Aa

Hạt gạo làng ta

Chủ Nhật, 05/12/2021 - 06:15

Đất đai là tài nguyên cuối cùng, đặc biệt, còn lại của đất nước này; không chỉ của thế hệ hôm nay mà còn phải dành cho mai sau.

Thưa, đó là tên bài thơ của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa thuở thiếu thời. Câu thơ của ông, đưa tôi vào cảm xúc với hạt gạo, dẫu “cơm ba bát, áo ba manh”, ngày nào tôi cũng ngồi bên mâm cơm.

Bưng bát cơm lên thơm mồ hôi mẹ cha một thuở. Thơm mồ hôi đất, mồ hôi người hôm nay. Xuân hè năm 2021, là lần tôi có cảm xúc trọn vẹn với vụ gặt, sau bao nhiêu năm đằng đẵng xa quê. Tôi được trầm mình trên cánh đồng, quê bội thu, gió thơm mùi no ấm. Tôi làm ngay bài thơ “Em ơi về ăn cơm gạo mới”, ngay bên bánh xe chiếc máy gặt đập. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên số tháng 5/2021 đã đăng ngay bài thơ “country” này. “Em ơi/ về quê anh ăn cơm gạo mới/ bưng bát cơm lên vừa ăn vừa thổi/ mẹ dặn hoài khéo nghẹn đấy con”. 

Hạt cơm gạo mới không chỉ gọi về ký ức, mà còn gọi cảm thức ngày mai:

...
Về ăn cơm không em

bát cơm đơm tay phải

anh gắp nụ cười bằng bàn tay trái

con tim yêu mở hội vào mùa

Rất nhiều tác phẩm văn, thơ, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu... viết về mùa gặt, về hạt thóc, hạt gạo, bát cơm. Nhưng tôi vẫn thích cách nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết trong trường ca “Đất nước”. Trong hạt gạo có hình ảnh mẹ cha, làng quê, đất nước thảo thơm “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã giần sàng”. “Một nắng hai sương” (thành ngữ) gợi lên sự chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại của cha ông long đong lận đận từ những ngày nông nghiệp sơ khai, lạc hậu. Các thế hệ người Việt Nam đã vượt qua dông bão, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” (ca dao) để tìm hạt gạo. Vì vậy mà cha ông xưa căn dặn: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” (ca dao). Trong Phật giáo, hạt cơm còn được gọi là “ngọc thực”.

Hạt gạo làng ta
Hạt gạo làng ta

Làng quê thanh bình trong mùa gặt. (Ảnh: Huy Hoàng)

***

Việt Nam từ dư địa của thiên tạo, từ trong lịch sử cho đến nay vẫn là đất nước nông nghiệp. Nông nghiệp - nông thôn - nông dân là vấn đề lớn của cách mạng. Đúng thôi, cho đến nay vẫn còn 65,6% dân số sống ở nông thôn. Ngàn năm nay, Việt Nam có nền văn minh lúa nước. Những cánh đồng mỏi cánh cò bay của châu thổ sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và “những cánh đồng van vát miền Trung” (thơ Nguyễn Hữu Quý) là nơi cư ngụ, sinh sống, làm ăn tập trung của người nông dân Việt Nam. Với đất nước này, xa xưa Lê Quý Đôn đã dạy “phi nông bất ổn...”.

Từ trong lịch sử, nhờ khẩu hiệu “ruộng đất cho dân cày” mà nông dân Việt Nam theo Đảng làm cách mạng. Đúng thật, con người để tồn tại, phát triển, trước hết cần cái ăn. Bởi vậy, sản xuất nông nghiệp, là lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất đối với sự phát triển của Việt Nam, và đã qua nhiều biến đổi thăng trầm. Nay nông nghiệp - nông thôn - nông dân Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới. Tất nhiên, nói đến nông nghiệp đâu chỉ là hạt gạo mà còn những nông sản quan trọng khác như cà phê, sợi bông, đậu phộng, cao su, đường... Nông nghiệp trở thành địa hạt của lúa, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản, trồng rừng... tức là bao trùm cả lâm, ngư, diêm.

Cách đây không lâu, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nước ta 10 năm qua được tiến hành theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường, chuyển từ lúa sang cây ăn quả, rau; cơ cấu thủy sản tăng nhanh, nông nghiệp giảm; phát triển mạnh các chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa. Nông nghiệp Việt Nam hiện đang tái cơ cấu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông minh.

Các địa phương đã và đang tập trung đầu tư và phát triển mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuỗi nông sản an toàn, sản phẩm xanh... với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop… “Thời 4.0” rồi, nên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do trình độ canh tác ngày càng hoàn thiện nên năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao rõ rệt.

