện thuận lợi để sản xuất xi măng thay thế cho loại đất sét dẻo. Đá phiến sét là nguyên liệu chính xếp sau đá vôi để sản xuất xi măng Poóclăng.

Ngoài hai nguyên liệu trên, Bỉm Sơn còn có đất sét dẻo để làm gạch ngói, trữ lượng đủ cho các nhà máy gạch ngói có công suất 100 triệu viên/năm. Nguồn nước ngầm trong lòng đất Bỉm Sơn đã được Đoàn địa chất 47 thăm dò xác định thuộc dạng nước ngầm các-tơ, trữ lượng khá phong phú để phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

Tuy diện tích không rộng nhưng Bỉm Sơn vừa có vùng đồng bằng, vùng núi đá, vùng đồi và sông suối. Vùng đồi núi kéo dài từ Tây Bắc đến Bắc Đông Bắc với diện tích hơn 5.000ha, vùng đồng bằng có diện tích hơn 1.500ha, vừa thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp và cũng là diện tích đất dự trữ cho phát triển đô thị.

Ngày 07/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1901/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn đến năm 2045. Theo đó, quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 6.390,37ha. Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 85.000 người; đến năm 2045 khoảng 150.000 người, trong đó dân số thường trú là là 135.000 người, dân số quy đổi là 15.000 người.

Về tính chất, chức năng: Thị xã Bỉm Sơn được xác định là Trung tâm vùng động lực kinh tế phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, đóng vai trò là một trong ba cực tăng trưởng vùng đồng bằng trung du của Tỉnh; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh và đầu mối giao thông; với các chức năng chính về phát triển: Công nghiệp (trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu xây dựng); Thương mại - dịch vụ, du lịch (trọng tâm phát triển dịch vụ - thương mại, du lịch văn hoá - tín ngưỡng tâm linh cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, kết nối với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh phía Bắc) và phát triển thị trường bất động sản.

Về mục tiêu chung: Xây dựng và phát triển thị xã Bỉm Sơn trở thành “Đô thị công nghiệp - dịch vụ động lực phía Bắc của tỉnh” đồng bộ hiện đại; Tổ chức phát triển không gian đô thị đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa thị xã Bỉm Sơn với vùng huyện Hà Trung thành trung tâm vùng động lực kinh tế phía Bắc của tỉnh, tăng cường sự kết nối hiệu quả với các huyện trong vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của huyện để phát triển nhanh, bền vững.

Về mục tiêu cụ thể: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch để giải quyết các vấn đề tồn tại trong đô thị hiện nay như: Hạ tầng giao thông, đất phát triển đô thị và công nghiệp, môi trường đô thị...; Xây dựng đô thị để phát triển các lĩnh vực thế mạnh như: Công nghiệp, dịch vụ - thương mại, văn hoá, tín ngưỡng tâm linh phía Bắc của tỉnh; Xây dựng để đón đầu và phát triển nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (đường bộ cao tốc Bắc Nam với nút giao tại Hà Long, huyện Hà Trung, Quốc lộ 217B từ nút giao Hà Long đi đường ven biển, cảng Lạch Sung...); Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2030; Xác định cụ thể từng giai đoạn phát triển của đô thị đến năm 2045...

Với những tiềm năng thiên nhiên ban tặng, hạ tầng cơ sở đang được đầu tư xây dựng, các khu, cụm công nghiệp hình thành và phát triển không ngừng là những điều kiện hết sức thuận lợi đưa nhà đầu tư đến Bỉm Sơn.

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng tới việc thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, nhờ đó đã có hàng loạt doanh nghiệp nghìn tỷ đổ về đây, trong số đó phải kể tới Foxconn, Vingroup, Sungroup, T&T Group, BRG, FLC, TNG Holdings VietNam… với nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu đô la đã triển khai, khai thác thế mạnh của Thanh Hóa nói chung và Bỉm Sơn nói riêng.

