Aa

Soi trong sử sách: Hậu duệ nhà Trần - Một góc nhìn khác

Chủ Nhật, 10/01/2021 - 07:00

Nhiều khi người ta đành đổ cho sự an bài số phận. Càng với độ lùi của thời gian lại càng thấy lộ ra nhiều góc khuất mà hậu thế cần phải dùng con mắt của khoa học khách quan biện chứng soi rọi vào, để mong lý giải ph

Triều đình nhà Trần, vốn được ca ngợi là một triều đại oai hùng, võ công bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Có được những chiến công chống giặc ngoại xâm lừng lẫy địa cầu như vậy, là công lao trước hết của toàn dân Đại Việt đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của các nhà vua anh dũng, thông tuệ: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và các tướng lĩnh vương hầu tôn thất. Hào khí thời Đông A còn vang vọng mãi đến ngày nay. Nhiều vương hầu tôn thất đã trở thành những tấm gương quả cảm hy sinh vì nước: Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản…

Nhiều người thể hiện sự dũng cảm mưu trí tài lược trên chiến trường, lập võ công oanh liệt để danh tiếng đến ngàn thu: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… Họ đã là những hậu duệ xứng đáng của dòng họ Đông A bất khuất.

Trần Quốc Toản (Ảnh minh họa)

Nhưng cũng trong tôn thất họ Trần, nhiều kẻ đã tỏ ra hèn nhát, khiếp sợ trước kẻ thù. Tại cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, sau trận Bình Lệ Nguyên bị thất bại nặng, vua quan nhà Trần phải bỏ cả kinh thành Thăng Long tránh giặc. Đức vua Trần Thái Tông vấn kế ông em là Thái úy Trần Nhật Hiệu, ông này sợ đến nỗi không ngồi lên nổi, bệt ở lòng thuyền, chấm tay vào nước viết hai chữ “nhập Tống”, ý là chạy đến nhập nước Đại Việt vào nước Tống để bảo toàn tính mạng. Hèn mạt! May mà đức vua Trần Thái Tông anh minh không nghe theo, để rồi mới có trận Đông Bộ Đầu báo thù, giành lại Thăng Long, đuổi bọn Mông Thát chạy dài.

Tại cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên Mông, giữa lúc vận mệnh đất nước đang ngàn cân treo sợi tóc, quân Nguyên đang truy đuổi triều đình ráo riết thì Trần Kiện, một viên tướng trong hoàng tộc đã mang mấy vạn quân ra hàng giặc! Đó là một đòn trí mạng giáng vào quân ta khi ấy. May mà có tài thao lược của đức ông Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã gánh đỡ được. Và tên Trần Kiện đã bị Nguyễn Địa Lô bắn chết. Mà trong gia tộc nhà Trần, Trần Kiện là ai? Chính là hậu duệ, cháu nội của An Sinh Vương Trần Liễu, nhánh trưởng họ Trần!

Một nhân vật hậu duệ họ Trần không thể không nhắc đến là Trần Lộng. Cũng tại cuộc chiến lần thứ hai, Trần Lộng đã đầu hàng giặc Thoát Hoan ngay. Thậm chí y còn mang quân đi theo giặc đánh dẹp vùng Tuyên Hóa rồi sau đó chạy về bên đất Nguyên (Trung Quốc) sống dặt dẹo hết đời. Một điều đau đớn cho tên tuổi vị Thái sư quốc phụ Trần Thủ Độ là, Trần Lộng chính là cháu nội của ông. Một tên hậu duệ phản phúc, bôi nhọ tên tuổi cha ông!

Nhưng nhân vật nổi tiếng hèn mạt và đã được định danh là kẻ phản bội tổ quốc lừng danh trong lịch sử dân tộc, mỗi khi cần lấy ví dụ về bọn bán nước ta thường dẫn ra, ở thời Trần là Trần Ích Tắc kia. Thế nhưng trong bài này ta không khảo sát thân thế sự nghiệp của tay An Nam Quốc Vương bù nhìn- “ả Trần”, cách gọi khinh miệt của hoàng gia trong sử sách. Ta khảo xem hậu duệ của tay vương gia hèn đớn, tham sống sợ chết, cầu vinh bán nước nên đã bị anh em trong hoàng tộc coi như hạng đàn bà sau này ra sao.