An ninh lương thực quốc gia được đảm bảo vững chắc, xuất khẩu tăng nhanh và từng bước khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam. Nông sản là mặt hàng xuất khẩu nổi trội trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thời gian qua, lập kỷ lục mới với giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD năm 2020 và 22,83 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021. 

Đó là thành quả đáng kinh ngạc của những người nông dân và các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực nắm bắt từng cơ hội dù là nhỏ nhất để mang nông sản nước ta ra thế giới trong tình hình hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tỷ trọng nông nghiệp trong kinh tế cả nước và kinh tế nông thôn giảm mạnh xuống dưới 14% nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam. Nền nông nghiệp nước ta đang hình thành nhiều vùng đặc thù theo chức năng: Nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp ven đô, nông nghiệp quy mô lớn sản xuất hàng hóa, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng tới thông minh.

Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia là phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng khai thác lợi thế của mỗi vùng, miền. Giải pháp để thực hiện định hướng này là thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và cấp mã vùng sản xuất. Phát huy lợi thế tài nguyên biển để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, lĩnh vực chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm. Hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản.

Từ chỗ “vác rá” đi xin gạo, mua gạo... để về “cứu đói” của một thời chưa quên, sản phẩm nông nghiệp, trong đó có hạt gạo Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Xưa trong lịch sử “mở cõi”, hạt “lúa trời” miền Nam là “hạt ngọc”; nay nhiều thương hiệu gạo Việt đã nức tiếng toàn cầu.

Xuất khẩu gạo
Nhiều thương hiệu gạo Việt được xuất khẩu đã nức tiếng toàn cầu. (Ảnh minh họa: Internet)

***

Trở lại với cánh đồng làng, nơi tôi đã mê mải. Chẳng còn bao lâu nữa những cánh đồng trước mặt tôi, nơi em dâu tôi đang gặt lúa sẽ biến mất. Hồi tôi còn bé, cánh đồng nào cũng rộng, nay ruộng lúa chỉ còn chưa tới 30%. Trên phần đất còn lại ít ỏi này, đã có nhà đầu tư quy hoạch khu đô thị. Thị trấn quê tôi đang trên đường tới thị xã. Cô bác, bà con, anh chị em xa ngái trong họ tộc sẽ trở thành “công dân phố”. 

Người sinh đất không đẻ. Biết bao diện tích đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” nhờ thiên tạo ngàn năm mới có được đã bị lấp đi. Lúa, màu... bị “cắt hộ khẩu” nhường chỗ cho khu công nghiệp, nhà ở. Nghịch lý là “bờ xôi ruộng mật” thường gần quốc lộ, ví như những cánh đồng bát ngát hai phía đường 5 (cũ) Hà Nội - Hải Phòng. Nhà đầu tư nào cũng chỉ quan tâm đến kết nối, bởi nó tạo ra giá trị nên “bờ xôi ruộng mật” được ưu tiên “lấp trước”. Khi Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng “nô nức” lấy đất nông nghiệp dọc đường 5, tôi nhớ đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng từng khản cả giọng, kêu gọi đừng “kết liễu” nó. Bây giờ thì đường 5 đã trở thành tuyến “quốc lộ nội đô”, buộc phải ra đời đường 5 mới, tức cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Câu chuyện “bờ xuôi ruộng mật” dọc đường 5 (cũ) chỉ là một ví dụ, trong muôn ngàn ví dụ.

Hàng chục năm qua, lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến Trung ương, từ bộ ngành đến chủ chốt đều kêu gào bảo vệ đất trồng lúa. Nghịch lý là đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp. Đất đai là tài nguyên cuối cùng, đặc biệt, còn lại của đất nước này; không chỉ của thế hệ hôm nay mà còn phải dành cho mai sau. Chính vì vậy, gần đây (tháng 10 vừa qua), Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại họp, cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Trong các mục tiêu của quy hoạch có nội dung giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, vì hôm nay và mai sau không “bất ổn” của đất nước đã và đang “cán đích” 100 triệu người.

An ninh lương thực là một trong các nội dung của an ninh phi truyền thống, điều mà cuối thế kỷ 18, nhà bác học, nhà thơ Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã ra “lời sấm” khuyến cáo: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi trí bất hưng, phi thương bất hoạt”

Không có gì nguy hiểm bằng thất nghiệp ngay trên cánh đồng, đói ăn ngay trên cánh đồng. Bài thơ “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã được phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Chắc chắn ai cũng từng một lần được nghe. Vì thế, “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa”, “Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay...” mãi mãi có giá trị thông điệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top