Aa

Hàng triệu người mất cơ hội mua nhà vì sốt giá

Chủ Nhật, 13/01/2019 - 14:01

Hàng triệu người mất cơ hội mua nhà vì sốt giá; Doanh nghiệp bất động sản phía Nam sẽ bẻ lái ngược ra miền Bắc?; Thị trường mặt bằng bán lẻ 2019: Nguồn cung mới sẽ “thúc” giá leo thang... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua,

Hàng triệu người mất cơ hội mua nhà vì sốt giá

Theo CBRE Vietnam, thị trường căn hộ bán trong năm 2018 ghi nhận những điều chỉnh liên tục, trong việc triển khai dự án của chủ đầu tư, với số căn chào bán duy trì ở mức cao gần bằng năm 2017. Trong quý 4/2018, thị trường đón nhận thêm 8.112 căn hộ, tăng 28% theo quý, đưa tổng nguồn cung cả năm đạt 30.792 căn và và tổng nguồn cung lũy kế từ năm 1999 đạt 260.247 căn. Nhìn chung, cơ cấu và loại sản phẩm đa dạng giúp cho khả năng hấp thụ của thị trường vẫn tốt, trong khi giá bán trung bình tăng.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trong năm 2018 tỷ lệ phân khúc trung cấp và bình dân (trên tổng nguồn cung mới) giảm so với năm 2017: Phân khúc trung cấp chiếm 52% tổng nguồn cung mới năm 2018 (2017: 64%) và phân khúc bình dân chiếm 2% (2017: 15%). Tại phân khúc bình dân, mặt bằng giá đã tăng lên đáng kể sau giai đoạn phát triển vừa qua, và hiện không có nhiều dự án căn hộ mới được chào bán dưới US$800/m2. Phân khúc trung cấp ghi nhận sự điều chỉnh thời gian chào bán của một vài dự án lớn sang năm 2019.

Xét về vị trí, phía Nam đứng đầu về lượng nguồn cung trong năm 2018 (53%) nhờ các dự án trung và cao cấp tại các quận 7, 8 và Bình Chánh. Khu Đông chiếm 29%, chủ yếu tại khu vực quận 2.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tác động của chính sách đến thị trường bất động sản: Doanh nghiệp vẫn "cầm dao đằng lưỡi"?

Mới đây, ngày 4/1/2019, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội TP.HCM năm 2019, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM có nêu đề nghị của Sở này: "Sẽ huỷ 300 quyết định, công văn bán chỉ định đất công". Trước đó, UBND TP.HCM vừa tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở đối với 7 khu đất đang được Tập đoàn Novaland triển khai dự án. Tuy nhiên đến chiều ngày 8/1, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã có thông báo về việc rà soát và kết luận không có cơ sở pháp lý nào quy định việc ngưng các giao dịch của người dân mua nhà trong 7 dự án của Novaland, do vậy UBND TP sẽ tháo gỡ cho phép người dân thực hiện giao dịch trở lại

Vào thời điểm cuối năm 2018, ngày 27/11, UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản số 12143/UBND-KGVX v/v tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn, trong đó văn bản có nội dung đề cập đến một số các quy định được cho là gây ra rào cản cho hoạt động đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng vốn góp của doanh nghiệp.

Tất cả những quyết sách được ban hành đều nhằm mục đích chấn chỉnh lại tính pháp lý cho môi trường đầu tư, hướng tới một thị trường bất động sản bền vững và minh bạch. Song, nếu những "con dấu đỏ" được buông ra vội vã sẽ tác động ngược gây xáo trộn thị trường.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp bất động sản phía Nam sẽ bẻ lái ngược ra miền Bắc?

Thị trường bất động sản phía bắc vốn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường miền Nam đang chịu tác động lớn từ các cuộc thanh tra kiểm tra liên quan đến sai phạm dự án cũng như các quyết định thắt chặt việc chuyển nhượng phát triển dự án, thì trường miền Bắc trơ thành miền đất hứa với các nhà đầu tư phương Nam.

Thị trường bất động sản phía Nam tiêu biểu nhất là TP.HCM đang xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại như thiếu nguồn cung do quỹ đất hạn chế, thủ tục dự án kéo dài, quy hoạch phát triển nhà ở đã hạn chế phát triển các dự án mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp... Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động tìm kiếm quỹ đất sạch mới, dịch chuyển đầu tư ra vùng ven và các khu đô thị vệ tinh quanh TP.HCM, hay phát triển dự án tại các thành phố giàu tiềm năng khác.

Trong khi thị trường địa ốc TP.HCM đã bão hòa và khó lường hơn, nhiều nhà đầu tư cũng đã chuyển hướng dòng tiền đầu tư về các thị trường tiềm năng, nhất là đối với những địa phương có biển, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng, đầu tư cho thuê và có hạ tầng phát triển như Bà Rịa -Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... Song Chính phủ và các Bộ ngành đang có chiến dịch thanh tra, kiểm tra về tham nhũng bao gồm cả các tính miền Trung, thậm chí có những chỉ đạo tiếp tục kiểm tra để báo cáo kết quả vào tháng 3/2019. Theo đó, những chuyện sai phạm quanh các dự án sẽ bị xử lý, kể cả những sai phạm nhiều năm trước đây cũng bị hồi tố.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường mặt bằng bán lẻ 2019: Nguồn cung mới sẽ “thúc” giá leo thang

Theo báo cáo từ CBRE, tính đến hết năm 2018, bốn TTTM mới đi vào hoạt động trong thị trường bán lẻ Hà Nội, cung cấp thêm 72.500m2 mặt bằng bán lẻ. Theo vị trí, khu Đống Đa – Ba Đình và phía Tây tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung thị trường với hơn 60% tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tập trung tại khu vực này. Thiếu hụt nguồn cung tại khu trung tâm sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu mặt bằng bán lẻ ra khu vực ngoài trung tâm.

Do nguồn cung hạn chế tại khu trung tâm, giá thuê khu vực này có sự cải thiện nhẹ, đạt 99,5 USD/m2/tháng, tăng 0,4% so với năm ngoái. Tỷ lệ trống khu vực trung tâm đạt mức thấp dưới 1% ghi nhận trong quý IV/2018. Các dự án mới mở năm 2018 với vị trí tốt và chủ đầu tư có danh tiếng có mức giá thuê cao hơn trung bình thị trường, góp phần làm tăng mức giá thuê tại khu vực ngoài trung tâm.

Tuy nhiên, nguồn cung mới tại khu vực ngoài trung tâm cũng góp phần tăng áp lực lên tỷ lệ trống tại khu vực này. Đống Đa – Ba Đình và phía Tây, nơi tập trung phần lớn nguồn cung bán lẻ trên thị trường có giá chào thuê đạt 30,4 USD/m2/tháng, tăng 3,5% theo năm và tỷ lệ trống đạt 12,6%, tăng 2,1 điểm%. Khu vực ngoài trung tâm khác có giá thuê trung bình tăng 0,3% theo năm, đạt 24,2 USD trong khi tỷ lệ trống tăng 1,6 điểm% và đạt 5,5% trong quý IV/2018.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chiến lược nhà ở xã hội khó về đích

Bộ Xây dựng đã dồn khá nhiều tâm sức vào việc xây dựng dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành Quyết định số 2127/2011.

Điểm nổi bật trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/sàn và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người.

Tuy nhiên nhìn lại thị trường nhà ở hiện nay tại Việt Nam cho thấy vẫn chưa bắt kịp với mức thu nhập của người lao động bình thường. Hiện tại, giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập trung bình năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Còn theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) trên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 440.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được khoảng 30% kế hoạch.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top