Trần Ích Tắc sau khi chạy về Nguyên làm quan với họ và chết già bên đó. Ích Tắc sinh ra một tay con trai lừng lẫy là Trần Hữu Lượng, người đã đứng lên khởi nghĩa đồng thời với Chu Nguyên Chương đánh đổ nhà Nguyên. Trần Hữu Lượng thậm chí đã rạch đôi sơn hà, chia đôi nước Nguyên thành hai triều. Trần Hữu Lượng lập triều đình riêng. Năm Giáp Ngọ (1354) đã sai sứ sang triều Trần, xin “hòa thân”. Triều đình nhà Trần lúc đó đang bắt đầu suy vi, do ông vua thuộc dạng hôn quân hèn đớn là Trần Dụ Tông đứng đầu đã không, hay không dám chấp nhận kế “hòa thân”: vốn cùng là thân thích, nội tộc họ Trần cả nên hòa vào làm một! Nhưng thật ra việc Trần Dụ Tông không chấp nhận Trần Hữu Lượng, cũng không biết là may hay rủi cho nước Đại Việt.

Nhà Trần có những người quyết chống giặc đến cùng để bảo vệ Giang Sơn, cũng có kẻ sợ hãi đầu hàng giặc. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”

Chấp nhận, rất có thể thành một nước Đại Việt rộng lớn bao la chiếm nửa nước Trung Quốc hiện nay. Nhưng cũng rất có thể nước Đại Việt sẽ biến mất, hòa tan vào Trung Quốc, không còn tên như là một quốc gia tự chủ còn đến ngày nay là nước Việt Nam hiện thời: số phận sẽ như các nhà nước Bách Việt đã từng tồn tại ở vùng phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh, nay đã hòa vào Trung Quốc mà không còn dấu tích gì mấy.

Đến năm Tân Sửu (1361) Trần Hữu Lượng lại cho sứ sang triều đình nhà Trần đề nghị “hòa thân” một lần nữa. Lượng muốn gộp sức mạnh gia tộc Trần, hào khí lừng lẫy ba lần đánh bại quân Nguyên Mông để đánh bại Chu Nguyên Chương, thống nhất Trung Quốc. Vẫn không được chấp nhận. Thế là đến trận thủy chiến hồ Bà Dương (1363), Trần Hữu Lượng mặc dù quân đông, mạnh hơn hẳn nhưng đã bị quân của Chu Nguyên Chương đánh bại, Trần Hữu Lượng bị giết chết. Chu Nguyên Chương thống nhất Trung Quốc lập ra triều Minh trong lịch sử.

Mặc dù cuối cùng thất bại trong việc lập nên vương nghiệp, nhưng Trần Hữu Lượng đã chọc trời khuấy nước lừng lẫy đất Trung Quốc một thời. Đã góp công lớn đánh đuổi nhà Nguyên phải chạy ra khỏi Trung Quốc về lại miền thảo nguyên Mông Cổ. Ta nhắc qua câu chuyện cuộc đời Trần Hữu Lượng, một hậu duệ của Trần Ích Tắc, kẻ phản bội hèn yếu tham sống sợ chết đên mức bị khinh bỉ là “ả Trần”, để thấy nhiều chuyện thú vị. Chuyện cuộc đời Trần Hữu Lượng và cuộc đấu giữa Trần Hữu Lượng với Chu Nguyên Chương để thống nhất Trung Hoa cũng đã được tiểu thuyết gia kiếm hiệp lừng danh Kim Dung tái hiện phần nào trong thiên tiểu thuyết “Cô gái Đồ Long” của ông.

Cuối năm rỗi rãi ngồi soi lại trong sử sách xưa về mấy nhân vật hậu duệ trong họ Trần để thấy rằng, thực ra nhiều khi xuất thân thế nào, ở đâu hầu như cũng không có gì đảm bảo cho tính cách hành động của con người ta sau này. Sinh ra lớn lên trong một bầu không khí thượng võ hào hùng của dòng họ Đông A thời thịnh trị như thế, mà các hậu duệ Trần Ích Tắc, Trần Lộng, Trần Kiện lại hèn nhát cam tâm đầu hàng giặc. Còn ở một chiều ngược lại, rõ ràng Trần Hữu Lượng là con trai của một kẻ bán nước hèn yếu tham sống sợ chết lại thành ra một nhân vật oai hùng, chọc trời khuấy nước, cùng góp công lớn lật đổ triều Nguyên hùng mạnh đã từng thống trị gần cả thế giới.

Giải thích cái nghịch lý này thế nào cho thỏa đáng? Thành ra câu chuyện về thân phận của các hậu duệ ở chiều kia của một dòng họ lừng lẫy, họ Trần, là câu chuyện thú vị, bí ẩn. Nó có vô vàn những điều không giải thích được. Nhiều khi người ta đành đổ cho sự an bài số phận. Càng với độ lùi của thời gian lại càng thấy lộ ra nhiều góc khuất mà hậu thế cần phải dùng con mắt của khoa học khách quan biện chứng soi rọi vào, để mong lý giải phần nào. Và quan trọng nhất là rút ra những bài học từ quá khứ lịch sử đã qua!./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top