Nhờ có vị trí chiến lược nên nhiều năm qua, Bỉm Sơn đã nổi tiếng về thu hút đầu tư, tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, khai khoáng, cơ khí chính xác và chế tạo ô tô... trong đó phải kể tới KCN Bỉm Sơn có tổng diện tích hơn 600ha; Tổ hợp khu công nghiệp và nghiên cứu chế tạo ô tô VAMC, tổ hợp nhà máy Xi măng Long Sơn; Tổ hợp khu công nghiệp HUD Bỉm Sơn; Hàng loạt các nhà máy - khu chế tạo - khu công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực sản xuất chế tạo ô tô của những tên tuổi lớn như Hyundai, Honda, Toyota… đóng góp cho ngân sách của tỉnh Thanh Hóa hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thị xã Bỉm Sơn có điều kiện giao thông thuận lợi, có hệ thống nhà ga thuận tiện cho việc tập kết và trung chuyển hàng hóa, cách Hà Nội 110km, cách cảng biển Nghi Sơn gần 100km, cách cảng Hải Phòng 150km, cách sân bay Thọ Xuân 74km, cách sân bay Nội Bài 138km... Cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và các dịch vụ khác đã và đang được các nhà đầu tư tích cực hoàn thiện, thị xã Bỉm Sơn đang trở thành một điểm đến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp lý tưởng, nhiều dự án, nhà máy, xí nghiệp mới đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động hiệu quả.

Năm 2020, KCN Bỉm Sơn đã được điều chỉnh mở rộng lên 1.000ha với các chức năng cụ thể: Khu A được thiết kế với các chức năng lắp ráp xe ô tô, chế biến nông - lâm sản, chế tạo máy, sửa chữa cơ khí, luyện cán thép xây dựng, da giày. Khu B được thiết kế cho các lĩnh vực sản xuất xi măng, dệt may, điện lạnh, hàng gia dụng và thủ công mỹ nghệ.

Thực hiện chủ trương trở thành địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp phía Bắc của tỉnh, thị xã Bỉm Sơn đang tiếp tục phát huy lợi thế về vị trí hạ tầng, quyết tâm đột phá cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tính đến hết 8 tháng đầu năm, Bỉm Sơn đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả tích cực, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt gần 19 nghìn tỷ đồng (tăng 14,5% so với cùng kỳ); trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 12.967,6 tỷ đồng (tăng 16,5% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất dịch vụ - thương mại ước đạt 5.468,8 tỷ đồng (tăng 10,6%); giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 181,6 tỷ đồng (tăng 2%). 

Đến nay, trên địa bàn đã thu hút được hơn 60 dự án sản xuất công nghiệp mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 22.000 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu đã và đang triển khai như Dự án dây chuyền 2, 3, 4 Nhà máy xi măng Long Sơn; Nhà máy gạch Long Thành; Dự án đầu tư mở rộng sản xuất của Tổng công ty May 10; Dự án sản xuất dụng cụ thể thao Vaude Việt Nam… 

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng tin tưởng lựa chọn Bỉm Sơn là nơi đầu tư với các dự án lớn như Nhà máy sản xuất kết cấu thép YADA (Nhật Bản); 2 nhà máy sản xuất găng tay y tế của Tập đoàn INTCO (Singapore) với tổng mức đầu tư dự kiến 4.420 tỷ đồng, công suất 9 tỷ chiếc mỗi năm. Đáng chú ý là nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial của Công ty TNHH lốp COPO Việt Nam - một trong những dự án lớn nhất Đông Nam Á lĩnh vực này, có tổng vốn đầu tư 1.484 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, thị xã Bỉm Sơn đã thành lập mới được hơn 400 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 1.400 tỷ đồng, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên trên 600 doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 tại thị xã Bỉm Sơn, trong đó nhóm đất nông nghiệp dược liệu chiếm đến 1.835,56ha, nhóm đất chưa sử dụng 550,24ha dùng làm cơ sở phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vùng nguyên liệu cho ngành dược phẩm của Việt Nam.

Trong các buổi xúc tiến thương mại do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức, nhiều hãng dược phẩm của Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm với ý tưởng hình thành "Công viên dược phẩm" tại Việt Nam. KCN chuyên biệt trong lĩnh vực dược phẩm này có khả năng thu hút 500 triệu USD vốn đầu tư ban đầu từ các hãng dược lớn của Ấn Độ, với quy mô khoảng 500ha, doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 5 tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động trực tiếp và 200 nghìn lao động gián tiếp.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với Đại sứ Phạm Sanh Châu, các tham tán và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và bày tỏ mong muốn đầu tư dự án "Công viên dược phẩm" hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp lên đến 2.000ha, đây sẽ là tiềm năng để Bỉm Sơn phát triển vùng nguyên liệu đặc thù cho ngành dược phẩm, đi kèm với việc phát triển các nông trường diện tích lớn phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, ưu tiên khai thác phát triển các loại cây ba kích, diệp hạ châu đắng, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, nghệ vàng, quế và sả (theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030).

