Aa

Hàng trăm doanh nghiệp đứng tên cho người nước ngoài đầu tư bất động sản

Chủ Nhật, 10/11/2019 - 10:30

Hàng trăm doanh nghiệp đứng tên cho người nước ngoài đầu tư dự án bất động sản; Chiêu trò “thổi” giá đất ở Hoài Đức, Thanh Trì trước thông tin lên quận;... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Hàng trăm doanh nghiệp đứng tên cho người nước ngoài đầu tư dự án bất động sản

Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (diễn ra cuối tháng 5-2019), đại biểu Dương Trung Quốc đã chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về vấn đề trên.

Ông Quốc cho biết nhiều cử tri cho biết tại nhiều nơi như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên, TP.HCM… có hiện tượng người nước ngoài thuê người Việt mua đất đai hay bất động sản trái quy định theo pháp luật Việt Nam. Những nhà đất, bất động sản này thường nằm ở những không gian đắc địa về kinh tế và an ninh.

"Tôi tin rằng đó là sự thật đang diễn ra tiềm tàng những nguy cơ hậu họa. Vậy, theo Phó thủ tướng, có hiện tượng đó không? Chính phủ có biết không và quy mô đến mức nào?

Chính phủ có giải pháp nào kịp thời trên tinh thần "phòng hơn chống" để sớm chấn chỉnh hiện tượng này trước khi trở thành mối hậu họa liên quan đến ngoại giao và an ninh quốc gia", ông Quốc chất vấn.

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham gia giải trình trong một phiên họp của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết theo báo cáo của cơ quan chức năng thời gian qua phát hiện người nước ngoài thuê người Việt Nam đầu tư dự án bất động sản dưới nhiều hình thức "núp bóng".

Thứ nhất, thông qua một số cá nhân người Việt để lập DN đầu tư kinh doanh bất động sản dưới hình thức bên nước ngoài góp 49% vốn điều lệ trở xuống, bên Việt Nam góp 51% vốn điều lệ trở lên.

Thứ hai, thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách luật đầu tư và Luật đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam.

Thứ ba, thông qua việc cho cá nhân người Việt Nam vay tiền để thành lập DN nhưng mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay.

Thứ tư, đầu tư "núp bóng" thông qua việc kết hôn với người Việt, lập DN do vợ hoặc chồng người Việt đứng tên nhưng mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm nhiệm.

Cuối cùng, người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch, học tập đứng sau người Việt thuê mặt bằng nhà xưởng.

"Thời gian quan cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm DN người Việt đứng tên cho DN, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch… tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh ở các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Lâm Đồng, Trà Vinh….

Đối với các dự án vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ xem xét thu hồi giấy phép, tạm dừng hoặc điều chỉnh một số dự án trên cơ sở mức độ vi phạm", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Chiêu trò “thổi” giá đất ở Hoài Đức, Thanh Trì trước thông tin lên quận

Khi mua đất có sẵn nhà thì việc mua bán sẽ nhanh "chóng mặt". Dương tiết lộ, chính vì bán cả nhà lẫn đất nên từ đầu năm 2019 đến nay, Dương đã sang tên "nhanh gọn" hơn 30 thửa đất. Dương cũng mới "ôm" hơn 100m2 đất thổ cư ở xã Vân Canh, vừa cho thợ xây nhà, vừa cho khách "tham quan".

Dương cho biết, vì Hoài Đức có chủ trương lên quận nên từ đầu năm nay, việc "săn" những mảnh đất "màu mỡ" đã khó hơn những năm trước rất nhiều. Bởi người mua đất để đầu cơ tập trung về đây để "săn" đất, còn người dân thì muốn "om" để chờ lên giá.

Giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất vừa "ôm", Dương cho biết: "Khu đất đó nằm ở làng Hậu Ái, cạnh UBND xã Vân Canh, ngay khu trung tâm, gần trường học, chợ và tỉnh lộ; ngõ rộng, cư dân đông đúc mà cách khu Mỹ Đình chỉ khoảng 4km nên rất thuận tiện cho đi lại và sinh hoạt.

Một mảnh đất 31m2 ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh đang được dân buôn “chào” giá 1,14 tỷ đồng. Ảnh: B.Loan

Mảnh đó hơn 100m2, tôi phân mỗi lô hơn 30m2, đến giờ còn 2 mảnh. Nếu bạn lấy mảnh 31m2, ngõ rộng 2,5m thì có giá là 1,14 tỷ đồng. Nếu bạn muốn mua mảnh 35m2 ngay mặt đường, ô tô có thể đỗ cửa thì riêng giá đất là 1,4 tỷ đồng. Nếu xây thêm nhà thì chi phí xây nhà cộng thêm khoảng 600 triệu đồng. Đó là chi phí "hữu nghị" do anh em thợ xây của mình làm. Khi bán ra, bạn cứ cộng hơn một chút là bán thoải mái".

Vừa nói, Dương vừa mở điện thoại cho chúng tôi xem những hình ảnh về một mảnh đất vừa được chính Dương "chỉ đạo" xây nhà 3 tầng, nằm ở đầu làng An Trai (Vân Canh), cách tỉnh lộ 422 khoảng 100m.

