Aa

Hỗ trợ "nhường ghế"

Thứ Năm, 05/07/2018 - 06:00

Ngày 9/7 tới đây, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng sẽ trình ra HĐND TP xem xét, ban hành nghị quyết khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ.. Theo đó, có thể ngân sách thành phố sẽ chi đến 200 triệu đồng hỗ trợ cho một trường hợp tự nguyện "nhường ghế" cho người trẻ. Xung quanh việc này, cũng có nhiều chiều bàn luận lắm...

Tin này cũng thuộc loại "hot", được nhiều tờ báo đăng tải. Thoạt đầu, đọc các đầu bài báo, tôi lại nghĩ chế độ này cho mọi công chức. Nhưng khi đọc kỹ mới hiểu là cho riêng quan chức, nhằm "hỗ trợ" người rời chức vụ để người trẻ hơn lên thay. 

Thứ nhất - một giải pháp khá vô nghĩa. Người sẵn sàng rời bỏ chức vụ cho người trẻ (mà có năng lực hơn) lên thay thì không phải vì để có 200 triệu (dù đó là số tiền không nhỏ). Còn người bám ghế thì không coi 200 triệu là đủ để họ rời ghế (Kể cả giữ ghế không vì tiền. Với một số người sự đam mê quyền lực còn mạnh hơn nhiều chuyện tiền bạc).

Thứ hai - Tôi có nhiều người bạn ở Đà Nẵng. Một số trong họ là quan chức. Tôi thấy người Đà Nẵng khẳng khái, tự trọng. Tôi nghĩ với họ thì cái "sáng kiến" này khá xúc phạm.

Một cuộc họp các sở, ngành ở Đà Nẵng.

Một cuộc họp các sở, ngành ở Đà Nẵng.

Đành phải viết dài hơn về "giải pháp" này.

1- Nhà nước xưa nay có chế độ hỗ trợ những người thôi việc. Vì là khi thôi việc họ gặp các khó khăn, giai đoạn thích ứng với cuộc mưu sinh mới không dễ. Còn một quan chức hay một người có chức vụ quản lý khi thôi chức vụ thì vẫn là người công chức hay viên chức bình thường, tại sao phải "hỗ trợ" bằng ngân sách nhà nước hay ngân sách đơn vị? Khó khăn của họ là cái khó khăn gì - là cái khó khăn không được làm lãnh đạo à? Hoá ra một khi đã có chức, thì có đặc biệt đãi, có đãi ngộ riêng cả trong cái sự thôi chức? Ai trả tiền cho đãi ngộ ấy - lại là những người không chức chứ ai.
Như vậy có VÔ PHÁP không?

2- Người sẵn sàng thôi chức cho người khác trẻ hơn làm tốt hơn thì không vì làm thế được 200 triệu. Dù là tiền đó không nhỏ. Những người như thế họ sẽ thấy "phần thưởng" này có hơi hướng xúc phạm.

Như vậy có VÔ TÂM không?

3- Người bám ghế thì không vì 200 triệu mà rời bỏ quyền lực hay bổng lộc.

Như vậy "sáng kiến" này có VÔ NGHĨA không?

4- Nếu người nhiều tuổi hơn nhưng có năng lực đáp ứng, người khác trẻ hơn chưa bằng, mà vì lý do gì (tốt hay xấu) họ rời chức, thì đó là có hại, đâu phải có lợi cho xã hội. Lẽ ra người như thế phải thưởng để họ tiếp tục làm. Sao lại "thưởng" tiền khi họ thôi công việc họ có thể làm tốt? 

Như vậy có phải là VÔ LÝ không?

5- Nếu người đang giữ chức không đáp ứng nhiệm vụ, cần thay bằng lớp người mới, thì chẳng nên đợi họ "tự nguyện" mới thay. "Nhử" họ bằng món tiền nếu họ tự nguyện rời ghế, là do không dám sử dụng hết các đòn bẩy quyền lực có tính minh bạch chính danh khác. Nếu họ (giả dụ thế, chứ như trên đã nói, biện pháp này khá vô nghĩa) có tiền mới rời ghế, hoá ra là không thể dùng quyền và lý chính đáng để thay thế họ?

Như thế là giải pháp từ VÔ SÁCH sao? 

6- Tôi biết nhiều người không cho đây là giải pháp có lý, nhưng nói rằng: "Cũng được, cốt là để thêm thuận lợi thay thế cán bộ già cỗi, như vậy vẫn có lợi hơn". 

Hơn nữa, việc "hỗ trợ" bày tỏ sự trân trọng của "tổ chức" và xã hội với người không cản trở lớp nhân tài trẻ.

Tuy nhiên cái "sáng kiến" thưởng thế này nó đánh đồng cán bộ có tâm khi thôi chức với cán bộ phải thôi chức. Nó lại làm dư luận chẳng tăng thiện cảm với người tự nguyện thôi chức, mà ngược lại thêm ác cảm với 'lãnh đạo" (vì họ thôi lãnh đạo vẫn có một cục tiền).

Như vậy có phải là VÔ MINH không?

Nếu đơn vị soạn thảo ra dự thảo phương sách này có lập luận giải đáp được tất cả những điều nói trên là không đúng, thì hãy thông tỏ cho tôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top