Trong những năm gần đây, bên cạnh thế mạnh công nghiệp, Bỉm Sơn cũng đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, định hướng du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn đóng góp cho ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Bỉm Sơn còn được coi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi có những truyền thuyết và huyền thoại với 9 di tích lịch sử, văn hóa - danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia như: Đền Sòng, đền Chín Giếng, đường Thiên Lý, đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim, động Cửa Buồng, đồi Ông, đền Cây Vải, đình Làng Gạo và 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. 

Đây là điều kiện tốt cho thị xã tiếp tục phát huy các giá trị di tích - danh thắng, tiếp tục phát huy thế mạnh về du lịch và sinh thái, phấn đấu đến năm 2025 đón được 500 nghìn lượt khách. 

Để phát triển kinh tế một cách toàn diện, thị xã Bỉm Sơn đang tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh, tích cực trong công tác xúc tiến thương mại, phấn đấu thu hút các dự án công nghiệp lấp đầy 100% diện tích KCN đã được quy hoạch.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp cũng đặt ra nhiều thách thức như thiếu hụt lao động, hạn chế điều kiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phụ trợ cho KCN. Để lĩnh vực này phát triển bền vững, cần tăng nguồn cung cũng như chất lượng lao động, phát triển song song các dịch vụ phụ trợ, đảm bảo chất lượng sống cho lao động.

Hiện nay, mỗi KCN đang có hàng nghìn lao động từ công nhân đến các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước sinh sống, làm việc, song không phải KCN nào cũng được quy hoạch để có diện tích cho dịch vụ phụ trợ. Do vậy, cần phát triển các dịch vụ phụ trợ, đảm bảo chất lượng sống cho người lao động, trong đó yêu cầu phải hình thành các đô thị phụ trợ công nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề về nhà ở, khu vui chơi, trường học, bệnh viện… cho cộng đồng và chuyên gia quốc tế.

Ở nhiều quốc gia ở châu Á, chính sách phát triển các KCN thường song trùng với sự hài hoà các yếu tố nhà ở, bán lẻ, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho mọi đối tượng… điều này cũng đang được định hướng ở Thanh Hóa nói chung và Bỉm Sơn nói riêng, được kỳ vọng sẽ tạo thêm sức hút với các nhà đầu tư. 

Trong số các dự án đã và đang triển khai, đáng chú ý phải kể tới TNR Stars Bỉm Sơn (Khu đô thị Cổ Đam) do TNR Holdings Việt Nam (thuộc Tập đoàn TNG) đầu tư. Tổng diện tích của dự án lên tới 29,5ha gồm 1.032 lô biệt thự, liền kề, shophouse và diện tích xây dựng chỉ chiếm 29%, còn lại là công viên, cảnh quan và hệ thống hạ tầng giao thông. Với thiết kế này, khu đô thị Cổ Đam được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản đánh giá đây là “đẳng cấp, đáng sống bậc nhất” tại Bỉm Sơn.

Theo ông John Campbell - Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam, trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI. Bất chấp sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong thời gian gần đây, các dự án KCN mới vẫn tiếp tục được phát triển và các dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu đi vào hoạt động. Bỉm Sơn (Thanh Hóa); Quảng Yên - Uông Bí (Quảng Ninh); Đông Hải (Bạc Liêu); Hải Phòng là những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, đồng thời dần trở thành "thủ phủ" kinh tế trọng điểm của các vùng kinh tế phía Bắc.

Với những thành tựu đã đạt được, Bỉm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung có đầy đủ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và có lợi thế cạnh tranh đặc biệt để bứt phá. Đó là căn cứ hết sức quan trọng để Bộ Chính trị thống nhất ban hành nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 58-NQ/TW, năm 2020).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Thanh Hóa có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, đối ngoại và quốc phòng an ninh của Tổ quốc. Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa, có ý nghĩa mở đường cho tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, trở thành "tỉnh kiểu mẫu" như Bác Hồ từng căn dặn.

03/12/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top