Dương cho biết, mảnh đất này có diện tích 31m2, ngõ rộng 2,8m nhưng đã xây nhà 3 tầng, thêm nội thất cơ bản, người mua chỉ việc xách vali về ở thì giá bán ít nhất là 1,75 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản chờ mùa gặt cuối năm

9 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp địa ốc báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm như CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC)… Và quý cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp dồn lực để đưa các dự án ra thị trường với kỳ vọng “giải cứu” cho kết quả kinh doanh chung cả năm.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LDG Group tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tại Hà Nội mới đây, việc bàn giao và ghi nhận doanh thu hàng loạt dự án vào thời điểm cuối năm sẽ đảm bảo doanh nghiệp vượt chỉ tiêu lợi nhuận 600 tỷ đồng của năm nay.

CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest cũng xác định “điểm rơi” doanh thu và lợi nhuận vào quý IV. Ba tháng cuối năm, Công ty dự kiến ghi nhận doanh thu bán hàng từ hàng loạt dự án trọng điểm như The Terra - An Hưng, Grandeur - Palace Giảng Võ, The Terra - Hào Nam và doanh thu cho thuê khu căn hộ dịch vụ cao cấp Oakwood Residences Tây Hồ, Hà Nội.

Theo Công ty, tại thời điểm 15/10 dự kiến Dự án The Terra - An Hưng sẽ ghi nhận doanh thu khối thấp tầng hơn 500 tỷ đồng và khoảng 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Dự án Grandeur Palace - Giảng Võ đã thi công xong phần thô thấp tầng của khu 1 và khu 2, dự kiến ghi nhận gần 775 tỷ đồng doanh thu và 155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho 10 tháng năm 2019.

Xem chi tiết tại đây.

Tốc độ tăng trưởng ngành khách sạn Việt Nam 2019 chỉ còn ở mức 10,8%, bằng một nửa so với 2018

Đó là nhận định của ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành, CBRE Hotels châu Á Thái Bình Dương.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành khách sạn Việt Nam chỉ còn duy trì ở mức 10,8%, so với mức trên 20% của năm 2018. Theo ông Robert McIntosh, ở quốc gia nào cũng vậy, nếu thị trường có tốc độ tăng trưởng quá nhanh cũng đi kèm với bất ổn, cung cầu không đáp ứng được cho nhau. Với tỷ lệ tăng trưởng lớn như thời gian qua, thì ở thời điểm hiện tại, sự suy giảm của hai thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, về lượng khách, theo đại diện CBRE, khách du lịch từ Trung quốc có dấu hiệu giảm nhiệt, trong khi khách Hàn Quốc lại tăng và có mức độ chi tiêu rộng rãi hơn. Điều này có thể bù đắp lại phần nào từ sự sụt giảm của khách du lịch Trung Quốc.

Xem chi tiết tại đây.

Mỏi mắt tìm căn hộ giá rẻ

Với mức tài chính dưới 1,2 tỷ đồng, anh Việt đã phải từ bỏ dự định mua căn hộ chung cư sau gần một năm tìm kiếm. Tìm hiểu một vài dự án ở khu vực phía Tây đang mở bán, song căn hộ diện tích hơn 40 m2 cũng đã lên tới 1,5 tỷ đồng. Các căn diện tích lớn hơn cũng xấp xỉ 2 tỷ. Giá bán tính trên mỗi m2 vào khoảng 35 triệu đồng.

Một góc Hà Nội với rất nhiều tòa nhà chung cư, cao tầng. Ảnh: Anh Tú

Có một số dự án nhà ở xã hội tại Bắc Từ Liêm, song sau khi tìm hiểu, anh Việt phải mua chênh cả nửa tỷ đồng mỗi căn, trong khi căn thương mại giá cũng lên tới hơn 30 triệu đồng mỗi m2. Một số dự án khác ở Hà Đông, Chương Mỹ, Quốc Oai... nhưng đều là những dự án mở bán suốt nhiều năm mà vẫn ế hàng, vị trí quá xa. Không còn lựa chọn, anh quyết định mua đất thổ cư ở An Thượng (Hoài Đức).

Cũng có nhu cầu tương tự, anh Quang vào một website mua bán bất động sản lớn nhất thị trường để tìm kiếm mua căn chung cư có giá từ 800 triệu đến một tỷ đồng. Kết quả tìm kiếm cho 700 tin rao, nhưng trong đó chủ yếu là căn hộ đã bàn giao, đang được rao bán lại. Trên thị trường sơ cấp (tức là chủ đầu tư rao bán) hiện chỉ có khoảng 5 dự án nằm tại Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Hòa Lạc... và một số ít sản phẩm chung cư mini. Tuy nhiên, đây không phải là những dự án mới mở bán, hầu hết đều được tung ra thị trường 1-3 năm về trước nhưng vẫn ế. Các dự án này đa số cũng là nhà ở xã hội, nằm ở địa bàn xa, hạ tầng kém.

Chọn mức giá cao hơn từ một đến 2 tỷ đồng, anh Quang nhận được gần 5.000 tin rao, nhưng chỉ có 20% là giá 1-1,5 tỷ đồng và đều là căn hộ cũ. Còn lại đa số là các căn có diện tích 50-70 m2, giá bán 1,6-2 tỷ đồng, tương đương 25-35 triệu đồng mỗi m2 - một mức được coi là thuộc phân khúc tầm trung và cao cấp, không phải giá rẻ như kỳ vọng của anh.

Theo khảo sát của PV, nguồn cung căn hộ giá rẻ tại Hà Nội hiện giảm sút nghiêm trọng. Nếu như vài năm trước, mỗi năm trung bình có 3-4 dự án giá bán dưới 20 triệu đồng một m2 (dưới 1,5 tỷ đồng) được mở bán, cùng với lượng hàng còn lại của những đợt mở bán trước đó. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay hầu như không có dự án nào ra mắt có mức giá như trên.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top